Vì sao dưa bắp cải bị nhớt?
Dưa bắp cải bị nhớt có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân.
Việc rửa rau không sạch, không ngâm rau trong nước muối loãng trước khi muối sẽ khiến các chất bẩn, vi khuẩn vẫn đọng trên lá rau, làm rau bị nhớt khi muối.
Bạn nên rửa rau thật kỹ với nước sạch sau đó ngâm trong nước muối loãng khoảng 5 phút. Cuối cùng rửa lại bằng nước sạch và để ráo để loại bỏ hết vi khuẩn, bụi bẩn.
Một nguyên nhân khác khiến dưa bắp cải bị nhớt là sử dụng nước lạnh để pha nước muối. Một số người muối dưa theo cảm tính, không đo lường chính xác lượng muối, đường cần sử dụng. Khi nêm nếm thấy dùng quá nhiều gia vị sẽ thêm trực tiếp nước lạnh để điều chỉnh. Việc này khiến dưa bị nhớt hoặc lên men không đều.
Vì sao dưa bắp cải bị mềm?
Ngoài việc dưa bắp cải bị nhớt, nhiều người gặp tình trạng dưa bắp cải muối bị mềm nhũn, ăn không có độ giòn. Nguyên nhân có thể là do bạn thái rau quá mỏng, khiến rau mất đi độ giòn tự nhiên. Kinh nghiệm là nên thái rau dày khoảng 5-6mm để rau có độ giòn nhất định và dễ ngấm gia vị.
Ngoài ra, việc không cho đường cũng khiến rau bị mềm nhũn. Đường có vai trò quan trọng trong việc lên men. Thiếu đường, quá trình lên men sẽ kéo dài. Thời gian ngâm nước muối quá lâu sẽ khiến rau bị mềm nhũn.
Bên cạnh đó, nếu không sử dụng đủ lượng muối, môi trường lên men không được ổn định, vi khuẩn có hại phát triển sẽ khiến dưa bị mềm, màu sắc kém bắt mắt.
Bảo quản dưa ở nhiệt độ phòng quá lâu khiến dưa bị axit hoá và bị mềm đi. Sau khi muối ở nhiệt độ phòng 2-3 ngày, bạn nên cho dưa vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản, giúp kéo dài thời hạn sử dụng.
Lưu ý để muối dưa bắp cải ngon
- Chọn bắp cải
Nên chọn những cây bắp cải cuộn cặt, cuống nhỏ. Cầm cây bắp cải trên tay thấy chắc và nặng. Lá bắp cải có màu xanh nhạt, tươi tắn, không có dấu hiệu bị héo.
- Nguyên liệu và gia vị muối dưa
Ngoài bắp cải, bạn cần chuẩn bị thêm một số nguyên liệu và gia vị như đường, muối, giấm, vài lát ớt (nếu ăn cay), hành lá, rau răm, cà rốt. Bạn cũng có thể thêm hành tây, rau cần để muối cùng bắp cải.