Kỳ thực, con người chết đi không phải giống như đèn tắt, cũng không nhất định là được đầu thai làm người mà sẽ thuận theo nhân duyên nghiệp báo mà chuyển sinh.
Tại sao có người cả đời công danh và tiền bạc đều trọn vẹn, nhà cao cửa rộng, tiền bạc rủng rỉnh, ngàn người kính trọng? Ngược lại, có những người cả đời bần cùng khốn đốn, làm chuyện gì cũng trắc trở. Tất cả đều liên quan đến tiền kiếp của bạn.
Trong “Duyệt Thảo vi đường ký” có kể lại về chuyện của một bà lão có khả năng hơn người thoắt ẩn thoắt hiện. Một hôm, có mấy người thê thiếp của một gia đình quý tộc hỏi bà: “Những người phụ nữ như chúng tôi hà cớ gì phải làm thê thiếp cho nhà người ta?” Bà lão trả lời: “Cõi âm cũng tuân theo quy luật nhân duyên nghiệp báo. Kiếp trước các người tích được những việc thiện nhỏ nên kiếp này được vào nhà quyền quý. Nhưng các người cũng tạo ra nghiệp chướng cho nên chỉ được làm phận thê thiếp. Nếu kiếp này có thể tích được càng nhiều điều thiện để bù đắp lại những tội lỗi trong quá khứ thì kiếp sau sẽ được sung sướng, vẹn toàn. Ngược lại nếu kiếp này người tạo ra nhiều nghiệp duyên thì kiếp sau ắt sẽ gặp báo ứng. Nhưng tích đức hành thiện không phải chỉ dâng hương khấn Phật, các người phải biết hiếu kính mẹ cha, kính trọng chính thất phu nhân, giữ gia đình trên dưới thuận hoà. Đó mới chính là thiện nghiệp.”
Một người trong số đó lại hỏi: “Vậy đường con cái ắt cũng liên quan đến tiền kiếp. Bà hãy xem giúp chúng tôi. Nếu như sách cõi âm đã định kiếp này tôi không có con thì tôi cũng không dám mơ tưởng nữa.”
Bà lão trả lời: “Cái này thì không cần xem. Chỉ cần cô chăm làm các việc thiện cho trẻ nhỏ thì dù sách Diêm Vương có phán cô không có con rồi cũng sẽ được sửa lại. Còn nếu cô thường xuyên tạo nghiệp ác thì dù ban đầu có ban con cái cho cô rồi cũng sẽ sửa thành vô tử”.
Thực ra, bà lão là một cao nhân am hiểu sự đời, tinh thông Phật pháp. Phật không chỉ nhìn xem một người thành kính thờ Phật bao nhiêu mà còn phải xem thiện tâm của người đó thế nào. Một người luôn tụng kinh niệm Phật, cả đời không làm chuyện ác chưa chắc đã được Phật bảo hộ bằng người không dâng hương thờ Phật nhưng một lòng hướng thiện, thờ Phật trong tâm.
Ví dụ như có người ăn ở hiền lương phúc đức mà suốt đời cực khổ thiếu thốn. Cũng có kẻ ác độc, bất lương mà có nhà cao, cửa lớn, tiền bạc sung mãn. Đó là những trường hợp chứng minh cho lý Nhân quả trong ba đời: kiếp trước, kiếp hiện tại và kiếp sau, chúng liên quan, ràng buộc, chuyền níu nhau. Vì vậy, muốn biết kiếp trước thế nào, hãy nhìn cuộc đời bây giờ; muốn biết kiếp sau thế nào, hãy nhìn cuộc đời bây giờ, sẽ rõ.
Cho nên, hiện tại sướng hay khổ, là do đời trước làm ác hay thiện, đời sau khổ hay sướng tuỳ nơi hiện tại đã gieo thiện hay ác.
Đời này nhận quả của đời trước và gieo nhân cho đời sau. Đó là vòng luân chuyển của Tam Thế Nhân Quả vậy.
Con người trải qua hằng bao nhiêu kiếp, đầu thai luân hồi cũng là trả nợ hay hưởng duyên kiếp trước. Nếu kiếp trước từng nợ nần ai, kiếp sau chắc chắn sẽ phải hoàn trả. Bất kỳ sự can thiệp nào đều là trái tự nhiên, và khoản nợ đó sẽ muôn phần nặng hơn. Từ đó mà suy ra rằng, nếu gặp bất cứ ai xử tệ với ta, đừng vội giận dữ và tính chuyện trả đũa họ, bởi biết đâu chúng ta đang hoàn trả nợ kiếp trước, và nếu không chịu hoàn trả, có thể khoản nợ đó sẽ còn nặng nề gấp bội về sau này.