Quy định chung về độ tuổi đóng bảo hiểm xã hội
Bảo hiểm xã hội bắt buộc được áp dụng đối với người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 tháng trở lên, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, công nhân công an, bộ đội, công an,…
Do vậy, người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên muốn tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì phải ký hợp đồng lao động có thời hạn 01 tháng trở lên với người sử dụng lao động.
Trong khi đó, bảo hiểm xã hội tự nguyện dành cho những ai là công dân Việt Nam không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà có nhu cầu tham gia loại bảo hiểm này.
Vì vậy, nếu không đi làm công ty, cá nhân là người Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên có thể đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại địa phương.
Bao nhiêu tuổi thì hết tuổi đóng bảo hiểm xã hội?
Hiện nay, Luật Bảo hiểm xã hội không giới hạn độ tuổi tối đa đóng bảo hiểm xã hội. Do đó, nếu chưa từng tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động có thể bắt đầu đóng ở bất kì độ tuổi nào miễn là từ 15 tuổi trở lên.
Nếu thuộc nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội cho đơn vị sử dụng lao động. Trường hợp không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động có thể đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Còn nếu đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà muốn tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội thì người lao động cần chú ý về thời gian tham gia và độ tuổi đóng bảo hiểm:
- Khi đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc: Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu được tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến khi đủ thời gian đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu.
Theo Điều 59 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, thời điểm hưởng lương hưu của người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là thời điểm ghi trong quyết định nghỉ việc do đơn vị sử dụng lao động lập khi người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Thời điểm này được hiểu là khi người lao động đủ tuổi nghỉ hưu và có thời gian đóng bảo hiểm bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên (trừ trường hợp lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách cấp xã chỉ cần có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm).
- Khi đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện: Người lao động đủ được đóng đến khi nào muốn dừng thì thôi.
Điểm c khoản 1 Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH, trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng lương hưu mà vẫn tiếp tục tham gia bảo hiểm tự nguyện thì thời điểm hưởng lương hưu là ngày 01 tháng liền kề sau tháng dừng đóng bảo hiểm tự nguyện và có yêu cầu hưởng lương hưu.
Do đó, người lao động được đóng bảo hiểm tự nguyện cho đến khi có nhu cầu hưởng lương hưu mà không bị giới hạn thời gian đóng và độ tuổi đóng.
Đóng bảo hiểm xã hội bao nhiêu năm thì được hưởng lương hưu?
Căn cứ Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019, trong hầu hết trường hợp, người lao động đóng bảo hiểm xã hội ít nhất 20 năm thì được hưởng lương hưu khi đủ tuổi.
Riêng người lao động nữ làm cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách cấp xã thì chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm là có thể hưởng lương hưu khi đủ tuổi.
Theo Điều 169 Bộ Luật Lao động năm 2019, tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường là từ đủ 60 tuổi 09 tháng đối với nam nghỉ hưu vào năm 2023 và từ đủ 56 tuổi đối với nữ nghỉ hưu vào năm 2023. Người nghỉ hưu những năm sau, tuổi nghỉ hưu tăng 03 tháng đến khi đủ 62 tuổi đối với nam và tăng 04 tháng cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nữ.
Trường hợp người lao động làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc bị suy giảm khả năng lao động,… thì có thể nghỉ hưu sớm hơn từ 05 đến 10 tuổi so với tuổi quy định.