Đây là vị vua có thời gian trị vì lâu nhất nhà Hậu Lê
Lê Thánh Tông có tên húy là Lê Tư Thành, sinh ngày 20/7/1442, là con của vua Lê Thái Tông và bà Ngô Thị Ngọc Dao. Sách Đại Việt sử ký toàn thư miêu tả ông khi mới sinh ra "thiên tư tuyệt đẹp, thần sắc khác thường, vẻ người tuấn tú, nhân hậu, rạng rỡ, nghiêm trang, thực là bậc thông minh xứng đáng làm vua, bậc trí dũng đủ để giữ nước".
Năm 1445, Lê Tư Thành được phong làm Bình Nguyên vương, ở kinh sư học cùng các vương khác. Các quan đều thấy Bình Nguyên vương dáng điệu đường hoàng, thông minh hơn hẳn người khác nên cho là bậc khác thường. Bình Nguyên vương lại sống kín đáo, không lộ vẻ anh minh ra ngoài, chỉ vui với sách vở cổ kim, nghĩa lý thánh hiền, ưa điều thiện, thích người hiền. "Bình Nguyên vương được thái hậu Nguyễn Thị Anh yêu mến như con đẻ và được Lê Nhân Tông coi như người em hiếm có", Đại Việt sử ký toàn thư chép.
Sau khi sát hại vua Lê Nhân Tông và thái hậu Nguyễn Thị Anh ngày 3/10/1459, Lê Nghi Dân tự lên ngôi nhưng nhanh chóng bị các đại thần giết vào ngày 6/6/1460, chỉ sau 8 tháng trị vì. Sử sách thường không coi Lê Nghi Dân là vị quân chủ chính thống của nhà Hậu Lê.
Đến ngày 8/6/1460, Lê Tư Thành được các đại thần tôn lên làm vua, lấy hiệu là Lê Thánh Tông, khi ấy 18 tuổi. Ông là vua thứ năm của nhà Hậu Lê (còn gọi là nhà Lê sơ), nếu tính cả Lê Nghi Dân. Lê Thánh Tông ở ngôi đến năm 1497, tổng cộng hơn 37 năm, là vua trị vì lâu nhất nhà Hậu Lê.
Vua Lê Thánh Tông và chuyện trọng dụng hiền tài
Ông là bậc vĩ nhân của đất nước; là vị vua anh minh, văn võ tài lược, nhà cách tân vĩ đại, là đại diện của sự ấm no và an lành, của thái bình và thịnh trị; “Vua tự trời cao siêu, anh minh quyết đoán, có hùng tài đại lược, võ giỏi, mà thánh học rất chăm, tay không lúc nào rời quyển sách. Các sách kinh sử, các sách lịch toán, các việc thánh thần cái gì cũng tinh thông...” (Đại Việt Sử ký toàn thư, NXB Hồng Đức, 2020, Quyển XIII, Kỷ nhà Lê, tr.924). Ông cũng chính là người đã khai sáng danh xưng Quảng Nam (1471 – 2021).
Chuyện xưa kể rằng, lúc Thái hậu còn làm Tiệp dư (hàng đầu của 6 bậc nữ quan, dưới Tam Phi, Cửu Tần), đi cầu tự, chiêm bao thấy trời cho tiên đồng, rồi có thai. Khi sắp ở cữ, vì mệt mỏi thiếp đi, mơ thấy được đến chỗ Thượng đế, Thượng đế sai một tiên đồng xuống làm con Thái hậu, tiên đồng dùng dằng chưa chịu đi, Thượng đế giận, lấy cái hốt ngọc đánh vào trán làm chảy máu, ở trán hình như có vết như thấy khi chiêm bao, mãi đến khi chết vết ấy vẫn còn. Bà tỉnh dậy thì sinh hoàng tử Tư Thành đúng vào ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442), tại chùa Huy Văn (nay là ngõ Văn Hương, phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội).
Thuở nhỏ, Tư Thành sống bên ngoài cung. Đến 4 tuổi mới được đưa vào cung cùng học với các thân vương. Theo các nhà viết sử, vua sinh ra có thần sắc khác thường, vẻ người tuấn tú, nhân hậu, rạng rỡ, nghiêm trang, thực là bậc thông minh xứng đáng làm vua, bậc trí dũng đủ để giữ nước. Ông không chỉ học hành sáng dạ, mà còn rất chịu khó, sớm tối không rời việc đọc sách.
Lúc bấy giờ, quan ở Kinh diên là Trần Phong, một trong những thân vương dạy Tư Thành muốn thử tài ông, đưa đề bài vịnh con cóc. Trong vài giây ngắn ngủi, ông liền ứng đáp: “Bác mẹ sinh ra vốn áo sồi/ Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi/ Chép miệng dăm ba con kiến gió/ Nghiến răng chuyển động bốn phương trời...”. Vị thân vương quá tâm phục, bèn quỳ xuống tâu: Bẩm điện hạ, với khẩu khí này, điện hạ đúng là chân mệnh đế vương!
Ngày 3 tháng 10 âm lịch năm 1459, niên hiệu Diên Ninh thứ 6, Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân đang đêm thì bắc thang lên tường thành, rồi chia làm ba đường lẻn vào cung cấm làm binh biến. Vua Lê Nhân Tông và Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh bị giết, Lê Nghi Dân lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Thiên Hưng. Nghi Dân phong Bình Nguyên vương Tư Thành làm Gia vương, và sai dựng phủ Gia Hưng bên trái nội cung để Tư Thành ở.
Lê Nghi Dân lên ngôi, tin dùng các nịnh thần, sát hại bề tôi cũ và thay đổi pháp chế nên không được lòng dân và các đại thần, văn võ. Mãi gần tám tháng sau, vào ngày mồng 6 tháng 6 năm Canh Thìn (1460) nhân buổi thiết triều, các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Lăng, Lê Niệm... phối hợp với các tướng lĩnh nhất loạt đóng cửa cung vây bắt Nghi Dân và đồng bọn. Loạn Nghi Dân đến đó là dứt.
Binh biến thành công, nhóm đại thần bàn với nhau rằng: “Ngôi trời là khó khăn, của báu rất quan trọng, nếu không phải là người đức lớn không thể đương nổi. Nay Gia Vương tư trời thông tuệ, tài lược trầm hùng, hơn cả mọi người, các vương không ai bằng, lòng người đều thuận thuộc, đủ biết ý trời đã giúp”. Ngay ngày hôm ấy, đem kiệu đến đón vua ở Gia vương để về lên ngôi. Năm đó Lê Tư Thành mới 18 tuổi.
Thừa kế ngai vàng lúc vương quốc đang lâm vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc, vậy mà 38 năm trị quốc, thù trong, giặc ngoài được dẹp yên; nhà vua từng bước đưa triều Lê sơ phát triển tới đỉnh cao về nhiều mặt; tiến hành nhiều cải cách về chính trị, quân sự, kinh tế, giáo dục, văn hóa; bảo vệ biên cương, mở mang bờ cõi. Ông là chủ soái Hội Tao đàn; là người chỉ đạo các Sử thần làm bộ Đại Việt Sử ký và ban hành Luật Hồng Đức - một di sản văn hóa pháp lý đặc sắc của Việt Nam.
Dưới triều Vua Lê Thánh Tông việc tuyển chọn người có đức, có tài được xem là điều hệ trọng nhất trong mọi điều hệ trọng với nhiều hình thức tiến bộ, tổ chức rất nghiêm ngặt.
Nhà vua đã áp dụng hàng loạt các biện pháp cơ bản, mang tính hệ thống như khuyến khích việc học; tổ chức thi tuyển để lựa chọn người tài; đặt lệ bảo cử để không bỏ sót nhân tài; đặt lệ tập ấm để khuyến khích con cháu công thần lập thân; thực hiện chế độ tản quan để tỏ lòng tri ân với những người có công; đặt lệ khảo thi để khuyến khích nhân tài phấn đấu vươn lên; đặt lệ khảo khóa để đánh giá, phát huy thực tài của quan lại (Lê Đức Tiết: Bộ luật Hồng Đức, Di sản văn hóa pháp lý đặc sắc của Việt Nam, NXB Tư pháp, 2010, tr.143-144).
Học giả Trần Trọng Kim đã từng đánh giá: “Thánh Tông là một ông vua thông minh, thờ mẹ rất có hiếu, ở với bề tôi đãi lấy lòng thành. Ngài trị vì được 38 năm, sửa sang được nhiều việc chính trị, mở mang sự học hành, chỉnh đốn các việc vũ bị... mở thêm bờ cõi, khiến cho nước Nam bấy giờ được văn minh thêm ra và lại lừng lẫy một phương, kể từ xưa đến nay chưa bao giờ cường thịnh như vậy”.
Công trình nào trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám do vua Lê Thánh Tông khởi xướng?
Lê Thánh Tông đặc biệt coi trọng việc phát triển giáo dục, bắt đầu từ hệ thống trường học. Theo Lịch sử Việt Nam, vua Lê Thánh Tông cho mở rộng Quốc Tử Giám với quy mô lớn hơn, xây dựng lại Văn Miếu. Phía sau Văn Miếu là nhà Thái học, Minh luận đường và các giảng đường là nơi giảng dạy cho giám sinh. Ông còn cho xây dựng Bí thư khố làm kho tàng trữ sách vở và khu nhà tập thể cho giám sinh lưu trú. Ngoài ra, ở các phủ còn có nhà học riêng để con em nhân dân đều được đến học.
Chế độ khoa cử ở Việt Nam đạt tới đỉnh cao thịnh vượng ở triều Lê Thánh Tông. Vua cho tổ chức nhiều khoa thi, lấy đỗ nhiều tiến sĩ, trạng nguyên. Để tôn vinh những người tài và đức của Đại Việt ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, năm 1484, Lê Thánh Tông khởi xướng, cho dựng bia tiến sĩ từ khoa thi 1442 trở đi. Mỗi khoa, một tấm bia đặt trên lưng rùa. Các thế hệ và triều đình về sau tiếp tục bổ sung các bia vinh danh mới.
Bài ký đề danh Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442) do Thân Nhân Trung soạn năm 1484 có đoạn: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Bởi vậy, các bậc thánh đế, minh vương không ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sĩ quan hệ với quốc gia trọng đại như thế, cho nên quý chuộng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng".
Vua Lê Thánh Tông qua đời vào năm 1497 vì lý do gì?
Nhà Hậu Lê có nhiều vua bị sát hại, nhưng Lê Thánh Tông không nằm trong số đó. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ngày 29/1/1497, "vua ốm nặng, bèn tựa kỷ ngọc, lệnh cho hoàng thái tử lên nối ngôi".
Lúc sắp qua đời, vua có bài thơ tự thuật tạm dịch là: Năm chục hoa niên bảy thước thân/ Lòng như sắt cứng bỗng mềm dần/ Gió lay khô héo hoa bên cửa/ Sương dãi gầy mòn liễu trước sân/ Trời biếc xa trông, mây thăm thẳm/ Kê vàng tỉnh giấc đối bâng khuâng/ Khuất lời cách mặt, non bồng vắng/ Băng ngọc du hồn nhập mộng chăng?Ngày 30/1/1497, vua qua đời ở điện Bảo Quang, ở ngôi hơn 37 năm, hưởng thọ 56 tuổi và được an táng ở Chiêu Lăng (Thanh Hóa).
Đại Việt sử ký toàn thư nhận xét: "Vua sáng lập chế độ, văn vật khả quan, mở mang đất đai, cõi bờ khá rộng, thực là bậc vua anh hùng tài lược, dẫu Vũ Đế nhà Hán, Thái Tông nhà Đường cũng không thể hơn được".