Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia con người rất cần carbohydrate (có trong cơm) bởi hệ thần kinh trung ương của chúng ta cần sử dụng gluxit để duy trì hoạt động bình thường.
Ngoài ra, cơm cũng có vai trò trong việc kiểm soát huyết áp.
Cơm còn cung cấp nhiều chất xơ, vitamin D, niacin, canxi, sắt, thiamine. Tất cả những chất dinh dưỡng này đều cần thiết cho cơ thể, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, ổn định các hoạt động của cơ thể.
Trong một bữa ăn lành mạnh, cơ thể chúng ta cần tối thiểu 50 gram bột đường. Trước đây, mọi người thường ăn nhiều cơm, có thể nhiều hơn 3-4 bát/bữa nhưng ít người bị tiểu đường do thời đó con người tham gia nhiều hoạt động thể chất, tiêu hao nhiều năng lượng. Trong khi đó, ngày nay, công việc của chúng ta đa dạng hơn, nhiều người làm công việc văn phòng, ít vận động nên lượng cơm tiêu thụ cũng được cắt giảm. Thêm vào đó, sự phát triển chung của xã hội giúp đời sống con người được cải thiện, kinh tế đi lên, chất lượng bữa ăn cũng thay đổi. Chúng ta tiêu thụ nhiều loại thực phẩm hơn, ăn nhiều đạm, chất béo và đường hơn. Do đó, nguy cơ mắc tiểu đường và các mãn tính khác cũng gia tăng.
Tuy nhiên, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho cơm là nguyên nhân gây ra tiểu đường. Bởi vì việc hình thành bệnh còn liên quan đến tổng thể chế độ ăn uống và các hoạt động khác. Ví dụ, các chuyên gia khuyến cáo một người trưởng thành nên ăn 200 gram quả chín/ngày nhưng có người lựa chọn ăn ít cơm, thậm chí không ăn cơm và tăng lượng trái cây lên vì cho rằng đây là thực phẩm tốt hơn cơm. Trên thực tế, các loại quả chín có hàm lượng đường cao, ăn nhiều quá cũng không tốt cho sức khỏe.
Chế độ ăn uống của chúng ta cần đảm bảo việc cân đối ba nhóm chất gồm bột đường, chất đạm và chất béo. Trong đó, bột đường nên chiếm 50-60%; đạm (từ thực vật và động vật) nên chiếm 13-20% tổng năng lượng nạp vào cơ thể; chất béo có thể nạp từ thực vật (các loại dầu chiết xuất từ hạt, quả) và động vật (mỡ cá, mỡ gà, mỡ lợn...). Ngoài ra, cơ thể cũng cần các vitamin và khoáng chất.
Các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân không nên kiêng cơm mà nên chú ý vào việc tập trung tiêu thụ thực phẩm lành mạnh và khoa học. Một người bình thường, một ngày nếu chỉ ăn cơm (kết hợp với các món rau, thịt, cá; không ăn bún, mì, phở, bánh mì) có thể ăn 3-4 bát/cơm, một bữa có thể ăn 1-2 bát, tùy theo nhu cầu sử dụng năng lượng của mỗi người. Nếu đã ăn các thực phẩm chứa nhiều bột đường như xôi, bún, phở thì nên ăn giảm lượng cơm trong bữa ăn đó.