Người dân kiện thủy điện chắc thắng hơn "con kiến kiện củ khoai"?

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Ngay khi xuất hiện những ý kiến cho rằng người dân có thể kiện, đòi chủ công trình thuỷ điện Đắk Mi 4 bồi thường thiệt hại đã có rất nhiều ý kiến ủng hộ.

Theo Lao động, trưa 2/10, hàng ngàn hộ dân ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam đã phải hoảng loạn chạy tứ tán để tránh lũ vì tin đồn thất thiệt “vỡ đập thuỷ điện” ở thượng nguồn. Thực tế, đập không vỡ, nhưng do thuỷ điện xả lũ với lưu lượng lớn, nước hạ du dâng nhanh đến 4 mét trong tích tắc, xấp xỉ báo động 3; trong khi chính quyền không thông báo kịp thời đến dân.

Thế rồi mới xảy ra cái sự lạ lùng, khi người dân tin lời đồn, hoảng loạn bỏ chạy, chính quyền mới dùng loa phóng thanh… “đuổi theo”, loan tin trấn an.

Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ ngày 2/10 khiến người dân vùng hạ du thuộc huyện Đại Lộc (Quảng Nam) hoảng hốt vì tưởng vỡ đập

 

Tuy nhiên, ngay chiều và tối 2/10, lũ đã đổ về gây ngập lụt thật sự ở hạ du sông Thu Bồn, Vu Gia, người dân huyện Đại Lộc đã phải sơ tán 416 hộ dân với 1.602 nhân khẩu trong đêm 2/10. Tại xã Đại Quang trong đêm 2/10 - rạng sáng ngày 3/10 có 70 nhà dân tại thôn Trường An phải chạy lũ. Lũ thuỷ điện đã gây ngập cục bộ tại nhiều địa phương, nhiều tuyến giao thông quan trọng bị chia cắt trong tiết trời tạnh mưa.

Chưa kể những thiệt hại vật chất nhãn tiền, lũ thuỷ điện rõ ràng đã làm tổn thương tinh thần, đánh mất sự bình an của người dân là không thể tính hết được bằng tiền.

Điều đáng nói là việc xả lũ liên hồ (trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn) lộ diện những bất cập, và theo Luật Tài nguyên nước, những thiệt hại vật chất và tổn thương về tinh thần do thuỷ điện gây ra, người dân vùng hạ du Quảng Nam có quyền kiện, đòi chủ công trình thuỷ điện Đắk Mi 4 bồi thường thiệt hại.

Này nhé, mặc dù quy chế vận hành liên hồ có quy định phải vận hành theo nguyên tắc và thứ tự ưu tiên là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình thuỷ điện trước tiên, sau đấy mới đến “góp phần giảm lũ cho hạ du đồng thời đảm bảo hiệu quả phát điện”. Tuy nhiên, cũng quy định việc xả lũ chỉ được bằng lưu lượng nước về. Thực tế ngày 2/10, lưu lượng nước về thuỷ điện Đắk Mi4 xấp xỉ 2.000m3/s, nhưng nhà máy thuỷ điện này lại xả đến 2.744m3/s.

Chưa hết, trong quy chế vận hành liên hồ đã ấn định thời gian thông báo xả lũ ít nhất phải trước 2 giờ đồng hồ; nhưng, Đắk Mi 4 đã bất tuân. Theo BCH PCLB TP.Đà Nẵng, Đắk Mi 4 xả lũ lúc 9h sáng 2/10, song đến 8h40 thì Đà Nẵng mới nhận được bản fax thông báo - nghĩa là địa phương hạ du chỉ có được 20 phút. Thời gian này sẽ không triển khai được bất cứ hoạt động ứng phó kịp thời nào.

Ngoài ra, thông báo xả lũ này còn “chơi chữ” bởi ghi là “nhà máy dự kiến điều tiết nước về các cửa tràn với lưu lượng 500-1.000m3/s”. Đây là bản thông báo vô trách nhiệm, không trung thực, gây hậu quả nặng nề, làm tổn thương, bất an hàng triệu dân vùng hạ du.

Đã qua rồi cái thời người dân có nghĩa là dân đen, thấp cổ bé họng, không có tiếng nói trong mọi vấn đề của xã hội. Việc xả lũ không chỉ gây ra những thiệt hại vật chất đối với người dân mà còn để lại hậu quả tâm lý nặng nề, nỗi ám ảnh vỡ đập, đất đai, nhà cửa, của cải, ngập chìm trong nước luôn là những chuyện không ai muốn nghĩ đến và chứng kiến.

  Lũ lên gây ngập nhà dân ở thông thị trấn Trà My,huyện Bắc Trà My sáng 2/10 - Ảnh: TTO

Chính vì vậy, ngay khi xuất hiện những ý kiến cho rằng người dân có thể kiện, đòi chủ công trình thuỷ điện Đắk Mi 4 bồi thường thiệt hại đã có rất nhiều ý kiến ủng hộ và cho rằng cần thực hiện nhanh chóng. Họ còn cho rằng, bằng cớ sờ sờ đấy, người dân mạnh dạn kiện là thắng, để thủy điện các năm sau không dám "làm liều".

Thậm chí, còn có nhiều ý kiến cho rằng đã không làm thì thôi, làm thì phải làm cho ra ngô, ra khoai, nhân tiện vụ kiện này, người dân hoàn toàn có thể kiện thêm nhiều vấn đề khác. Như những bức xúc của người tiêu dùng với giá xăng dầu trong nước, rõ ràng là phải kiện ngay và luôn. Này nhé, quả thật là bức xúc không để đâu cho hết, theo lý thuyết giá xăng trong nước là được quy định bởi giá xăng thế giới, và vì vậy mà khi thế giới tăng, xăng Việt Nam lập tức tăng giá theo. Ấy vậy mà, đến khi giá xuống xăng lại trở thành biểu tượng của sự vững chắc, không thay đổi. Nên mới có chuyện khi tăng thì ào ào như thác nhưng đến lúc giảm lại chỉ nhỏ giọt cho có.

Hay Bộ Giao thông cũng phải chịu trách nhiệm mỗi khi có tai nạn đường xấu. Kể từ năm nay, các phương tiện cá nhân trên cả nước đã phải đóng phí bảo trì đường bộ để bảo dưỡng, xây mới đường đẹp đẽ hơn, phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân. Ấy thế mà Quỹ bảo trì đường bộ lại kiên quyết không chi một đồng tiền nào cho những người bị tai nạn do đường xấu. Trong khi đó, sẵn sàng chi ra hàng tỷ đồng hỗ trợ thất nghiệp cho các nhân viên Công ty quản lý khai thác cầu Cần Thơ bị thất nghiệp. Như vậy rõ ràng là chi sai mục đích.

Trộm nghĩ, "hòn đá" cũng có thể biết nói năng, cho nên với tình hình này, "con kiến kiện củ khoai" có khi lại thắng chưa biết chừng.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn