Sản phụ V.T.T.H. (26 tuổi) mang song thai không may mắc Covid-19 ở tuần cuối của thai kỳ. Là F0 nên chị đã được tiếp nhận, hỗ trợ chuyên môn tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 Hoàn Mỹ Thủ Đức (nơi đã chuyển công năng sang điều trị Covid-19).
Tại đây, chị đã được chỉ định sinh mổ, và để tránh nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang bé và lây nhiễm cho ê kíp phẫu thuật, các bác sĩ đã chuẩn bị nghiêm ngặt mọi quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.
Trên cơ địa của thai phụ mắc Covid-19 có nguy cơ gặp những diễn biến bất lợi có thể gia tăng tình trạng chảy máu và suy hô hấp cấp trong cuộc mổ. Đối mặt với ca bệnh phức tạp, rủi ro cao, bệnh viện đã huy động ê kíp với 6 bác sĩ nhiều kinh nghiệm từ Sản khoa, Nhi khoa, Gây mê Hồi sức hội chẩn và trực tiếp thực hiện ca sinh mổ song thai, có gây tê ngoài màng cứng.
Ngày 24/8, ca sinh mổ đã diễn ra thành công, 2 bé trai sinh đôi lần lượt nặng 2,6kg và 3,3kg đã cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui mừng của mẹ và ê kíp phẫu thuật.
Hai ngày sau khi chào đời, các bé đã có kết quả xét nghiệm RT-PCR SARS-CoV-2 âm tính lần thứ nhất trong niềm vui của gia đình.
Bác sĩ Mai Phương, khoa Phụ sản, vừa tham gia chống dịch tại bệnh viện vừa đảm bảo công tác chuyên môn sản khoa chia sẻ: “Ca sinh của sản phụ đòi hỏi sự chuẩn bị rất nhiều về nhân lực, cũng như sự ứng phó các tình huống xấu có thể xảy ra. Ê kíp đã cố gắng dành những điều tốt nhất để gia đình có thể yên tâm. Hai thiên thần chào đời khỏe mạnh, an toàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp”.
Trước đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (Hà Nội) cũng đã điều trị thành công và cho xuất viện một người mắc Covid-19 nặng, mang thai tuần thứ 29.
Chị H.T.D., 26 tuổi, ở Hà Nội, được điều trị 6 ngày tại tuyến cơ sở, nhưng tình trạng không cải thiện, có ho nhiều hơn, khó thở tăng dần, được chuyển viện cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương ngày 28/7.
Tại khoa cấp cứu của bệnh viện, chị D. được chỉ định thở oxy lưu lượng cao HFNC 2 ngày, nhưng đáp ứng kém. Bác sĩ chỉ định đặt nội khí quản, can thiệp thở máy, sau can thiệp chuyển đến khoa hồi sức tích cực ngày 29/7.
Ngày 19/8, sau 23 ngày thở máy, ca bệnh trên tỉnh táo, cơ lực tốt, bác sĩ tập cho bệnh nhân bỏ máy thở và rút ống thành công, chuyển thở oxy qua gọng kính, tiếp tục tập phục hồi chức năng hô hấp và vận động tại giường.
Đến ngày 25/8, sau 28 ngày chăm sóc tích cực, với 7 lần lọc máu, sức khỏe chị D. cải thiện tốt, xét nghiệm PCR âm tính Covid-19, thai nhi hoàn toàn khỏe mạnh, bệnh nhân được bác sĩ cho xuất viện.
Chiều 19/8, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cũng cho biết, đơn vị vừa điều trị thành công 1 bệnh nhân Covid-19 nặng, mang thai tuần 36, đang điều trị đái tháo đường thai kỳ.
Chị H. có yếu tố dịch tễ nên được cách ly tại trạm y tế xã. Ngày 19-7, bệnh nhân xuất hiện sốt 38,5 độ C, có khó thở, ho tăng dần, đau mỏi người, xét nghiệm RT-PCR dương tính COVID-19. Chị được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương để điều trị.
Tại đây, tình trạng khó thở của bệnh nhân tăng lên, được bệnh viện quyết định mổ lấy thai cùng ngày, điều trị thở oxy kính, kháng sinh, chống viêm, chống đông máu.
Ngày 24/7, chị H. nhập khoa hồi sức tích cực, không đáp ứng với thở oxy lưu lượng cao, đã được đặt ống nội khí quản và thở máy.
Đến ngày 25/7, sản phụ được can thiệp đặt thông y tế động mạch, kết hợp chăm sóc toàn diện và điều trị tích cực.
Sau 5 ngày nhập khoa hồi sức tích cực, bệnh nhân có tiến triển rõ rệt, đến ngày 29-7, chỉ số chức năng phổi P/F trên 200, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, bệnh nhân được rút ống, bỏ máy thở và chuyển thở oxy kính.
Tuy nhiên, 1 ngày sau đó bệnh nhân đột ngột có biểu hiện suy hô hấp, đau tức ngực, được các bác sĩ cấp cứu kịp thời, và chỉ định cắt lớp điện toán đa lát cắt ngực.
Qua khám, các bác sĩ chẩn đoán và quyết định điều trị bệnh nhân theo hướng tắc mạch phổi. Đến ngày 8-8, chị H. tự thở được tốt, cơ lực khá, toàn trạng ổn định, bệnh nhân được ngừng thở oxy kính, và tích cực tập vận động, phục hồi chức năng, nuôi dưỡng nâng cao thể trạng.
Trong chiều 19/8, sau 26 ngày chăm sóc tích cực, sức khỏe bệnh nhân hoàn toàn ổn định và được ra viện.