Có rất nhiều đứa trẻ nơi đây luôn mang một câu hỏi thường trực trong đầu rằng: “Bố mình đi đâu? Bao giờ bố về?” và thậm chí cả: “Bố có hình dáng như thế nào?”… Chúng chỉ biết hỏi mẹ, nhưng sẽ chẳng bao giờ nhận được câu trả lời. Bản thân các bà mẹ của những đứa trẻ nơi cũng mang đau đau một nỗi tơ vò trong lòng.
[links()]
Tôi tìm về làng Quyết Thắng (xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy -Nam Định) bởi nghe tiếng đồn về một làng quê bị gọi là… làng vợ bé. Là một làng quê thuần nông như bao làng quê khác nhưng ở Quyết Thắng lại có không ít người phụ nữ rơi vào cảnh một ông hai - ba bà.
Đàn ông ở Quyết Thắng phần đông đi làm ăn xa nhà, và trong số những hệ lụy kéo theo, đó là việc nảy sinh tình trạng phức tạp về hôn nhân.
Chuyện đàn ông con trai nơi đây có hai vợ, ba vợ đã trở nên qua đỗi bình thường và điều lỳ lạ là những người phụ nữ nơi đây cũng cắn răng chấp nhận cảnh “kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”
Phụ nữ mất chồng
Tìm về Quyết Thắng, quang cảnh ngôi làng chẳng có gì đặc biệt, duy chỉ có điều, người ta rất khó nhìn thấy hình bóng những người đàn ông - những người chủ gia đình ở các ngôi nhà nơi đây.
Vào một cách ngẫu nhiên, một gia đình nằm ở giữa làng, ngôi nhà mái bằng nằm im ắng một cách vô hồn, trong đó chỉ có hai đứa trẻ và một người đàn bà khắc khổ. Tết vừa rồi là cái Tết thứ tư, chồng chị Nguyễn Thị Thơm (tên thật đã được thay đổi theo yêu cầu của nhân vật) vắng nhà.
Họ bất lực nhìn chồng xây dựng gia đình với những người khác, đau đớn nhìn những đứa trẻ chịu cảnh “mồ côi” khi bố chúng vẫn còn sống trên đời… |
Đứa con út của chị năm nay mới được 5 tuổi non, đau đớn thay, cho đến giờ nó vẫn chưa được nhìn thấy mặt bố vì từ lúc mang thai, chồng chị Thơm đã bỏ đi biền biệt. Bản thân chị cũng chẳng biết chồng mình đi làm ăn xa ở tận đâu, chỉ thi thoảng nhận được vài trăm nghìn từ bưu điện do anh ấy gửi về để nuôi con.
Chồng vắng nhà, ba mẹ con chị Thơm sống lay lắt dựa vào vài sào ruộng, mảnh vườn nhỏ và cùng ngậm ngùi bước qua thời gian một cách đầy miễn cưỡng.
Kể về câu chuyện của gia đình mình, chị Thơm bảo rằng, nếu mà biết được chồng đi làm ăn xa mà mất hút như vậy thì chị sẽ chẳng bao giờ cho đi. Dạo đầu những năm 2000, khi hai vợ chồng mới cưới, chuyển ra ở riêng với hai bàn tay trắng, với mấy sào ruộng, cuộc sống gia đình chị Thơm gặp rất nhiều khó khăn.
Dù cả hai vợ chồng đã cố gắng hết sức lao động nhưng cũng chẳng đủ ăn vì ruộng ít lại không có việc làm thêm. Chồng chị Thơm tính chuyện lên Hà Nội kiếm việc làm cùng với mấy người trong làng nhưng cũng chẳng mấy khả quan vì không có việc.
Đứa con đầu lòng sinh ra kéo theo biết bao khoản chi tiêu khiến cho kinh tế gia đình chị Thơm càng trở nên lao đao.
Trong lúc túng bấn như vậy, chồng chị Thơm được một người quen giới thiệu cho công việc làm ăn ở vùng Tây Nguyên, tuy xa xôi nhưng thu nhập khá cao. Hai vợ chồng bàn đi tính lại với nhau và quyết định sẽ thử một lần xem sao, nếu may mắn sẽ thoát cảnh khó khăn.
Chồng đi xa, chị Thơm ở nhà một mình lo chăm sóc con nhỏ và quán xuyến việc gia đình. Những tháng đầu tiên khi mới đi làm, chồng chị gửi tiền về rất đều đặn, cứ đi làm cả năm chỉ đến Tết mới về với gia đình.
Tuy sống xa chồng, thiếu thốn về mặt tình cảm nhưng chị Thơm vẫn chấp nhận vì nghĩ rằng, nếu cứ ở nhà, no đủ tình cảm nhưng kinh tế lại khó khăn thì chẳng mấy chốc cũng trở thành mâu thuẫn. Xác định tư tưởng như vậy nên chị Thơm chẳng bao giờ suy nghĩ sẽ đến một ngày mình mất chồng như bây giờ.
Cho đến khi chị sinh đứa con thứ 2, Tết năm đó anh về và đi biền biệt cho đến tận bây giờ vẫn chưa về để nhìn mặt con. Thấy chồng đi xa lâu không về, chị Thơm gọi điện vào hỏi thăm tình hình, mỗi lần như vậy chồng chị chỉ nói rằng vì bận công việc quá nên không thể về.
Một rồi hai đến ba cái Tết không thấy chồng về, chị Thơm cảm thấy thắc mắc và khó hiểu. Cho đến khi nghe một người trong làng từng đi làm cùng với chồng mình nói rằng, anh ấy đã có vợ hai ở trong Tây Nguyên, chị Thơm như chết lặng trong sự thất vọng.
Chị cứ cầu mong những câu nói của người kia chỉ là bông đùa vì bấy lâu nay chị vẫn mang một niềm tin sắt đá rằng chồng mình là một người rất chung thủy.
Cho đến khi 5 cái Tết trôi qua vẫn chưa thấy chồng về nhà, chị Thơm đã dần hiểu được rằng, những lời nói của người quen kia hoàn toàn là sự thật. Việc liên lạc với chồng đối với chị Thơm giờ cũng là hết sức khó khăn.
Số điện thoại trước chẳng hề liên lạc được, chị cũng chẳng biết hiện tại chồng mình đang làm ăn ở nơi đâu, còn sống hay đã chết. Đối với chị Thơm lúc này, chị chỉ quan trọng nhất đến việc nuôi dạy các con.
Cuộc sống của ba mẹ con chị trông cậy hoàn toàn vào vài mảnh ruộng, thi thoảng chị đi làm thuê cho bà con trong làng kiếm vài chục nghìn để có tiền đóng học cho con. Cuộc sống của mẹ con chị Thơm cứ tiếp tục với nỗi đau, sự thất vọng về người chồng xa biền biệt không biết bao giờ mới trở về.
Những đứa trẻ “mồ côi” cha
Theo thống kê của chính quyền nơi đây, có tới hơn 80% đàn ông trong thôn là đi làm ăn ở các thành phố, tỉnh thành khác. Trong số này, phần đông là những người lập nghiệp ở các tỉnh miền Nam, phần còn lại là ở Hà Nội.
Chuyện những người đàn ông nơi đây đi lấy vợ hai, vợ ba tuy chính quyền chưa có sự thống kê cụ thể nhưng nó diễn ra một cách tương đối phổ biến.
Dù những người làm nhiệm vụ chức năng rất muốn vào cuộc để bảo vệ quyền lợi cho những người phụ nữ nơi đây nhưng cũng không tìm ra một phương pháp khả quan vì đa số chị em nơi đây đều sống một cách cam chịu và an phận.
Với suy nghĩ như vậy nên những người đàn ông ở Quyết Thắng càng lấn tới và học đòi nhau trong việc đi tìm kiếm vợ lẽ cho mình ở nơi khác.
Chuyện những người phụ nữ nơi đây rơi vào cảnh đau khổ hẳn đã rõ nhưng phía sau đó, những đứa trẻ nơi đây cũng phải chịu biết bao nhiêu thiệt thòi vắng bóng sự chăm sóc của người cha. Đã 4 năm nay, em Trần Thị Thảo (tên thật đã được thay đổi) không nhìn thấy mặt cha.
Bố đi biền biệt, mẹ thì mải lo kiếm tiền nuôi sống gia đình nên chẳng mấy khi có thời gian quán xuyến, chăm sóc các con nên em phải sống trong cảnh thiếu thốn tình cảm. Ngoài việc lo lắng việc học tập của mình, Thảo còn phải lo chăm sóc cho đứa em học lớp một của mình.
Cô bé học lớp 5 này, tuy dáng vóc còn rất bé nhỏ nhưng đã biết lo liệu công việc trong gia đình. Thảo bảo rằng, mẹ cứ đi làm từ sáng sớm cho đến tận tối muộn mới về. Chính vì vậy, Thảo phải tự chăm sóc cho bản thân và còn phải lo việc chăm sóc cho em.
Cô bé tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã rất tháo vát, từ việc thổi cơm, quét dọn nhà cửa cho đến việc chăm sóc cho đứa em nhỏ, Thảo đều thực hiện một cách chu toàn. Nhìn hai chị em Thảo ngồi lặng lẽ giảng bài cho nhau trong ngôi nhà lạnh lẽo, ai nấy cũng phải cảm thấy có phần xót xa.
Ở Quyết Thắng, những trường hợp các em nhỏ “đảm đang trước tuổi” là một chuyện hết sức bình thường. Chúng dường như phải tự điều khiển và thích ứng với cuộc sống khó khăn của mình. Có rất nhiều đứa trẻ nơi đây luôn mang một câu hỏi thường trực trong đầu rằng:
“Bố mình đi đâu? Bao giờ bố về?” và thậm chí cả: “Bố có hình dáng như thế nào?”… Chúng chỉ biết hỏi mẹ, nhưng sẽ chẳng bao giờ nhận được câu trả lời. Bản thân các bà mẹ của những đứa trẻ nơi cũng mang đau đau một nỗi tơ vò trong lòng.
Họ bất lực nhìn chồng xây dựng gia đình với những người khác, đau đớn nhìn những đứa trẻ chịu cảnh “mồ côi” khi bố chúng vẫn còn sống trên đời… Nghĩ vậy, đau đớn vậy nhưng phụ nữ nơi đây cũng chỉ biết an phận với cuộc sống của mình và chẳng thể nào tìm ra được lối thoát cho mình.
Phụ nữ ở ngôi làng này vì hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn mà cũng dần dần tìm ra thành phố đến kiếm việc làm.
Để có tiền trang trải cuộc sống, lo tiền ăn học cho các con, phụ nữ Quyết Thắng phải tự thân vận động, họ biết rằng, chẳng thể nào trông chờ vào người chồng đi xa nữa, để các con không phải chịu cảnh đói rách, họ phải lăn lộn với cuộc đời.
Và như vậy, làng Quyết Thắng chỉ còn sót lại những đứa trẻ bất hạnh. Trong giấy khai sinh của những đứa trẻ nơi đây đều có đủ cha và mẹ, nhưng kỳ thực trong cuộc sống chúng đang rơi vào tình cảnh “mồ côi” một cách đầy đau khổ.
Chúng còn quá trẻ để nhận biết những nỗi đau, nhưng mỗi ngày trôi qua, những đứa trẻ ở Quyết Thắng đều phải tự chăm sóc bản thân của mình để bước qua ngày tháng.
- Hà Chi