Thời gian gần đây, trên báo chí và các diễn đàn, chúng ta rất dễ dàng bắt gặp những bài viết chia sẻ về nỗi bức xúc, xấu hổ trước việc người Việt gặp phải cái nhìn thiếu thiện chí, thậm chí là cả sự kỳ thị khi ở nước ngoài.
Một tấm biến cảnh báo được viết bằng tiếng Việt ở Nhật |
Vụ việc tiếp viên Vietnam Airline bị bắt vì tiêu thụ hàng hóa ăn cắp, những tấm biển cấm trộm đồ, không được trốn vé đi tàu ở Nhật Bản, cấm vứt rác bừa bãi tại Hàn Quốc viết bằng tiếng Việt...được chia sẻ và bình luận rất nhiều trên các trang mạng xã hội đi kèm với những biết bao cảm xúc.
Nhưng rồi mọi người cũng nhanh chóng quên đi bởi suy nghĩ đơn giản dân tộc nào chẳng có người này người nọ. Mình không làm sai thì thôi. Hay khuyên nhủ những người xung quanh giữ gìn hình ảnh của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế thì mọi chuyện sẽ qua thôi.
Thế nhưng thời gian gần đây, liên tục xảy ra những vụ việc chính người Việt lại không ngại ngần hạ nhục nhau khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, phẫn nộ. Câu hỏi được đặt ra là tại sao những con người được gọi bằng hai tiếng đồng bào thân thương lại có những hành động man rợ và độc ác đến vậy?
Mới đây, hình ảnh một cô bé chỉ cỡ học sinh cấp 2, còn mặc đồng phục học sinh bị trói tay vào lan can và treo biển "Tôi là người ăn trộm" trên cổ đã thực sự gây nên cơn bão phẫn nộ trong dư luận.
Chuyện xảy ra ở siêu thị sách Vĩ Yên (huyện Chư Sê, Gia Lai), một cô bé đang học trường THCS đi với bạn vào đó, thấy 2 quyển truyện yêu thích về Trạng Quỳnh, có giá 10.000 đồng/cuốn nên đã giấu vào áo khoác. Khi 2 cô bé vừa bước qua cửa kiểm soát thì chuông báo động kêu. Lập tức nhân viên siêu thị giữ các nữ sinh lại, lục soát. Phát hiện 2 quyển truyện trong người, các nữ nhân viên bắt em viết bảng tường trình nêu rõ tên tuổi, trường học, tên cha mẹ.
Khi cô bé không nói, một nữ nhân viên dọa sẽ báo công an, hai người khác lấy băng keo dán chặt tay nữ sinh vào lan can cửa chính của siêu thị và tiếp tục hạch hỏi. Tiếp đó, một phụ nữ lấy tờ giấy in chữ "Tôi là người ăn trộm" cho đồng nghiệp dán lên ngực em. Một nam nhân viên đã chụp lại hình ảnh đó, rồi up lên facebook của mình.
Hình ảnh nữ sinh bị trói tay vào lan can, và treo biển "tôi là người ăn trộm" trên cổ |
Vấn đề ở đây là con người ai chẳng có lúc mắc sai lầm. Một đứa trẻ vị thành niên vì quá thích sách mà nhón tay giấu đi 2 quyển trị giá 20.000 đồng liệu có đáng bị đối xử, bị hạ nhục như cách mà nhà sách đó đã làm hay không?
Tất nhiên ăn trộm không phải là chuyện hay ho gì. Tuy nhiên, giá như bản thân người lớn có những hành vi đúng mực, bắt gặp em học sinh trên có hành vi xấu thì phải báo về nhà trường, gia đình để có hình thức răn đe giáo dục thích hợp thì mọi chuyện đã khác. Đằng này người ta hành xử lạnh lùng và nhẫn tâm với em quá.
Được biết, sau khi xảy ra sự việc, tâm lý của S. trở nên hoảng loạn, cô bé hay khóc và tỏ ra sợ hãi không dám tiếp xúc với ai, không dám đi ra khỏi lớp giờ ra chơi.
Còn gì đáng buồn hơn khi chỉ vì một hành động mà những người thiếu hiểu biết ở siêu thị cho rằng "chỉ làm cho vui" đã nhuộm đen tâm hồn ngây thơ của em, khiến em có thể lớn lên với sự nhục nhã và lòng thù hận.
Cách đó không lâu, trên mạng đã xuất hiện hình ảnh cô gái mặt bị đánh chảy máu, hai tay bị giật ngược, trói vào gốc cây ngay trước cổng một ngôi trường đại học. Nguyên nhân, được cho là cô gái này đã ăn trộm xe không thành nên bị nhiều người đánh và trói tại gốc cây, ngay đường chính để “làm gương”.
Một hành động nhục mạ khác thậm chí đã trở nên quen thuộc trong xã hội đó là đánh chết những người trộm chó. Khi bị đánh tới chết, thân nhân phải trả tiền mới được mang xác “kẻ trộm” về, nếu không thì vẫn bị dân chúng để nằm đó như một hình thức răn đe kẻ khác.
Và còn rất, rất nhiều những chuyện về cách hành xử nhẫn tâm, thậm chí man rợ của người Việt với nhau.
Có thể những người thích hạ nhục người khác ấy sẽ bị trừng phạt bởi đã phạm vào tội làm nhục người khác theo quy định trong điều 121 Luật hình sự.
Thế nhưng đáng buồn hơn rất nhiều là họ đã khiến hai tiếng đồng bào thiêng liêng, khiến cho truyền thống đùm bọc lẫn nhau của dân tộc ta bị hoen ố một cách đáng báo động.