Càn Long là vị vua nổi tiếng phong lưu đa tình, hậu cung có hàng ngàn cung tần mỹ nữ. Tuy nhiên, có một người cả đời vẫn luôn được Càn Long rất mực yêu thương sủng ái, chính là Lệnh Phi.
Lệnh phi hay còn được gọi là Ngụy Giai thị, xuất thân Chính Hoàng kỳ Bao y, là tầng lớp phục vụ hoàng thất Mãn Châu.
Khi đến tuổi trưởng thành, nhờ thuộc Nội vụ phủ, Ngụy thị theo lẽ thường mà được chọn vào cung trong đợt Nội vụ phủ tuyển tú hằng năm. Do nhan sắc kiều diễm, cùng với tài cầm kỳ thi họa hơn người nên bà trở thành phi tần thăng tiến nhanh nhất trong hậu cung của Càn Long.
Theo những ngự chế thơ của Càn Long Đế đề cập, Ngụy thị chịu sự giáo dục của Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu, mà việc bà trở thành tần phi cũng là do Hoàng hậu tiến cử lên.
Không rõ thời gian bà trở thành tần phi chính thức của Càn Long Đế, chỉ biết tư liệu về bà ghi sớm nhất vào thời Càn Long đã là Quý nhân. Năm Càn Long thứ 10 (1745), ngày 23 tháng 1 (âm lịch), Càn Long Đế ra chỉ dụ tấn phong Quý nhân Ngụy thị được phong Tần.
Từ tước Tần, các hậu phi sẽ có phong hiệu, và phong hiệu của Ngụy thị được chọn là Lệnh. "Lệnh" theo Mãn ngữ có nghĩa là "Thông tuệ", "Sáng suốt".
Năm Càn Long thứ 21 (1756), Càn Long Đế quyết định đại phong hậu cung, gia thưởng thêm Lệnh tần lên phi. Năm thứ Càn Long 24 (1759), Càn Long ra chỉ dụ Lệnh phi Ngụy thị được thăng làm Lệnh Quý phi. Năm Càn Long thứ 30 (1765), Càn Long Đế vấn an Sùng Khánh Hoàng thái hậu, rồi phụng ý chỉ của Hoàng thái hậu, chỉ dụ tấn phong Lệnh Quý phi làm Hoàng quý phi.
Kế hậu thất sủng, Lệnh Phi ở vị thế Hoàng Quý phi - là phi tần có tước vị cao nhất, đứng đầu hậu cung hơn 10 năm trời. Bà đồng thời trở thành Hoàng Quý phi tại vị cuối cùng dưới thời Càn Long. Mặc dù khi còn sống, danh phận cao nhất của bà chỉ là Hoàng Quý phi, nhưng vì là mẹ ruột của Tân Hoàng đế, tức Gia Khánh Đế nên khi qua đời đã được truy phong là Hoàng hậu.
Ban đầu, trong suốt 10 năm kể từ ngày nhập cung, bà lại không thể sinh con. Theo quan niệm thời Trung Hoa phong kiến, khi phụ nữ không thể sinh được con, sẽ bị gia đình, đặc biệt chồng ruồng bỏ, nhưng địa vị của bà không hề bị đe dọa. Khi Lệnh phi bước sang tuổi 29, bà lần lượt hạ sinh 4 hoàng tử và hai công chúa. Nhờ sinh nhiều con cho Càn Long, Lệnh phi càng nhận được nhiều ân sủng của vua. Nhiều người cho rằng, sở dĩ Thập ngũ Hoàng tử Vĩnh Diễm, con trai của bà được vua Càn Long chọn làm Hoàng đế kế nhiệm cũng một phần vì tình cảm của ngài dành cho bà.
Năm Càn Long thứ 40, Hoàng Quý phi Ngụy thị qua đời, hưởng thọ 47 tuổi. Càn Long vì thương tiếc nên đã ngừng thiết triều 5 ngày để tang và ban cho bà thụy hiệu Lệnh ý Hoàng quý phi. Ngoài ra, ngài còn viết một bài thơ mang tên "Lệnh ý Hoàng quý phi vãn thi" để tưởng nhớ bà.
Không chỉ vậy, bà là người thứ 5 và cũng là người cuối cùng được hợp táng với Càn Long tại địa cung. Quan tài của bà được đặt ngay bên phải đế quan của Càn Long. Điều này cũng cho thấy vị hoàng đế này yêu sâu đậm Lệnh Phi dù không thể ban cho bà địa vị cao nhất hậu cung.