Một loạt các vụ án ghê rợn vừa qua đang làm xáo động xã hội. Các vụ án ấy chủ yếu là thảm sát, một người giết nhiều người. Có rất nhiều câu hỏi đặt ra từ các vụ án rất thương tâm và đau xót này.
Trong đó có 2 câu theo tôi là đáng để chúng ta suy nghĩ.
Một là tại sao càng ngày người trẻ càng ác thế. Họ giết người không ghê tay, bằng những hành vi tàn độc nhất, giết nhiều người, trong khi họ không phải là những kẻ sát thủ chuyên nghiệp. Có nhiều trường hợp, họ xuống tay trong những phút cuối cùng của chuỗi hành động, còn trước đó họ chỉ đi ăn trộm, nhưng khi bị phát hiện thì giết luôn, giết nhiều người, như vụ ở Gia Lai, Quảng Trị. Còn ngay khi cả có ý định giết người từ đầu thì bản thân họ cũng không phải là dân đao búa chuyên nghiệp, thậm chí đang ăn cơm, đi qua hái chanh, “tiện thể” thì giết 4 người, xong lại về ăn tiếp, sau đấy còn ngồi nhậu với cán bộ điều tra, thản nhiên như vô can như vụ Nghệ An...
Ngoài những yếu tố khác khiến họ trở thành kẻ giết người thì có một lý do là họ đang rất thiếu kỹ năng sống, thứ để họ dừng lại giữa khoảnh khắc mong manh là người hay thú. Không có một kỹ năng để tự tiết chế, xử lý tình huống, họ chọn con đường cuối cùng...
Cháu Huỳnh Kim Ngọc Thảo 4 tuổi đã tự mình thoát khỏi nơi bị 2 hai tên cướp khống chế. |
Hai là ngay các nạn nhân, họ vô cùng thiếu kỹ năng sống. Hai trường hợp ở Gia Lai và Quảng Trị, kẻ thủ ác chỉ một người và ý định ban đầu chỉ là ăn trộm. Nhưng vì bị lộ và chủ nhà cương quyết chống cự, giành lại đồ bị cướp nên mỗi vụ 2 người bị giết. Người ta bảo của đi thay người. Đằng này cả 2 vụ Gia Lai và Quảng Trị đều 2 người bị giết và 1 người bị thương. Cũng tại chúng ta hay ca ngợi các gương dũng cảm chống cướp. Lẽ ra phải được dạy, trong bất cứ trường hợp nào, trước hết phải bảo toàn mạng sống đã, hãy làm theo ý muốn của cướp, công an sẽ điều tra sau. Chống và bắt cướp là tốt, nhưng không phải bất cứ lúc nào. Một xã hội văn minh là người dân phải được bảo vệ chứ không phải họ phải tự bảo vệ...
Hai trường hợp ở Nghệ An và Bình Phước thì lần lượt bị hung thủ giết từng người, trong đó vụ ở Bình Phước là đáng nói nhất. 6 người lần lượt bị trói bị giết mà không ai có một phản ứng nào khả dĩ tự cứu. Kỹ năng sống nó dạy cho con người ứng phó với từng trường hợp cụ thể, tất nhiên không có và không bao giờ có một đáp án chung. Nhưng khi có một kỹ năng thì anh sẽ biết áp dụng. Cũng hôm qua báo chí mới đưa tin ở Lăng Cô, để cứu hai cô gái bị đuối nước, một chàng trai dũng cảm đã bị sóng cuốn trôi.
Có vẻ như chúng ta dạy rất nhiều thứ, nhưng những thứ thiết thân, cụ thể, gần gũi và thực dụng với đời sống nhất thì chúng ta lại bỏ qua. Nhưng chuyện cháu bé 4 tuổi tự giải thoát khỏi bọn bắt cóc khi cháu bị bọn chúng trói chân tay và bịt miệng bằng băng keo bỏ trong bao vất trong ruộng mía, rồi cháu biết leo lên cái gò cao nhìn hướng, rồi cứ thế băng qua gai nhọn, lá mía... tìm đường về nhà lại cho chúng ta những hy vọng mới. Hay cháu bé Tú Anh 7 tuổi khi bị lọt xuống giếng đã rất bình tĩnh để không ngất, không ngủ, không tụt sâu thêm, quấn thừng rất chặt vào tay treo người lên (tất nhiên có tư vấn của các chú cứu hộ) đợi suốt 8, 9 tiếng đồng hồ để được cứu cũng khiến chúng ta an tâm phần nào.
Kỹ năng sống phải được dạy từ bé, từ gia đình, nhà trường và cả xã hội, để không xảy ra hậu quả đáng tiếc, hoặc xảy ra thì hạn chế đến mức thấp nhất có thể, trong từng trường hợp...
Vụ bé sơ sinh bị đâm xuyên sọ: 'Đừng bỏ cuộc con nhé!' Con sinh ra đã là điều kỳ diệu. Càng kì diệu hơn khi con bước đầu đã chiến thắng tử thần – chiến thắng dã tâm, sự độc ác, lòng tham, sự ích kỷ của ai đó. |