Quy định của Luật về bảo hiểm xe máy
Theo quy định của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ thì người đi xe máy ra đường phải có Chứng nhận bảo hiểm xe máy. Cụ thể Khoản 1 Điều 56 của Luật này quy định các giấy tờ tham gia giao thông như sau:
1. Người lái xe tham gia giao thông đường bộ phải đủ tuổi, sức khỏe theo quy định của pháp luật; có giấy phép lái xe đang còn điểm, còn hiệu lực phù hợp với loại xe đang điều khiển do cơ quan có thẩm quyền cấp, trừ người lái xe gắn máy quy định tại khoản 4 Điều này. Khi tham gia giao thông đường bộ, người lái xe phải mang theo các giấy tờ sau đây:
a) Chứng nhận đăng ký xe hoặc bản sao Chứng nhận đăng ký xe có chứng thực kèm bản gốc giấy tờ xác nhận của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài còn hiệu lực trong trường hợp xe đang được thế chấp tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
b) Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển;
c) Chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới theo quy định của pháp luật;

Người dân cần chú ý quy định về bảo hiểm xe máy và hiểu cho đúng
d) Chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Đi cùng với Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là Nghị định 168/2024/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông. Theo đó tại Khoản 2 Điều 18 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về phạt lỗi vi phạm Chứng nhận bảo hiểm xe máy như sau:
- Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy kinh doanh vận tải không mang theo chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực;
b) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực;
Theo đó người dân chú ý loại bảo hiểm xe máy mà người dân cần xuất trình là bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, không phải bảo hiểm tự nguyện.
Xuất trình bản mềm được không hay bắt buộc phải mang theo bản cứng bằng giấy?
Hiện nay một số giấy tờ đã có thể sử dụng bản mềm thay bản cứng như Giấy phép lái xe, đăng ký xe... Những loại này tích hợp trên VNeID thì có thể xuất trình thay bản cứng.
Tuy nhiên hiện nay bảo hiểm xe máy chưa tích hợp được trên VNeID nên người dân mua chứng nhận bản cứng, công ty bảo hiểm phát hành bản cứng thì cần phải mang theo bản cứng xuất trình.

Nếu mua bảo hiểm xe máy dạng bản cứng thì phải mang theo bản cứng
Trong trường hợp nếu công ty bảo hiểm phát hành Chứng nhận bảo hiểm bản điện tử thì người dân có thể xuất trình ở dạng bản điện tử.
Khoản 3 Điều 10 Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 10. Giấy chứng nhận bảo hiểm
Trường hợp cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành. Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành và phản ánh đầy đủ các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này.
Do đó người dân chú ý loại bảo hiểm xe máy mình mua nếu chỉ có dạng bản cứng thì buộc phải mang bản cứng đi, không thể dùng ảnh chụp lại. Còn nếu mua bản điện tử thì xuất trình dạng bản điện tử hoặc in bản điện tử ra mang theo xe.