Người đàn ông bạc đầu chăm vợ tâm thần

06:31, Thứ hai 16/05/2011

( PHUNUTODAY ) - Ở cái tuổi vẫn còn nhiều phong độ lắm, nhưng ông Hùng đã bạc trắng mái đầu, cả ngày của ông trôi qua ở bệnh viện, bên người vợ tâm thần, hôi hám, luôn đưa ra những đòi hỏi kỳ cục... Dù vậy, người ta thấy ông vẫn cặm cụi chăm sóc vợ bằng sự dịu dàng, nhẫn nại đến khó tin.


Tai họa bất ngờ

Vợ là giáo viên dạy Toán ở một trường cấp hai ở Hà Nội, ông Hùng (51 tuổi) là một kiến trúc sư, con cái một trai một gái đều trưởng thành, ngoan ngoãn, nhà cửa đàng hoàng ở Hà Nội. Những tưởng như thế đã là hạnh phúc đủ đầy với vợ chồng ông, nhưng rồi tai họa bất ngờ ập đến với ông một cách khó ngờ. Cái tai họa đó nó dần len lỏi từng tí một vào mái ấm gia đình, khiến lúc đầu ông không hề nhận ra nó.

Vào năm 2007, vợ ông Hùng bắt đầu có những biểu hiện khác thường khi bà vợ 48 tuổi của ông hay tỏ ra ghen tuông vô cớ. Ông Hùng dù hay phải đi công trình xa nhà nhưng từ trước đến nay vợ chồng ông vẫn thuận hòa, không bao giờ to tiếng với nhau, bà vợ ông cũng chưa bao giờ tỏ ra ghen tuông với chồng.

Thấy vợ thay đổi lạ lùng, lúc đầu ông Hùng cho rằng bà đã nghe lời dèm pha của những người xấu bụng nên không để ý. Nhưng rồi việc ghen tuông của bà càng ngày càng đi quá đà khi bà gán cho ông hết cặp với em này đến lả lơi với em kia, toàn những câu chuyện yêu đương được xây dựng trên trí tưởng tượng của người vợ vốn được tiếng là người điềm đạm, biết cách sống.

Trong một thời gian ngắn, người vợ của ông Hùng dần biến thành một kẻ ghen tuông vô lý, luôn tưởng tượng ra những câu chuyện ly kỳ về ông Hùng và cô bồ xinh đẹp nào đó. Bà dùng trí tưởng tượng của mình để ghen tuông, để dằn vặt, nhiếc móc chồng khiến cuộc sống gia đình ngày càng ngột ngạt. Không thể chịu đựng được những “vu vạ” của vợ, ông Hùng bắt đầu lớn tiếng cự nự, khiến mái ấm gia đình ông bỗng nổi giông tố.

Ông không thể tin nổi người vợ vốn điềm đạm, hiền thục và đầy hiểu biết của ông lại “giở chứng” đến khó tin như vậy. Cố công tìm hiểu các tài liệu trên mạng internet, ông mới vỡ lẽ vợ mình mắc chứng tâm thần hoang tưởng. Ông đem suy nghĩ của mình chia sẻ với mọi người trong gia đình thì không một ai đứng về phía ông, mọi người chỉ cho rằng vợ ông do bị stress nên mới có những hành động thái quá như vậy.

Rồi mỗi ngày, bệnh tình của bà vợ ngày một trầm trọng hơn, và ông Hùng là người cảm nhận rõ hơn ai hết về những thay đổi nơi người vợ đã hơn 20 năm đầu ấp tay gối với ông. Cuối cùng, ông quyết định đưa vợ đến bệnh viện tâm thần để khám, kết quả không nằm ngoài dự đoán của ông Hùng. Vậy là bà vợ của ông bị bệnh viện giữ lại để điều trị chứng tâm thần hoang tưởng.


Bằng tất cả tình yêu thương, nghĩa vợ chồng, ông Hùng dẹp hết công việc bận rộn sang một bên để dành thời gian chăm sóc vợ. Nhà có cô con gái lớn đang học đại học, nhưng ông Hùng nhất quyết không cho con gái động vào việc gì, tự tay ông làm tất những việc chăm sóc vợ, từ vệ sinh thân thể đến sinh hoạt hàng ngày của vợ.

Ông không muốn cô con gái nhỏ bé của mình vì chuyện gia đình mà sao nhãng học hành, hơn nữa chăm sóc người bệnh tâm thần đâu có đơn giản, bình thường không sao, mỗi khi bà vợ lên cơn thì một người đàn ông còn tràn nhiều sinh lực như ông cũng phải vất vả lắm mới ngăn được bà vợ quậy phá, huống chi cô con gái nhỏ của ông chỉ nặng hơn 40 kg thì làm sao mà đủ sức chăm sóc mẹ.

Sau vài tháng điều trị tích cực, chăm sóc vợ tận tình, cuối cùng bệnh tình của vợ ông cũng thuyên giảm, được bệnh viện cho về nhà. Sau một thời gian nghỉ dưỡng, bà vợ cũng đã dần lấy lại được tinh thần, trở lại bình thường như chưa từng bị điên bao giờ. Bà lại quay lại trường giảng dậy.

Thời gian cứ thế trôi qua êm đềm được vài năm thì gần đây, vợ ông Hùng lại có những biểu hiện khác thường. Bắt đầu bằng việc bà để ý soi mói mọi đồng nghiệp trong nhà trường, rồi thêu dệt nên đủ thứ chuyện, cho rằng mọi người đã có những sai phạm nghiêm trọng. Rồi bà làm đơn kiện khắp lượt, ngay cả vị hiệu trưởng nhà trường bà cũng không tha.

Trong mắt bà, mọi người đều không có năng lực, quá xấu xa, luôn tìm cách tham ô, vơ vét của công... Lúc đầu, các đồng nghiệp chỉ cho rằng bà có những hiểu nhầm, rồi vì quá trực tính nên mới có những hành động thái quá như vậy, nhưng rồi những hành động của bà ở nhà trường ngày một quá đà khiến ông hiệu trưởng phải gọi ông Hùng đến để nói chuyện. Nghe chuyện xong, ông Hùng rầu rĩ ra về, lại lao vào tìm hiểu sách báo về căn bệnh tâm thần của vợ.

Không chỉ dừng lại ở chuyện kiện cáo khắp lượt các đồng nghiệp trong trường, bà vợ ông Hùng bắt đầu quan tâm đến nhiều chuyện khác, từ chuyện xây dựng cơ bản của đất nước đến những vấn đề điều hành vỹ mô của Chính phủ.

Đi đến đâu, chạm điều gì bà cũng chê bai và đưa ra những ý kiến chủ quan, cho rằng mọi thứ cần phải điều chỉnh lại theo ý bà thì “đất nước mới có thể phát triển được”. Lúc này bà không còn quan tâm đến chuyện “tham ô” lẻ tẻ trong nhà trường, mà những vấn đề bà quan tâm đã ở mức cao hơn, “mang tầm cỡ thế giới”... Lúc này, ông Hùng mới đau đớn hiểu ra rằng, khi đã mắc chứng bệnh tâm thần thì người bệnh không thể chữa khỏi, bệnh tình chỉ tạm lui rồi nó sẽ quay lại bất thình lình bất cứ lúc nào, đặc biệt là khi người bệnh mắc phải những căng thẳng thì căn bệnh càng dễ tái phát.

Biết vậy, nhưng nhìn người vợ xinh đẹp của mình, ông vẫn không thể tin vào sự thật đau lòng đó, cho đến một hôm, khi nửa đêm, bà vợ ông trở dậy đập phá, tấn công người nhà thì ông Hùng  đành trói vợ lại, đưa đến Viện sức khỏe tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai để khám và điều trị. Lúc này, bệnh của bà vợ ông đã khá trầm trọng. Bà yếu đi trông thấy về sức khỏe và nhận thức thì hạn chế, lúc mê, lúc tỉnh.

Sự dịu dàng khó tin của người chồng cố đưa vợ thoát ra khỏi “vùng tối”

Khi chúng tôi bước vào phòng bệnh, ông Hùng đang khua vội bát cơm, ông ngồi ké bên giường bệnh của vợ. Trên giường bệnh, bà vợ yếu ớt cố ngồi dậy, gương mặt xanh xao, nhưng trên gương mặt đó vẫn vương lại nhiều nét quý phái của một người đàn bà đẹp. Buông vội bát cơm, ông Hùng lại gần đỡ vợ ngồi dậy, hỏi han. Bà vợ đưa đôi mắt đờ đẫn, vô cảm, khó nhọc đáp lời chồng. Mỗi khi bà cất lời, một thứ chất lỏng trong suốt vương ra từ miệng bà. Thứ dãi dớt đó chắc chỉ có người chồng thân yêu của bà mới dám đưa tay gạt.

Bà nói rất khó nghe, dường như chỉ có ông Hùng mới có thể nghe rõ vợ mình mong muốn gì. Sau khi ghé tai vào gần người vợ đang bốc mùi hôi cơ thể do nhiều ngày chưa tắm, ông Hùng quay ra nói: “Bà ấy muốn đi tập thể dục”. Vậy là ông Hùng đành bỏ dở bữa trưa, đỡ vợ dậy, dìu bà đi ra sân tập thể dục vào lúc 12 giờ trưa. Dường như đã quá quen với việc phải chiều theo những mong muốn quái gở của người vợ mắc chứng tâm thần, ông Hùng chỉ cười tủm tỉm với mong muốn dở hơi của vợ rồi nhẹ nhàng dìu vợ ra sân cho bà tập thể dục, đành bỏ lại bát cơm còn đang ăn dở.

Sau khi gửi vợ cho một người nhà bệnh nhân trông hộ trong ít phút, ông Hùng lại tất tả quay lại phòng bệnh ăn nốt bát cơm rồi vội vàng quay ra đưa vợ trở về phòng. Nhưng cũng chỉ nằm được 15 phút, bà vợ ông lại vùng dậy đòi đi dạo. Vậy là ông chưa kịp đặt lưng xuống cạnh vợ đã phải dìu vợ đi ra khuôn viên của bệnh viện Bạch Mai cho vợ đi dạo.

Từ xa, người ta thấy người chồng mái đầu bạc trắng, oằn mình dìu người vợ lê những bước khó khăn đi dưới hàng cây. Nhìn họ người ta ngỡ đôi tình nhân đang hồi mặn nồng chứ không hề giống như một người chồng chăm vợ mắc chứng tâm thần.

Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Điều trị bệnh nhân tâm thần và Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho hay:  “Chăm sóc người bệnh tâm thần là việc làm không hề đơn giản. Ở với người vợ không hợp tính hợp nết đã là mệt mỏi, đằng này vợ mắc chứng tâm thần, phải bỏ cả việc, gạt qua công danh sự nghiệp để ở nhà chăm sóc vợ.

Rồi thì vợ mắc bệnh, kinh tế gia đình ngày một suy kiệt. Thêm nữa, lâu dần phải chăm sóc dai dẳng một người bệnh mà đến vệ sinh bản thân họ cũng không làm được thì lâu dần tình cảm cũng bị xói mòn cho dù người vợ có đẹp như hoa... Chính vì vậy mà rất nhiều gia đình đã buông xuôi người thân, đẩy người bệnh vào trại tâm thần thay vì điều trị và chăm sóc tận tình”.

Đó là với những trường hợp khác mà bác sỹ Dũng đã gặp, còn đối với ông Hùng, người ta chỉ thấy ở ông sự dịu dàng, nhẫn nại chăm sóc vợ, thỉnh thoảng ông Hùng còn mỉm cười vì những câu nói ngẩn ngơ, những đòi hỏi vô lý của vợ... Ông cười đấy, nhưng sâu trong mắt người đàn ông đó là nỗi buồn mà người đối diện có thể dễ dàng cảm nhận được.

Tường Linh
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc