Được đánh giá lớn nhất từ đầu năm, khoảng 20h ngày 19/5, sau 2 giờ mưa tầm tã, toàn thành phố có hơn 30 điểm ngập. Người đi đường ở Nguyễn Văn Quá (quận 12), Cây Trâm, Lê Văn Thọ, Phạm Văn Chiêu, Lê Đức Thọ, Phan Huy Ích (Gò Vấp), Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Linh (quận 7)... không thể di chuyển vì nước cao hơn nửa bánh xe.
Đường Phan Huy Ích (quận Tân Bình) ngập kéo dài 4 km, nhiều chỗ trũng sâu nước dâng cả bánh xe máy. Hàng loạt xe chết máy khiến mọi người phải hì hục dẫn bộ, phụ nhau đẩy xe giữa con đường mênh mông nước.
Các tuyến đường khác như Phạm Văn Đồng, Kha Vạn Cân, Võ Văn Ngân (Thủ Đức), Xô Viết Nghệ Tĩnh, Quốc lộ 13, Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh), Hồ Học Lãm, An Dương Vương (quận Bình Tân)… có nơi sâu gần một mét khiến hàng trăm xe chết máy, người điều khiển ngã dúi dụi mỗi khi ôtô chạy ngang.
Nước ngập nặng tràn lên cả lề đường khiến nhiều người không có chỗ đậu xe, đành dựng ngay giữa đường chờ nước rút. "Đằng nào xe cũng chết máy rồi, dắt đi đâu cũng ngập thì để đây tạm vậy", anh Nguyễn Công cho biết.
Nhiều nhà dân hai bên đường cũng trở thành ao. "Lại phải thức trắng đêm chờ nước rút rồi dọn nhà thôi. Hôm qua cũng vậy, cơn mưa lớn lúc giữa đêm khiến cả nhà tôi mất giấc ngủ", anh Trường ngán ngẩm nói.
Theo Trung tâm chống ngập thành phố, ngay từ đầu mùa mưa đơn vị đã lên kịch bản và kế hoạch ứng phó như: ký hợp đồng để nhân viên thoát nước đô thị trực tại các lưu vực cụ thể, chuẩn bị các máy bơm di động công suất lớn để giải cứu những điểm ngập nặng... Tuy nhiên, đây chỉ là cách ứng phó tạm thời, về lâu dài phải hoàn thành các dự án chống ngập đã được quy hoạch.
Ông Đỗ Tấn Long (trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước mưa - Trung tâm điều hành chống ngập nước TP HCM) cho biết, nguyên nhân đầu tiên khiến thành phố chưa thể giảm ngập là việc triển khai quy hoạch chống ngập quá chậm. Kế đó là do hệ thống cống thoát nước đầu tư chưa đạt yêu cầu. Công tác dự báo không lường được diễn biến biến đổi khí hậu. Đồng thời tiến độ xử lý các trường hợp lấn chiếm cống thoát nước, cửa xả, kênh rạch ở các quận huyện rất chậm, ảnh hưởng đến việc thoát nước của thành phố. Thêm nữa, tình trạng lún đất đang diễn ra tại nhiều quận huyện trong thành phố.
Các ngành chức năng của thành phố chỉ ra nguyên nhân chậm triển khai quy hoạch là các dự án chống ngập cần nguồn vốn rất lớn, trong khi nguồn lực thành phố không đủ đáp ứng. Riêng việc hoàn thành hai quy hoạch chống ngập đã được tính toán (752 và 1547) cần đến 97.000 tỷ đồng nhưng thành phố chưa biết phải huy động từ đâu, bằng cách nào.
Hiện nay, tình trạng dân số cơ học ngày càng lớn tác động đến hạ tầng đô thị, thu hẹp diện tích bề mặt khiến tình trạng ngập nước ngày càng lớn. Vì vậy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị trung tâm chống ngập cùng các sở ngành phải bám sát các giải pháp để đánh giá lại hiệu quả chống ngập trong nửa nhiệm kỳ qua.
"Việc chống ngập phải có một nhạc trưởng để điều hành, chứ không thể làm lẻ tẻ, mạnh ai nấy làm, nhất là trong việc nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch", ông Phong yêu cầu.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng giao Trung tâm chống ngập hệ thống lại mục tiêu cụ thể trong những năm tới về quy hoạch, thu hút nguồn lực, khoa học kỹ thuật, vận động nhân dân trong công tác chống ngập. Thành phố cần mở rộng không gian trữ nước, xây dựng các hồ điều tiết để giảm ngập ở các tuyến đường nội đô.