Mưa sao băng Geminids đạt tới cực điểm vào đêm nay (14/12)
Theo dự báo của Tổ chức sao băng quốc tế (IMO), cực điểm của trận mưa sao băng năm nay diễn ra vào khoảng 1h sáng ngày 15/12 (theo giờ Việt Nam), với tần suất cực điểm lên đến 100 - 120 vệt/giờ.
“Mưa sao băng Geminids là hiện tượng thường niên mà người dân ở hầu hết các khu vực trên thế giới có thể quan sát”, ABC dẫn lời tiến sĩ Ian Musgrave, nhà thiên văn nghiệp dư của Đại học Adelaide, Australia, nhận định.
Mưa sao băng Geminids và mưa sao băng Perseids hồi tháng 8 là những trận mưa sao băng sáng nhất trong năm nay.
Geminids được hình thành do hàng loạt mẩu đá nhỏ (thiên thạch) lao vào khí quyển trái đất. Các mẩu đá đều là phần tàn tích để lại trên đường đi của sao chổi 3.200 Phaethon khi nó đi vào Hệ mặt trời.
Tại Việt Nam, các bạn trẻ hoàn toàn có thể chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn kì thú này với điều kiện không bị mây mù, bụi bặm che khuất.
Anh Vũ Thế Hoàng – Phó chủ nhiệm Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội - cho biết: Tâm điểm của trận mưa sao băng là chòm Song Tử - Geminids. Chòm sao này mọc dần từ hướng đông vào khoảng 20h và lên cao dần khi đến gần sáng. Do vậy, thời điểm 2h sáng là có thể quan sát trận mưa sao băng rõ nhất.
Người dân khi quan sát mưa sao băng hãy nhìn về hướng Đông, đồng thời chọn những vị trí thoáng đãng không bị che khuất tầm nhìn; chọn nơi không có ánh đèn điện, tránh tòa nhà cao tầng.
Theo anh Hoàng: “Ở miền Bắc đêm nay do gió mùa về nên cũng khó quan sát, nhưng nếu đêm nay mà người dân vẫn nhìn thấy những ông sao trên trời thì vẫn có khả năng quan sát được trận mưa sao băng này. Thời điểm cực đại của trận mưa sao băng Geminids theo giờ quốc tế là 1h sáng, nhưng người dân vẫn có thể quan sát từ 0h đêm nay cho đến 4h sáng mai. Người dân có thể quan sát trận mưa sao băng này bằng mắt thường, không cần các công cụ hỗ trợ như ống nhòm, ông ngắm thiên văn…”.
Đón xem Geminids, vua của các trận mưa sao băng tại Việt Nam (Khám phá) - (Phunutoday) - Mưa sao băng Geminids được mệnh danh là vua của các trận mưa sao băng bởi quy mô và tần suất của nó. Hiện tượng này có thể được quan sát tại VN. |