Lão Tử nói: “Người không tự cho mình là đúng, mới có thể phán đoán phân minh sự tình; người không tự khen mình, công lao của người này mới được khẳng định; người không kiêu ngạo mới có thể thành đại sự”.
Ảnh minh họa
Người cung kính khiêm nhường
Viên Liễu Phàm thời nhà Minh cùng chín người trong huyện đi thi tiến sĩ, trong đó có một vị tên là Đinh Kính Vũ trẻ tuổi nhất. Viên Liễu Phàm bảo với người bạn tên Phí Cẩm Pha rằng: “Đinh Kính Vũ năm nay nhất định thi đỗ tiến sĩ”.
Phí Cẩm Pha nói: “Làm sao mà biết được?”
Viên Liễu Phàm đáp rằng: “Khiêm nhường được phúc. Anh xem xem trong mười người chúng ta, có ai khiêm tốn bằng Đinh Kính Vũ, luôn giữ chữ tín, cung cung kính kính. Trước đám đông, cậu ấy không kiên quyết giữ thành kiến của mình, có thể lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác mà không hề tỏ chút kiêu ngạo. Dù là chuyện rất nhỏ, cậu ấy cũng nghĩ cho người khác, vì thuận tiện cho người khác, điều này quả thực khó có được! Một người có thể đạt được cảnh giới cao như vậy, Thần linh cũng sẽ bảo hộ cậu ấy, sao có thể có đạo lý thi trượt được!”.
Đến lúc công bố danh sách, Đinh Kính Vũ quả nhiên thi đỗ.
Tránh ghen - ghét - oán
Tôn Thúc Ngao là lệnh doãn – tể tướng tài danh nước Sở thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc. Có một cố sự nổi tiếng về Tôn Thúc Ngao như thế này:
Một vị trưởng lão ở Hồ Khâu bảo Tôn Thúc Ngao: Có ba cái oán ông biết không?
Tôn Thúc Ngao hỏi: Những cái nào vậy?
– Tước cao thì bị người ta ghen, chức lớn thì bị người ta ghét, lộc hậu thì bị người ta oán.
Tôn Thúc Ngao bảo: Tước tôi càng cao thì tôi càng tự hạ mình xuống, chức tôi càng lớn thì tôi càng cho là nhỏ, lộc của tôi càng hậu thì tôi phân phát càng nhiều, như vậy tránh được ba cái oán đó chăng?
Quả vậy. Người cung kính khiêm nhường, chẳng những sẽ được công thành danh toại như Đinh Kính Vũ, mà còn có thể tránh sự oán ghét của người đời, bảo hộ bản thân khỏi bất trắc và tai hoạ, giữ gìn được cơ nghiệp tổ tiên.
ạy con phải khiêm tốn
Đó là trường hợp của Chu Công, tên thật là Cơ Đán, là vị khai quốc công thần của triều đại nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc. Ông có công giúp Chu Vũ vương Cơ Phát lập ra nhà Chu, về sau lại phò tá con trai của Vũ Vương là Chu Thành vương trị vì thiên hạ. Đương thời, Chu Thành Vương muốn phong đất Lỗ cho Chu Công, nhưng vì mang trọng trách phụ chính, nên ông từ chối không nhận.
Sau đó vua Thành Vương quyết định cấp nước Lỗ cho Bá Cầm, con trai thứ ba của Chu Công. Khi Bá Cầm sửa soạn rời nhà đi nhậm chức, Chu Công nghiêm nghị khuyên bảo con trai rằng:
“Bất cứ lúc nào, con cũng không được tự kiêu hoặc tham sắc dục mà buông thả bản thân. Con nhất định phải luôn luôn giữ đức khiêm tốn, như vậy mới có thể cai trị quốc gia cho tốt, rồi thì phúc lành, vận may của con mới được lâu bền”.
Sau đó Chu Công lại bảo Bá Cầm:
“Địa vị của ta bây giờ rất cao so với nhiều người trong thiên hạ, nhưng ta vẫn bị khách khứa đến quấy rầy khi đang gội đầu hoặc đang dùng cơm như lúc xưa. Để tiếp khách tử tế đàng hoàng, thường thường ta phải vội vàng bỏ dở gội đầu, đi ra khỏi phòng tắm 3 lần, hoặc ngưng ăn bữa cơm tối đến 3 lần trong một đêm. Dầu vậy, ta vẫn e ngại việc đón tiếp nhân sĩ thiên hạ của mình có thể bị thiếu sót, không được tề chỉnh cho lắm.
Ta nghe nói bậc nhân sĩ đức độ rộng lớn mà giữ vững được thái độ khiêm cung, thì sẽ nhận sự vinh quang đẹp đẽ; người giàu với đất rộng phì nhiêu, nếu biết tự kiềm chế dục vọng và bảo trì sự tiết kiệm thì sẽ được bình an; quan chức địa vị cao nếu giữ được tâm thái nhún nhường thì càng được hiển hách tôn quý hơn; tướng quân có nhiều binh lính hùng mạnh sẽ đạt được thắng lợi nếu biết lúc phải khiếp sợ; người trí tuệ thông minh mà tự xem mình đần độn, ngu si thì sẽ có những lợi ích tốt lành; người biết văn chương lịch lãm mà giữ được tính khiêm cung, thì càng có kiến thức rộng rãi hơn. Sáu điểm này đều là đức hạnh tốt đẹp của tính khiêm nhường.
Làm một ông vua phú quý tứ hải, nếu không có lòng khiêm tốn thì sẽ mất tất cả, kể cả mạng sống của chính mình. Vua Trụ của nhà Thương, vua Kiệt của nhà Hạ đều bị giết bởi tính kiêu căng của họ. Con có thể không khiêm tốn cẩn thận được sao?.
Trong kinh Dịch có câu rằng: “có một phương pháp, nếu khiêm tốn trong mọi việc làm và mọi đối xử thì giữ được thiên hạ; khiêm tốn tới mức trung bình thì giữ được quốc gia; lòng khiêm tốn ít thì chỉ giữ được bản thân”. Đạo Trời có huỷ diệt điều gì cũng để lại sự khiêm tốn ích lợi, đất có biến đổi bao nhiêu cũng lưu lại tính khiêm tốn; quỷ thần, con người tất cả đều không thích kẻ kiêu căng, mà lại ưa chuộng người khiêm tốn. Con nhất định phải ghi nhớ kỹ những điều này! Không vì được thụ phong nước Lỗ mà coi thường nhân sĩ!”.
Lời dạy con của Chu Công hàm chứa trí tuệ sâu sắc của người xưa. Trong 64 quẻ “Kinh Dịch”, mỗi quẻ đều có điềm hung, điềm cát, duy chỉ có quẻ 15, quẻ Khiêm (khiêm nhường) là không có điều hung, chỉ có điều cát, và là quẻ tốt nhất.
Người có khuôn mặt phúc hậu (Ảnh minh họa)
Kiêu ngạo là ngọn nguồn của tội lỗi
Trái với khiêm nhường là kiêu ngạo; chỉ cần buông lơi lòng khiêm tốn thì một người sẽ trở nên kiêu ngạo. Nếu chúng ta biết được tính nguy hại của tâm kiêu ngạo, có lẽ sẽ có thể ước thúc bản thân cung kính khiêm nhường.
Thời Tam quốc, Dương Tu rất tài giỏi, nhưng cũng rất cao ngạo, ông ta luôn muốn thể hiện tài năng của mình, Tào Tháo thấy vậy vô cùng khó chịu bèn giết chết ông ta.
Ngoài ra, ngay cả khi lãnh đạo có thể chịu được người kiêu ngạo thì chưa chắc đồng nghiệp của họ có thể chịu nổi họ.
Có thể thấy, từ cổ chí kim, từ phương Đông tới phương Tây, kiêu ngạo là chủng tâm khiến người ta đánh mất bản thân, phóng túng vô lễ, không tự lượng sức mình, cuối cùng hãm vào tử địa.