Người chọn kiếp lang thang, nhường nhà cho cháu

06:20, Thứ bảy 15/12/2012

( PHUNUTODAY ) - Câu chuyện của bà Bùi Thị Thông như một thanh âm đầy tính nhân văn trong cuộc đời nhiễu nhương toan tính. Bà đã nhường lại căn nhà của mình cho đứa cháu, riêng mình chọn kiếp lang thang.

Trong những lần đến với các trung tâm bảo trợ xã hội dành cho người già, chúng tôi đã gặp những câu chuyện của những đứa con hắt hủi cha mẹ già, chuyện của những người đàn bà bị con cái đuổi ra đường để chiếm đất….Nhưng câu chuyện của bà Bùi Thị Thông lại như một thanh âm đầy tính nhân văn trong cuộc đời nhiễu nhương toan tính. Bà đã nhường lại căn nhà của mình cho đứa cháu, riêng mình chọn kiếp lang thang.

[links()]

Gần trọn đời lang thang

Bà Thông bây giờ đã qua tuổi 80, chân đã mỏi, mắt đã mờ…nên đành phải nương náu tuổi già của mình ở tình thương của xã hội, Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Thái Nguyên là nơi cưu mang phận người đàn bà nhiều bất hạnh này.

Bà bảo: “Coi như xong một đời rồi, đành phải nhờ cậy vào sự chăm sóc của Nhà nước thôi”. Lần về gốc gác, bà vốn người Vụ Bản (Nam Định), giống như rất nhiều gia đình nông thôn những năm giặc giã triền miên, quẩn quan nghèo đói ấy, gia đình bà cũng nheo nhóc cả mấy người con săm sắp nhau.

Cảnh khổ đè lên, nên anh chị em cũng sớm phải li tán tha hương. Khi cuộc chiến chinh của dân tộc bùng lên, bà cũng đã từng tham gia dân quân du kích. Đôi mắt mờ đục của bà như chợt sáng lên khi nhắc nhớ về một thời “cả làng hừng hực khí thế tay cuốc, tay súng” ấy.

“Chúng tôi cứ hai người một cặp, úp lưng lại với nhau mà đào hầm hố, người này cúi, người kia cứ ngẩng lên mà canh chừng kẻ địch. Không chúng đứng ở trên đồn cao phát hiện ra, nhắm bắn thì chỉ có nước chết” – bà nhớ lại.

Đất nước qua cơn tao loạn, bà cũng được thụ hưởng chính sách xóa mù của chính phủ mà được đi học con chữ i tờ, nhờ thế mà bà biết đọc biết viết. Nhưng rồi cuộc sống cũng dồn đẩy bà vào những ngày lang bạt. Bà hồi tưởng, từ khi còn là một cô bé 11 tuổi bà đã sớm phải chịu cảnh ly hương.

Gia cảnh khốn khó, mẹ phải đi hái rau má về độn cơm vẫn không đủ cho cả gia đình no bữa. “Có lần, mẹ tôi nấu cơm ra rồi bảo, các con ăn đi mẹ ăn trước rồi. Có lúc dọn cơm ra mẹ lại lấy cớ đi đâu đó để nhường cơm cho chúng tôi” – bà Thông quẹt nước mắt nhớ lại.

Bà Bùi Thị Thông
Bà Bùi Thị Thông

Thương con lắm, nhưng cảnh khổ cứ chơ vơ trên nóc nhà cũng khiến cho đấng sinh thành phải gửi gắm con đi làm thân con ở cho những nhà có điều kiện, vừa đỡ một phần gánh nặng gia đình cũng để con cái mình may mắn vào nhà tốt cũng có được bữa cơm no, manh áo ấm.

Thế nên năm 11 tuổi bà đã phải rời quê theo chân người làng ra tận Nam Định này ở cho một gia đình. Một năm được một bộ quần áo ấm với một xu rưỡi tiền công, cô bé quê mùa ấy phải làm lụng quần quật cả ngày bằng sức của vài người lớn để lo cho được những phần việc mà nhà chủ giao.

“Phận con ở mà chú, cũng có lúc gặp chủ tốt thì còn đỡ bị ăn đòn, chứ gặp chủ xấu bụng coi khinh người ở thì bị ăn đòn suốt ngày. Giận vợ họ đánh mình, giận con họ cũng lôi mình ra đánh…bị đánh nhiều rồi cũng quen đi có lúc tưởng như chẳng biết đau là gì” – bà nói.

Cuối năm, mà lại được nhà chủ cho về quê ăn tết. Nhưng phần vì giao thông chưa thuận tiện, phần vì không có tiền nên bà và anh trai vẫn phải quốc bộ từ Thái Nguyên về tận Nam Định. Tôi tròn mắt: “Bà đi bộ xa như thế thì mấy ngày mới về tới nhà” – bà đáp thõng thượt:

“Thì cứ đi thế, đói thì lấy cơm nắm mang theo ra ăn, mỏi thì hai anh em lại tấp vào bên đường nghỉ chút, rồi lại đi tiếp thôi. Đi mãi rồi cũng về tới nhà, mấy ngày tôi không nhớ nữa, chỉ biết cũng phải gặp mấy cái mặt trời lên, mấy cái mặt trời xuống mới đến nhà”.

Tuổi thơ của bà cứ chầm chậm trôi theo kiếp con ở từ nhà này cho nhà khác, phải đợi đến khi trở thành một cô thôn nữ, bà mới được về lại với luống đất, vườn rau nhà mình, nhưng rồi cuộc sống dường như đã mặc định cho bà kiếp buôn ba, nên thế mà đến quá nửa cuộc đời bà lại rời làng quê xóm bãi trở lại Thái Nguyên tiếp tục một cuộc mưu sinh đầy khó nhọc.

Nhường nhà cho cháu

Nắn bóp đôi tay gầy guộc của mình, bà than mấy hôm nay trời trở gió tự nhiên thấy các khớp tay cứ đau, rồi ký ức của cứ ùa về với bà, không có trình tự thời gian, đan xe giữa nụ cười và nước mắt. Trong dằng dặc nước mắt cuộc đời, người bà nhắc đến nhiều nhất là người chồng đã khuất của mình.

Lấy chồng ở tuổi xuân thì con gái, bà cũng như bao nhiêu người con gái “xuất giá tòng phu” khác muốn có một đứa con để bế bồng, thích được nghe tiếng oe oe con trẻ và cả mùi khai nước tiểu của trẻ sơ sinh. Thế nhưng cuộc đời đã cướp mất của bà thiên chức đó.

Sống với nhau mấy chục năm, nhưng ông bà vẫn không có được với nhau một mụn con nào. Căn nhà đã rộng dường như lại càng thênh thang hơn khi chỉ có bóng hai vợ chồng lụi thụi ra, lụi thụi vào.

Bà kể, có những lần bước chân ra ngoài đường thấy những người mẹ mặt rạng ngời hạnh phúc cho con bú bắm mà ứa nước mắt. Nhưng về đến nhà lại phải lau ngay, vì bà không muốn rói thêm nỗi đau vào cho chồng.

Nếu bà thương phận mình một, thì cũng thương thân chồng đến bảy tám nên cứ thế câm lặng chịu nỗi dày vò khi thiên chức người đàn bà hụt hẫng. Nỗi đau không có con tưởng như đã kịp chôn giấu sâu vào lòng thì một nỗi đau to lớn khác ập đến.

Chồng bà đột ngột ra đi sau một cơn bạo bệnh. Bà trở thành người đàn bá góa bụa ở tuổi 40. Nỗi đau tưởng như quật ngã bà xuống nền đất ẩm ướt. Phải gắng gượng lắm bà mới lê được tấm thân nhọc nhằn của mình trở dậy và cam tâm sống tiếp.

Căn nhà ăm ắp kỷ niệm, cũng là thành quả của mồ hôi công sức mà hai vợ chồng bà vun vén tạo nên đã từng là tổ ấm của cả hai, thì giờ càng ngày càng trở nên u ám. Đi đến đâu, bà cũng thấy hiển hiện hình bóng người chồng mệnh yểu.

Cùng lúc đó, người cháu của bà cũng mới lập gia đình đang chưa chật vật nhà cửa, thế là không ngần ngại bà cho luôn đứa cháu gia tài quý nhất cuộc đời mình. “Có người bảo sao không bán lấy một ít tiền mà dưỡng già. Nhưng tôi nghĩ con cháu nhà mình cả, ai nỡ làm thế” – bà nói.

Bàn giao nhà cho cháu, bà cũng bắt đầu rời quê mình trở lại Thái Nguyên. Làm đủ mọi nghề để kiếm sống, cuối cùng bà chọn nghề bán hàng rong để lo đủ bữa cơm qua bữa. “Buôn thúng, bán mẹt”, gánh hàng rong của bà đếm đi đếm lại cũng chỉ có mấy bó rau héo úa, giá chỉ vài ngàn đồng là cao nhất.

Bà nhẩm tính, ngày cao nhất cũng không được vài chục ngàn tiền lời, nhưng với sức ăn tằn tiện của bà cũng đủ sống qua ngày. Không có nhà, bà lang thang vạ vật ở mọi nơi, chỉ cần nơi đâu có thể tựa lưng được.

Sống tốt thì không bị phụ bạc, bà nói với tôi một câu như triết lý như thế. Bà giải thích, gia đình đứa cháu cũng không dư giả gì tiền nong, nên khi mình nhường nhà cho cháu thì cũng được đối đãi tử tế. Thỉnh thoảng các cháu nó cũng lên thăm hỏi cho quà cáp. Nhìn thấy các cháu hạnh phúc yên ấm là tôi thấy vui rồi.

Gần chục năm dầm mưa dãi nắng trên những con đường mù mịt bụi, bán tủn mủn mấy mớ ra, có lúc bà cứ nghĩ chắc rồi mình cũng ra đi bên chiếc thúng quen thuộc này, giữa con đường đầy bụi vẫn nhộn nhạo người qua.

Một sự ra đi thanh thản của một kiếp người nhiều thua thiệt nhưng cũng kịp để lại cho cháu con một chút nghĩa cử. Thế nhưng, cuộc đời không buông tay trước bà, như bà đã nghiệm ra sống tốt với người thì sẽ được người đền đáp.

Cuối cùng bà cũng được an dưỡng tuổi già trong một môi trường sống không đủ đầy mọi mặt, nhưng cũng có thể nói là sung sướng nhất trong cuộc đời mà bà đã chật vật bước qua. “Các cháu nó vẫn lên thăm tôi thường xuyên chứ, quà cáp rồi còn cả tiền nữa”- bà nói như reo lên với tôi khi tôi hỏi con cháu có thường xuyên lên thăm không.

Chờ bà trả lời xong, tôi lại hỏi tiếp thế bà có bao giờ nghĩ con cháu hiếu nghĩa với bà là phải đưa bà về nuôi dưỡng không, bà lại buông lời đầy thông cảm: “Đời mình coi như ở đây là xong rồi, con cháu cũng đâu có khá giả gì mà cưu mang được mình, rồi vợ con…ở đây tui có bạn già tâm tình, có nhà nước nuôi cơm, có nhà để ở chăn ấm nệm êm là sướng lắm rùi chú ạ”.

Bà nói rồi nhoẻn miệng cười, nụ cười thanh thản của một người dù trải qua nhiều tao biến những vẫn không mưu cầu cuộc sống chỉ cho riêng mình.

  • Huệ Chi
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc