Người đương thời Nguyễn Thị Tiến và cảm động chuyện tìm lại tên cho Anh

08:36, Thứ sáu 13/05/2011

( PHUNUTODAY ) - Lần nào lên sóng, chị cũng gây được sự xúc động sâu sắc khi mang đến cho người xem những thước phim đời thực cảm động xung quanh câu chuyện tìm lại tên cho liệt sỹ vô danh.

(Phunutoday) - Chị là người lập kỷ lục trong chương trình “Người đương thời” phát sóng trên kênh VTV1 Đài truyền hình Việt Nam khi có tới 3 lần tham gia liên tiếp trong các năm 2000, 2001 và 2002. Lần nào lên sóng, chị cũng gây được sự xúc động sâu sắc khi mang đến cho người xem những thước phim đời thực cảm động xung quanh câu chuyện tìm lại tên cho liệt sỹ vô danh. Với việc làm thầm lặng và cần mẫn ấy, hơn 10 năm qua, đôi chân  nhỏ bé của chị đã đặt lên khắp nơi của mọi miền đất nước, sang cả nước Mỹ xa xôi tận bên kia bán cầu. Chị là thượng tá Nguyễn Thị Tiến – Nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Quân khu IV.


Có một sự tình cờ ngẫu nhiên, khi tôi tìm gặp chị Nguyễn Thị Tiến cũng là lúc ở dọc dải đất miền Trung, câu chuyện về những người đi tìm mộ liệt sỹ đang trở nên hoạt náo hơn bao giờ hết. Mặc dù, trước đó, trong những lần tác nghiệp ở một số địa phương của vùng đất Quân khu đóng chân, liên quan đến những câu chuyện tình yêu cảm động đi qua thời hoa lửa, tôi đã được biết đến chị như thể là ân nhân của rất nhiều thân nhân liệt sỹ.

 Trong căn nhà không quá rộng của chị nằm nép bên nách bảo tàng Quân khu (số 68 Cù Chính Lan, khối 7 phường Trung Đô, TP.Vinh, Nghệ An), chị dành hẳn một tầng để lập bàn thờ liệt sỹ và cất giấu những kỷ vật, những cuốn sách và hơn bao giờ hết là hàng ngàn bức thư từ khắp nơi của mọi miền đất nước gửi về.

Những cánh thư thể hiện lòng biết ơn, tri ân cũng nhiều, nhờ chị tìm mộ liệt sỹ cũng không phải là ít mà đơn thuần chỉ là lòng ngưỡng mộ việc làm thầm lặng của chị cũng nhiều vô kể. Tất thảy đều được chị nâng niu, trân trọng và giữ cất như báu vật cuộc đời.

Tri ân

Thượng tá Nguyễn Thị Tiến - sinh năm 1955 ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc  (Nghệ An). Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, chị về giảng dạy tại Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Năm 1984, chị chuyển về làm cán bộ thuyết minh của Bảo tàng Quân khu IV với nhiệm vụ chính là thuyết minh, thỉnh thoảng đi sưu tầm hiện vật.

Chị nhiều lần chứng kiến cảnh đưa được các liệt sĩ về tổ quốc nhưng không làm sao biết được tên tuổi, địa chỉ các anh nên ý nghĩ đi tìm di vật và xác định tên tuổi, địa chỉ các liệt sĩ vô danh đã hình thành từ đó. Đồng cảm trước nỗi đau của thân nhân những liệt sĩ chưa tìm được hài cốt của con em mình, chị Tiến xin phép cơ quan đi theo các đội quy tập hài cốt liệt sĩ, sưu tập những di vật, vừa để giáo dục truyền thống, vừa hy vọng qua các di vật còn lại của liệt sĩ có thể tìm lại tên tuổi, quê hương của họ.

Chị lặn lội khắp các chiến trường xưa để lần tìm và xin cất giữ các di vật, để đem về xác minh. Với việc làm thầm lặng ấy, chị đã tìm thấy hàng trăm di vật, từ cái cối giã trầu bằng vỏ đạn, chiếc lược nhôm, cặp tóc, vòng tay đến những tấm ảnh, bút mực… mỗi di vật là một câu chuyện cảm động về con tìm cha, em tìm anh, vợ tìm chồng và cả người yêu tìm người yêu. Mỗi câu chuyện là một nỗi đau riêng, không dễ gì bôi xóa.

Tất cả được chị tập trung nghiên cứu trong đề tài khoa học mang tên "Góp phần xác định liệt sĩ chưa biết tên và công tác bảo tồn trưng bày di vật", được giải A cấp quân khu. Hơn 10 năm nay, chị đã góp phần trả lại tên cho hàng trăm liệt sĩ nhờ cách làm ấy và nhờ những di vật ấy.

Chuyến đi tìm di vật đầu tiên của chị là ngày 13/1/2000, khi ấy, nhận được tin đoàn quy tập Bộ chỉ huy Quân sự Quảng Bình chuyển hài cốt quân tình nguyện Việt Nam từ Khăm Muộn (Lào) về nghĩa trang Ba Dốc. Chị lập tức xin nghỉ bắt xe theo.

Chị cho tôi xem tấm ảnh được thấy trong hài cốt chỉ có tên là Bùi Danh Hương, đó là một chiếc gương soi cỡ 5x8 cm, mặt sau gương là một tấm kính cả hai ép vào nhau, ở giữa có một chiếc ảnh đen trắng cỡ 3x4 chụp một bà mẹ già khoảng 50 tuổi, đầu chít khăn vấn tròn. Không nhìn rõ mặt vì vết máu khô loang lổ.

Chị Tiến nhớ lại, khi thấy tấm ảnh trong hài cốt, tất cả đều đoán người trong ảnh là mẹ liệt sĩ. Chị đã phải thuyết phục mãi mới mang được tấm ảnh về để phục dựng lại với tâm niệm, rằng biết đâu tấm ảnh này sẽ đưa anh về với mẹ.
Sau khi tấm ảnh được đăng trên một số phương tiện truyền thông thì 10 tháng sau, nhận được tin của người nhà liệt sĩ Bùi Danh Hương rằng mẹ Diệp, người trong ảnh là mẫu thân liệt sĩ vẫn còn sống tại xã Thanh Long, tỉnh Hưng Yên. Chuyến đưa hài cốt liệt sĩ Hương về với mẹ là một kỷ niệm suốt đời chị không bao giờ quên.
d
Đời thường của chị Nguyễn Thị Tiến.

Mẹ Diệp đã 94 tuổi, tai điếc nhưng linh cảm về đứa con trai bé bỏng thì còn vẫn còn nguyên. Mẹ cứ ôm bức ảnh của mình lấm lem cùng máu khô của con trai mà không nói nên lời. sau bận ấy, mẹ Diệp đã được phong Mẹ Việt Nam anh hùng. Còn thượng tá Nguyễn Thị Tiến tiếp tục tất tả vào Nam ra Bắc để làm công việc thầm lặng của mình, ấy là trả lại tên cho liệt sỹ vô danh.
s
Chị Nguyễn Thị Tiến cùng đồng đội trong một chuyến công tác (Ảnh nhân vật cung cấp).

Với hàng trăm thân nhân tìm lại được con, em mình, Nguyễn Thị Tiến đã được nhà báo Tạ Bích Loan mời tham gia chương trình “Người đương thời” vào cuối năm 2000. Sau chương trình đầu tiên được phát sóng, sức lan tỏa mạnh mẽ đến độ hai năm tiếp theo sau đó, năm nào chị cũng lên sóng VTV ở chương trình này và cho đến nay, chị là người duy nhất giữ được kỷ lục này của “Người đương thời”.


Trong hàng trăm những câu chuyện, những thân nhân liệt sỹ mà chị Nguyễn Thị Tiến đã gặp, đã chứng kiến, có một câu chuyện vô cùng xúc động về tình cảm gia đình khiến cho chị đến bây giờ vẫn còn nhớ mãi. Ấy là vào một buổi sáng, có người thanh niên tên Trần Văn Sơn đến gặp chị lúc bấy giờ đang là  phó giám đốc Bảo tàng Quân khu IV.

Anh này tự xưng là con trai liệt sĩ Trần Văn Bàn ở thị trấn Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Trong câu chuyện đẫm nước mắt, anh này nức nở kể lại, cha anh tập kết ra Bắc và cưới mẹ. Ở với nhau được một năm thì cha vào Nam chiến đấu rồi hi sinh. Đau xót hơn khi mà một năm sau đó, mẹ anh cũng bỏ anh để theo cha về nơi chín suối. Lớn lên, dầu không biết mặt cha mẹ nhưng với tất cả lòng khâm phục, anh quyết tâm đi tìm mộ cha và suốt mấy chục năm qua, từ Nam chí Bắc, ở đâu có nghĩa trang liệt sĩ, ở đó có dấu chân anh.

Di vật duy nhất mà cha anh để lại là cuốn sổ đảng viên đã úa vàng. Cảm phục trước tấm lòng có hiếu của Trần Văn Sơn, chị Nguyễn Thị Tiến đã nhận tìm giúp mộ cho cha anh nhưng thông tin cũng rất mờ mịt khi mà trên cuốn sổ ấy, chỉ chỉ thấy hy vọng duy nhất ở con số 812 ghi ở trang cuối. Quá trình tìm hiểu, chị biết được đó là ký hiệu của trung đoàn 812. Mừng rỡ, chị tìm cách liên lạc và may mắn thay đã gặp được thiếu tướng Nguyễn Minh Long, nguyên trung đoàn trưởng trung đoàn 812. Biết được tâm nguyện của chị, các cựu chiến binh trung đoàn 812 đã ngay lập tức hội ngộ và sau hàng loạt ký ức vụn được chắp vá, cuối cùng, địa danh huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã được khẳng định.

 Lại ngược trở lại vào Nam, chị cùng đồng đội tìm về Hải Lăng, sau rất nhiều ngày lần tìm manh mối, may mắn chị đã gặp được những người đã từng chôn cất và chăm sóc liệt sỹ Trần Văn Bàn. Vậy là, hơn 15 năm ròng rã, người con có tấm lòng hiếm có ấy đã tìm được người cha đáng kính của mình. Nhìn hình ảnh anh Trần Văn Sơn cởi chiếc áo đang mặc, trải rộng ra rồi xếp hài cốt cha vào như thể đang dang rộng vòng tay ôm ông mãi khiến ai cũng lặng người đi vì xúc động.

s
Người đương thời Nguyễn Thị Tiến (Ảnh nhân vật cung cấp)

Một câu chuyện khác, đó là trường hợp một hài cốt liệt sỹ nhưng có nhiều gia đình đến nhận, và trong nỗi đau, sự hy vọng lẫn thất vọng đan xen, những con người ấy đã san sẻ cho nhau, cùng chung nhau nhận một ngôi mộ làm cho ai chứng kiến cũng không cầm được nước mắt xúc động. Câu chuyện về liệt sĩ Ngô Khổng Minh (hi sinh tại bản Bua La Pha, Khăm Muộn, Lào) là một kỷ niệm đầy xúc cảm như thế.

Mấu chốt của câu chuyện bắt nguồn từ chữ viết trên di vật liệt sĩ là Hzo.K Muhx, viết theo phiên âm tiếng Nga, dịch ra tiếng Việt là Ngô K.Minh. Khi mới công bố, một cựu chiến binh tên Ngô Văn Thưởng (Diễn Châu) đến xin nhận.

Ông là cháu ruột của liệt sĩ Ngô Khắc Minh. Nhưng ông Thưởng chỉ giữ được có mỗi chiếc Huân chương chống Mỹ nên không có căn cứ để tìm đơn vị. Một gia đình ở Thanh Chương tìm liệt sĩ Ngô Khổng Minh, có đầy đủ giấy tờ, nhất là giấy báo tử có tên đơn vị sư đoàn 968 cũng tìm đến.

Cầm tờ giấy báo tử này, Chị Tiến vào ngay sư đoàn 968 (Quảng Trị) để xác minh và đúng là có liệt sĩ Ngô Khổng Minh, hi sinh tại bản Bua La Pha! Trong lúc mọi người chưa kịp bàn giao hài cốt liệt sỹ cho gia đình Ngô Khổng Minh thì bất ngờ, ông Ngô Văn Thưởng ở Diễn Châu tiến vào nấc nghẹn, hai tay ôm lấy mặt quệt nước mắt thổn thức: “Hay là các ông các bà cho tôi một nửa...”. Không ai cầm lòng được trước lời đề nghị quá đột ngột, bất ngờ này. Mãi sau mọi người hiểu, “một nửa” mà ông Thưởng muốn xin là ông muốn trên bia mộ chỉ khắc chữ “Liệt sĩ Ngô K. Minh”. Để đến ngày giỗ liệt sĩ Ngô Khắc Minh thì ông ra mộ này thắp hương, thăm viếng. Thêm một bất ngờ nữa là gia đình liệt sĩ Ngô Khổng Minh đã đồng ý với đề nghị của người cựu binh đau đáu nỗi niềm với người đã khuất nọ.

Mới đây nhất là việc chị Nguyễn Thị Tiến đã giúp ông Nguyễn Phi Long 98 tuổi ở Yên Bái vào tìm em trai là liệt sỹ Nguyễn Văn Khá, hy sinh năm 1955 ở miền Tây xứ Nghệ, nếu tính ngày sinh thì năm nay đã 86 tuổi. Với những thông tin ít ỏi ghi trong giấy báo tử là trung đoàn 80 thượng Lào, chị đã tìm đến hậu cứ trung đoàn này đóng ở Nghĩa Đàn và qua lần tìm nhân chứng, phần mộ của liệt sỹ Nguyễn Văn Khá đã được tìm thấy.

Chưa dừng lại ở đó, thượng tá Nguyễn Thị Tiến còn can thiệp đến tỉnh đội Vĩnh Phúc, Quân khu II và Cục Chính sách Bộ Quốc phòng để làm chế độ công nhận liệt sỹ đã ngã xuống sau gần 50 năm vì tổ quốc này. Thượng tá Nguyễn Thị Tiến chia sẻ, với chị, việc trả lại tên cho liệt sỹ vô danh xuất phát từ tâm, và mặc dù không còn công tác ở Quân khu nữa nhưng ngày ngày chị vẫn lặng thầm, cần mẫn đi tìm tên cho đồng đội như thể, với chỉ đó là mệnh lệnh duy nhất của trái tim.

 Tĩnh Nhi
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc