Xót xa dân đội thủy điện lên đầu

16:12, Thứ sáu 04/10/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - “Đồng bào dưới hạ du thủy điện như đội hồ nước trên đầu, tôi nghe câu này mà cảm thấy xót xa. Hãy đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi ích nhóm…” - ông Trần Văn Hạt, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Phú Yên.

Theo Thanh Niên, hội thảo do Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) và Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Nam (QNAUSTA) tổ chức đã thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu các tỉnh bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện như: Quảng Nam, Đắk Nông, Đắk Lắk, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế và Phú Yên.

Ông Đặng Phong, Phó giám đốc Sở Tài chính Quảng Nam (nguyên là Chủ tịch UBND H.Bắc Trà My) đã thẳng thắn nhận xét: "Làm thủy điện chỉ có xấu trở lên".

Nước rò rỉ trên thân đập thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) - Ảnh: TNO

Ông Đặng Phong cho rằng báo cáo đánh giá tác động môi trường của các thủy điện là không đáng tin. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tuấn, chuyên gia thủy lợi (Sở NN-PTNT Quảng Nam) cho biết, việc đánh giá tác động môi trường của các thủy điện đang mang nặng tính hình thức, đặc biệt là các thủy điện vừa và nhỏ. Ông Tuấn cho biết thêm rằng các hồ thủy điện ở Quảng Nam chỉ cần mưa 2 ngày là đầy. Khi lũ đến thì các hồ liên tục xả nước, người dân lại kêu trời.

Ngoài ra, ông Trần Văn Hạt, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Phú Yên, nhận xét người dân mất quá nhiều vì thủy điện. Đặc biệt là mất mát về tinh thần bởi người dân phải bỏ nơi ở cũ, phong tục, tập quán để nhường đất cho thủy điện. 

Ông Hạt nhấn mạnh: “Đồng bào dưới hạ du thủy điện như đội hồ nước trên đầu, tôi nghe câu này mà cảm thấy xót xa. Hãy đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi ích nhóm. Người dân không phải là đối tượng khai thác…”. Còn ông Đặng Phong khẳng định: “Người dân đã hy sinh cho thủy điện quá nhiều, đề nghị chủ đầu tư thủy điện chia sẻ lợi ích với người dân trong việc phục vụ sinh kế”.

Đại diện người dân bị ảnh hưởng ở vùng hạ lưu của sông Vu Gia - Thu Bồn, bà Trần Thị Kim Hoa (trú H.Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết, các thủy điện ở phía thượng nguồn đã làm dòng sông khô cạn, giao thông đường thủy bị ách tắc. Vì quá nhiều tác động tiêu cực đến đời sống, nên được phát biểu tại hội thảo, ông Briu Bông (trú xã Cha Val, H.Nam Gang, Quảng Nam), khẩn thiết đề nghị tiếng nói của mình đến Quốc hội: “Ở nơi nào còn thiếu thủy điện thì xây dựng, nơi nào đã đủ thì xin hãy dừng ngay”.

Trên thực tế, thời gian vừa qua ở Việt Nam đã có hàng loạt vụ việc thủy điện xả lũ gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân chính vì vậy những câu hỏi về các mặt hạn chế của thủy điện lại càng nóng hơn bao giò hết.

Theo Tuổi trẻ, chỉ mới ngày 2/10, ở Quảng Nam đã xảy ra vụ việc thủy điện xả lũ dân tưởng vỡ đập. Theo người dân, do trời đang tạnh ráo nên khi thấy nước từ trên nguồn bất ngờ đổ về cộng với tin người dân các xã Đại Hồng, Đại Tân, Đại Quang… thuộc huyện Đại Lộc (Quảng Nam) bàn tán vỡ đập nên họ gọi nhau chạy khỏi nhà.

Ông Phạm Phú Thủy, phó chủ tịch UBND huyện Nông Sơn (Quảng Nam) cho biết, một số khu vực ở huyện miền núi Nông Sơn bị ngập nước do thủy điện ở đầu nguồn sông Thu Bồn xả nước. Nước lũ đổ về, trong khi đó thủy điện Đắk Mi 4 vẫn chạy máy phát điện khiến thôn 2 của xã Phước Hòa và thôn 1, 10 của xã Phước Hiệp bị ngập sâu.

Lũ lên gây ngập nhà dân ở thông thị trấn Trà My,huyện Bắc Trà My sáng 2/10 - Ảnh: TTO

Trước đó, vào ngày 30/9, "trận xả lũ" 'đúng quy trình nhưng không báo trước từ hồ Vực Mấu có trữ lượng 75 triệu khối nước thuộc địa bàn xã Quỳnh Trang, phía tây thị xã Hoàng Mai đã gây ra thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.

Ông Nguyễn Hữu Tuy - chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai, Nghệ An - cho biết: "Chỉ trong vòng 27 tiếng rưỡi (19g30 ngày 30/9 đến 23g ngày 1/10), trận lũ gây thiệt hại cho địa phương khoảng 800 tỉ đồng, hai người chết".

Theo thống kê tại địa phương, hơn 20.000 nhà dân bị ngập. Tài sản của 100.000 dân như lúa, rau, hươu, trang trại gà, đầm tôm... trôi hết. Chưa thể thống kê hết những hộ gia đình bị thiệt hại tiền tỉ, riêng những hộ bị mất trên 100 triệu đồng nhiều vô kể.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: