Khi chúng tôi lấy nhau, vợ tôi- một cô gái miền Nam hiền lành, giản dị, hoàn toàn không hay biết chồng mình là một tên tội phạm bị truy nã toàn quốc. Nhưng khi tôi bị bắt, sự việc vỡ lở, với cái thai 5 tháng tuổi trong bụng, cô ấy đã không một chút đắn đo vượt một quãng đường dài từ phương Nam xa xôi lên sinh sống ở vùng núi cực Bắc của tổ quốc để có điều kiện thăm nuôi tôi và thay tôi chăm sóc bố mẹ già.
[links()]
Tình yêu và sự vị tha thần thánh của người vợ hiền đã khiến tôi suốt đời ghi nhớ. Tôi vẫn nói, điều tốt đẹp nhất mà cuộc sống dành cho tôi đó là giúp tôi tìm thấy người phụ nữ của đời mình trong những năm tháng tăm tối nhất của cuộc đời.
Mối tình trên đường trốn chạy của tên tội phạm trruy nã
Những bạn tù ở cùng buồng giam ở trại giam Quyết Tiến vẫn bảo tôi là một kẻ phạm tội may mắn. Vì dù gây ra bao nhiêu lầm lỗi, số phận vẫn dành cho tôi những ưu ái mà không phải tù nhân nào cũng may mắn có được.
Năm 1999, tôi cùng 2 người bạn gây ra một vụ án hành hung và cướp của người đi đường, khiến nạn nhân bị thương tích rất nặng. Sau khi gây án, tôi đã bỏ trốn vào miền Nam, bắt đầu hành trình trốn chạy sự trừng phạt của pháp luật.
Tôi biết sửa xe và có nhiều nghề tay trái khác, nên những ngày lang thang trong Sài Gòn, tôi kiếm sống tương đối dễ dàng, nhanh chóng ổn định kinh tế. Một thời gian sau, thấy không hề hấn gì, tôi ngây thơ nghĩ là pháp luật đã “quên” mình và cứ thế yên tâm sống, những tưởng mình sẽ không phải trả giá cho những tội lỗi của mình.
Chính trong quãng thời gian trốn chạy này, tôi đã quen biết và yêu M, một cô gái miền Tây Nam bộ, làm công nhân tại thành phố Hồ Chí Minh. Tôi và cô ấy sống trong cùng một xóm trọ ở quận 11.
Tình yêu và sự vị tha thần thánh của người vợ hiền đã khiến tôi suốt đời ghi nhớ. Tôi vẫn nói, điều tốt đẹp nhất mà cuộc sống dành cho tôi đó là giúp tôi tìm thấy người phụ nữ của đời mình trong những năm tháng tăm tối. |
Con gái miền Tây hiền lành, dễ thương lắm. Thỉnh thoảng thấy phòng tôi bẩn, cô ấy lại sang dọn dẹp, giặt giũ quần áo cho tôi. Lương công nhân thấp, nên cô ấy ăn uống rất kham khổ. Nhìn thương quá, nên tôi chủ động đề nghị cô ấy nấu ăn chung với mình.
Thế là dần dần, chúng tôi “góp gạo thổi cơm chung” thật. Quãng thời gian đó trôi qua thật hạnh phúc, khi mà ngày nào trở về xóm trọ, cũng có một người phụ nữ thu vén, chăm lo cho mình từ bữa cơm đến giấc ngủ.
Tôi bắt đầu khao khát cuộc sống gia đình, khao khát có một người vợ và những đứa con xinh xắn, khao khát một cuộc sống bình yên.
Khao khát lấy vợ cháy bỏng đến nỗi, dù biết mình đang là tội phạm truy nã, nhưng tôi vẫn đánh liều đưa vợ đi đăng kí kết hôn. Để hạn chế nguy hiểm, tôi lặn lội đưa vợ lên tận một huyện miền núi của Tây Nguyên để kết hôn, với hi vọng ở cái xứ sở heo hút đó, công an sẽ không phát hiện ra manh mối của mình.
Đó cũng chính là nguyên nhân khiến tung tích của tôi bại lộ. 6 tháng sau, tôi sa lưới pháp luật, khi đứa con trong bụng vợ mới bước sang tháng thứ 5. Nhớ lại lúc tra tay vào còng số 8, tôi tuyệt vọng lắm. Ý nghĩ đầu tiên và đau đớn nhất là sẽ không nhìn thấy con mình chào đời.
Chưa bao giờ tôi ao ước giá như mình đừng phạm tội đến thế, để không phải rơi vào cảnh gia đình li tán như thế này. Là vợ chồng, nhưng vợ tôi hoàn toàn không biết chút gì về quá khứ của tôi. Cô ấy cứ tưởng tôi là một kẻ mồ côi, tha phương cầu thực mà dạt vào tận phương Nam.
Tôi bị bắt lúc vợ không có nhà, chẳng kịp giải thích hay thanh minh điều gì, tôi chỉ xin những cán bộ bắt truy nã khi ấy để lại chiếc nhẫn cưới và toàn bộ tiền trong ví, cùng với vài dòng thư ngắn ngủi kể lại sự tình.
Tôi cho cô ấy số điện thoại của bố mẹ tôi ở quê nhà, nói là nếu yêu tôi và tha thứ cho tôi thì hãy lên đó sinh con đẻ cái, chờ ngày tôi trở về. Nói thế, chứ lúc đó, tôi chẳng dám hi vọng gì. Tôi đã lừa dối vợ, tôi là một tên tội phạm, quãng đời tù tội của tôi chẳng biết ngày về, tôi không tin vợ tôi sẽ tha thứ và chờ đợi tôi”.
Tình yêu vượt qua 2000 cây số
Biết tin tôi bị bắt, ngay ngày hôm sau, vợ tôi đã thu xếp đồ đạc, bỏ công việc và vượt quãng đường 2000km từ Sài Gòn lên tận Tuyên Quang, quê tôi, với một cái bụng bầu 5 tháng. Lấy số điện thoại tôi để lại, cô ấy gọi điện cho bố mẹ tôi xin địa chỉ nhà rồi cứ thế nhất quyết đi, bất chấp sự can ngăn, mắng mỏ của gia đình, bạn bè.
Sau này bố mẹ tôi vào trại thăm kể lại rằng, cô ấy tìm đến nhà tôi khi trời sập tối, chào bố mẹ tôi rồi khóc, bảo là xin được ở đây đợi tôi về và thay tôi chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ. Nói xong rồi cô ấy lẳng lặng đi nấu cơm tối, hoàn toàn không chút e ngại.
Tôi biết ơn vợ mình vô cùng, vì đến tận lúc đó mới biết mặt bố mẹ chồng, lại trong một hoàn cảnh bi đát như thế, nhưng cô ấy đã coi bố mẹ tôi như bố mẹ đẻ, thay tôi chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ.
Sau khi tòa xử án và về cải tạo tại trại giam Quyết Tiến, tôi mới được gặp vợ. Lúc đó, đứa con của hai vợ chồng tôi mới chưa đầy 1 tháng tuổi, vẫn còn đỏ hỏn trên tay mẹ. Vừa nhìn thấy cô ấy, tôi đã khóc.
Có nằm mơ tôi cũng không ngờ vợ mình đã vượt một quãng đường xa xôi như thế ra tận miền Bắc thăm tôi, càng không dám tin vợ tôi sẽ tha thứ cho những lỗi lầm mà tôi gây ra.
Gặp chồng ở trong trại giam, vợ tôi chẳng trách móc, giận hờn gì, chỉ khóc bảo sao anh lại giấu em chuyện tày trời như thế, đã là vợ chồng thì phải chia sẻ với nhau mọi cay đắng, mọi khó khăn, vấp váp. Đến lúc ra về, cô ấy cũng chỉ dặn tôi yên tâm cải tạo, để sớm trở về với mẹ con cô ấy.
8 năm tôi ở trong trại giam, một tay vợ tôi lo lắng cho bố mẹ chồng, thu vén gia đình và thăm nuôi tôi mỗi khi có điều kiện. Gia đình tôi làm nông nghiệp, thấy bố mẹ tôi tuổi cao, sức yếu, cô ấy cáng đáng hết việc nương rẫy, lợn gà, rảnh một chút thời gian, cô ấy lại lo chạy chợ kiếm chút tiền đi thăm nuôi chồng.
Một mình cáng đáng trên vai cả một gia đình với bố mẹ chồng già yếu, con nhỏ và một người chồng tù tội, nên vợ tôi trông ngày càng héo mòn, khắc khổ so với tuổi thật của mình.
Thương vợ, xót con, nên mỗi lần vợ lên thăm, tôi đều đề nghị vợ kí vào đơn li dị, bởi chỉ như thế cô ấy mới được giải thoát và có thể kiếm tìm một cuộc sống khác hạnh phúc hơn cho riêng mình.
Mỗi lần nghe tôi nói thế, vợ tôi đều gạt đi. Cô ấy nói lý do như sau: “Việc của anh là càng sớm trở về càng tốt, để con đỡ thiệt thòi vì không có bố, em cũng không đau khổ vì nhớ anh. Đừng nói là 5, 10 năm, dù anh có đi 20, 30 năm nữa, em cũng chờ anh về”.
Tôi thấm thía hơn ai hết sự hi sinh của vợ. Con tôi từ lúc ra đời đến lúc đi học lớp 3, là một tay vợ tôi nuôi dạy. Theo tôi lên tận Tuyên Quang, cuộc sống vừa xa lạ, vừa bỡ ngỡ, nhưng cô ấy chưa một lần mở miệng kêu than.
Chính bố mẹ tôi ở nhà cũng không trách cứ vợ tôi được điều gì. Lần nào vào thăm tôi, ông bà cũng bảo tôi rằng con may mắn có được hạnh phúc, vì thế phải biết trân trọng, giữ gìn”. Tình yêu và sự vị tha của vợ là động lực để tôi phấn đấu, cải tạo trong những năm tháng lao tù.
Nhờ mấy năm liên tục được xếp loại cải tạo khá, tốt, nên giờ đây mỗi lần vợ lên thăm nuôi, hai vợ chồng tôi đều được cán bộ trại thu xếp cho gặp nhau ở buồng hạnh phúc.
Xa nhau đằng đẵng nhiều năm trời, nên những giây phút sống cuộc sống vợ chồng trong buồng hạnh phúc tuy ngắn ngủi những với vợ chồng tôi là vô cùng thiêng liêng, quý giá.
Nó giúp cho tôi thêm vững vàng cải tạo, thêm niềm tin và hi vọng vào ngày trở về. Còn vợ tôi, sau mỗi lần gặp chồng, lại có thêm sức mạnh và nghị lực để đối mặt với những lo toan, bộn bề của cuộc sống cơm áo.
Con trai tôi năm nay đã bước sang tuổi thứ 9. 8 năm tôi đi tù, tôi được gặp con 8 lần, lần nào gặp tôi cũng khóc. Ngày xưa ngang tàng bao nhiêu, thì giờ trước mặt con, tôi yếu đuối, vụng về bấy nhiêu. Đến bóc cho con ăn múi cam, tôi cũng cảm thấy lóng ngóng, vụng về.
Có lần lên thăm bố, con trai tôi vừa khóc vừa kể: “Bố ơi, ở trường con bị bạn bắt nạt, chúng nó không cho con chơi cùng, vì bảo con là con thằng tù”. Những lúc đó, tôi thương con lắm. Vợ tôi cứ ao ước có thêm một đứa con, nhưng tôi không đồng ý.
Giờ có thêm con, bao nhiêu gánh nặng lại đổ hết lên đầu cô ấy. Tôi bảo vợ nếu trời thương, sau khi ra tù, nếu tuổi tác và sức khỏe cho phép, hai vợ chồng sẽ sinh thêm 1 đứa con khác. Tôi muốn con tôi sinh ra phải có được sự quân tâm, chăm sóc của cả bố lẫn mẹ. Tôi không muốn vì mình mà con phải chịu thiệt thòi.
Tôi luôn nói đùa với bạn tù, đời tôi có 2 trại giam. Một trại giam đã giam giữ tôi, đã cải tạo tôi, giáo dục tôi, giúp tôi tìm lại được sự lương thiện trong con người mình. Một “trại giam” khác là tình yêu của người vợ, đã cảm hóa tôi, dạy cho tôi biết thế nào là yêu thương và được yêu thương.
Nhờ trại giam đó, tôi tin khi ra tù, mình nhất định sẽ trở thành một người lương thiện.
- Nhã Linh (Ghi theo lời kể của phạm nhân Phạm Văn Quyết- trại giam Quyết Tiến)