3 điều không thể so
Không so tiền tài
Trong thời đại nào thì tiền bạc cũng luôn là chủ đề vô cùng nhạy cảm, không nên nhắc đến quá thường xuyên nếu không muốn người khác nhìn mình với ánh mắt khó chịu.
Thực tế là không phải ai cũng dám nói ra rằng mình đang có bao nhiêu tiền, bao nhiêu tài sản. Chính vì chẳng ai thống kê chính xác và tiết lộ cho người khác nên bạn chẳng thể nào so sánh được là ai nhiều tiền hơn ai.
Hơn nữa, những câu nói liên quan tới việc so sánh tiền bạc luôn mang tới cảm giác khó chịu, do đó đừng bao giờ khiến cuộc đối thoại trở nên bế tắc dù là bạn muốn đem chuyện tiền ra nói cho vui đi chăng nữa.
Thực ra, tiền cũng quan trọng đấy vì chúng giúp ta trang trải cuộc sống, thế nhưng tâm lý luôn so sánh tiền nong ít nhiều, hơn thua sẽ khiến ta bị phụ thuộc quá vào nó, từ đó mà hành động thiếu sáng suốt, thiếu khôn ngoan.
Không so con cái
Hãy nghĩ tới cảm giác của một người mẹ khi con mình chưa nói được nhiều thì người kia "ném" vào mặt họ một câu: "Ôi sao chậm nói thế, con chị tầm này còn biết hát tiếng Anh rồi cơ". Việc mang con cái ra so sánh kể cả để khen hay chê là điều hoàn toàn không nên một chút nào vì mỗi đứa trẻ có mức độ phát triển hoàn toàn khác nhau.
Đối với bố mẹ, ngoài việc dạy dỗ con cái thì điều quan trọng nhất là dành tình yêu thương cho con đúng cách. Đừng vì con kém hơn đứa trẻ khác ở một khía cạnh nào đó liền chê bai, xua đuổi khiến đứa trẻ tủi thân.
Thực tế đã chứng minh rằng những đứa trẻ thiểu năng có thể là thiên tài chỉ nhờ vào tình yêu thương. Ai đâu ngờ rằng những người từng bị gắn mác là "thằng đần" khi còn nhỏ như Bill Gates, Thomas Edison, Albert Einstein... lại trở thành thiên tài khi lớn lên.
Hãy nhớ rằng mỗi đứa trẻ sinh ra đều mang một sứ mệnh riêng, việc của một bậc phụ huynh đó là hiểu và phát huy thế mạnh của con chứ không phải vì điểm yếu của chúng mà chê bai, chì chiết mỗi ngày.
Không so hôn nhân
Cổ nhân dùng kinh nghiệm tích lũy ngàn đời để đúc kết vào những lời khuyên quý giá. Riêng trong vấn đề hôn nhân, người xưa khuyên không nên so sánh chuyện người với chuyện của mình, đó là bí quyết quan trọng để gìn giữ một gia đình hạnh phúc.
Tâm lý so sánh luôn được xem là "báo động đỏ" khiến ta chẳng bao giờ cảm nhận được sự bình yên đích thực cả. “Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”, còn so sánh chồng/vợ người với chồng/vợ mình thì tâm càng mệt mỏi, chán nản, mất hết cả sự đáng yêu vốn có thì còn ai dám yêu ta nữa.
Những chuyện như: hai vợ chồng chi tiền tỷ mừng Tết nội ngoại, đẻ một con được tặng một lô đất, ông chồng chuyển 600 triệu mừng vợ vượt cạn, tặng siêu xe trong ngày sinh nhật vợ... chỉ xuất hiện số ít nhưng vô tình trở thành chủ đề để chúng ta so sánh với hôn nhân của chính mình.
Trong khi đó, sự thật là gia đình nào cũng có vấn đề riêng và không phải ai cũng tiện nói ra cho mọi người biết mà thôi. Cuối cùng chúng ta mang cái tệ nhất của mình đem ra so cái tuyệt vời nhất của người ta thì thất vọng là điều không thể tránh khỏi. Một hệ lụy khác khi bạn cứ so sánh chồng/vợ mình đó là trong bạn sẽ xuất hiện suy nghĩ mình xứng với người tốt hơn, đẹp trai, xinh gái, nhiều tiền hơn... Bạn quên mất mình là ai, cuối cùng, thay vì dành thời gian chia sẻ, tâm sự với bạn đời thì bạn tỏ ra hằn học, gắt gỏng, thể hiện sự thiếu tôn trọng lẫn nhau.
Mạng xã hội ngày nay hay thổi phồng khiến nhiều cuộc hôn nhân trở nên hoàn hảo bất ngờ. Chính điều đó lại vô tình khiến ta nảy sinh tâm lý so sánh gia đình mình với gia đình người khác. Đặc biệt là cánh chị em phụ nữ hay cảm thấy chạnh lòng vì "chồng người ta không bao giờ làm mình thất vọng".
3 điều không thể nói
Đôi khi im lặng là vàng vì có những điều nói ra chỉ khiến tình cảm sứt mẻ, nín nhịn một chút cho qua thì lại "thiên hạ thái bình", vậy nên người xưa mới khuyên chúng ta cần uốn lưỡi 7 lần trước khi nói.
Không nói lời oán hận
Điều đầu tiên không nên nói đó là những lời oán hận, chúng thường xuất phát từ lòng hận thù, không hài lòng về một người hay một sự việc nào đó.
Khoa học đã chứng minh rằng, mỗi khi sân hận nổi lên khiến cơ quan nội tạng của bạn cũng bị tổn thương ở một mức độ nào đấy. Thế nên, mỗi khi tức giận tương đương với việc chúng ta tự uống thuốc độc và dần tự hủy hoại bản thân.
Vậy nên, khôn ngoan nhất vẫn là tự mình tìm cách hóa giải lòng hận thụ để chúng sớm tiêu tan.
Mỗi khi gặp điều trái ý, hãy tập nghĩ rằng cuộc sống này quá ngắn ngủi, ta gặp họ cũng chỉ một lúc mà thôi, tại sao không đối xử với nhau thật dễ thương, lưu lại những điều tốt đẹp về nhau.
Không nói xấu
Nói xấu thường xuất phát từ tâm lý ghen tị với thứ người ta có mà mình không có. Nói xấu ai đó chỉ cho thấy lòng dạ mình hẹp hòi, nhỏ nhen chứ không thể làm bản thân mình khá lên. Thậm chí chỉ "sướng" cái mồm nhưng hại cái thân không chừng.
Trong cuộc sống này, ai cũng có những vấn đề riêng, nếu bạn chưa thực sự hiểu thì tốt nhất chớ nên đánh giá. Tương tự, khi ai nói xấu mình thì cũng đừng bận tâm. Nói lời xấu xa sau lưng người khác thì càng nói, bạn càng khiến mọi người xa lánh mình. Nói lời ác nghiệt không chỉ khiến người khác tổn thương mà còn làm tiêu tan hết phước lộc của bản thân.
Không buôn chuyện
Người buôn chuyện thì thường ngồi lê đôi mách, lấy chuyện người này kể cho người khác. Thói quen xấu này rất khó bỏ vì nó như chất gây "nghiện" khiến ta không nói ra thì không chịu được.
Câu trên miệng quen thuộc lúc này đó là: "Tôi nói bà bí mật này nhưng bà đừng kể với ai", thế nhưng cuối cùng thì ai cũng biết và người ta dần có ác cảm, xa lánh bạn - người thêu dệt câu chuyện ấy.
Tưởng rằng "lời nói gió bay" nhưng một lời vô tình, không cố ý cũng có tính sát thương rất cao, nhất là những lời đó nhắm về một cá nhân mong manh, yếu đuối. Không ít người đã tự tử chỉ vì một câu nhận xét vô tâm của người khác. Thế nên, cần lưu ý thận trọng với lời mình nói ra.
Muốn được người khác yêu thương, tôn trọng thì bạn cũng nên tôn trọng đời tư của họ. Nếu biết câu chuyện của người khác hãy cố gắng giấu kín, dành thời gian để từ chuyện đó mà rút kinh nghiệm cho bản thân.
Thay vì lãng phí thời gian để đi buôn chuyện thì nên tập trung học hỏi những kỹ năng mới, tự tôi luyện bản thân mỗi ngày.
Ba việc không thể quên
Không quên tâm nguyện ban đầu
Thế giới phức tạp này đã khiến nhiều người đánh mất chính mình.
Đời người chỉ có một lần sống, sinh mạng không thể phục hồi. Khi chúng ta lớn rồi, chúng ta sẽ cảm thấy chính mình khác xa còn nhỏ rất nhiều, muốn nhiều thứ hơn và khó lòng vui vẻ hơn. Ăn món quà vặt lúc nhỏ cũng không còn thấy ngon, mua món đồ chơi ngày trước thích nhưng chẳng còn thấy vui nữa.
Phải thay đổi thì mới trưởng thành, nhưng trên con đường tiến về tương lai ấy, thỉnh thoảng bạn nên quay đầu nhìn lại, xem lý do ngày xưa khi mình mới bắt đầu chạy trên con đường ấy là gì.
Đừng quên tâm nguyện ban đầu, đừng đánh mất chính mình, mới có thể tìm ra phương hướng chân thực nhất cho cuộc đời.
Không quên gia đình
Cha mẹ vẫn ở đó, là vẫn còn nơi để về.
Cha mẹ già rồi, có thể nhiều khi lãng tai nghe không rõ điều chúng ta nói, phải hỏi lại mấy lần, có thể mắt mờ không nhìn rõ chữ, phải nhờ chúng ta đọc hộ, trí nhớ không tốt, nên thường hỏi đi hỏi lại mấy lần.
Nhưng dù sao đó vẫn là cha mẹ của chúng ta, chúng ta phải biết bao dung họ như chính họ từng bao dung với chúng ta khi chúng ta còn nhỏ.
Dù là xưa hay nay, thời nào người ta cũng khuyên răn mỗi người phải luôn hiếu thảo. Nhưng khi cha mẹ già, cái họ cần không phải tiền tài, vật chất bạn đem về, chỉ cần bạn dành thời gian bầu bạn bên họ, vậy là hiếu thảo lớn nhất rồi.
Không quên người giúp đỡ mình
Cây có cao cũng không được quên gốc rễ. Dù có phong quang rồi, cũng không được quên ơn nghĩa.
Những người từng giúp bạn hoặc đang giúp bạn, dù chỉ là việc nhỏ đi nữa, cũng phải luôn nhớ lấy. Họ giúp bạn vì tình cảm, chứ họ không hề có trách nhiệm phải giúp đỡ bạn.
Thế nên, ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây.