3 ĐIỀU KHÔNG HỎI:
1. Không hỏi những điều bí mật của người khác
Ta có thể thấy trong một cuộc nói chuyện, nếu một người gặp phải một câu hỏi “khó”, chắc chắn họ sẽ tìm cách chuyển chủ đề. Người khôn ngoan thường sẽ tinh ý nhận ra được điều đó và cùng hợp tác để cho qua câu chuyện.
Tuy nhiên có một số người không biết giữ ý tứ mà hỏi vồ vập, khiến người đối diện rơi vào trạng thái khó xử, không thoải mái. Đừng hỏi những điều người khác không muốn chia sẻ, đó là cách làm của người thông minh. Biết quá nhiều điều về người khác không phải là điều tốt, hãy nhớ lấy điều này để trở thành một con người văn minh, lịch sự.
2. Không hỏi những chuyện không liên quan về bản thân
Tò mò tuy không xấu nhưng đừng tò mò về chuyện không liên quan đến mình. Điều này sẽ chỉ làm lãng phí thời gian của bạn khi mải mê nghe những điều vô bổ thay vì tập trung cho bản thân. Đó cũng là lý do những người thành đạt thường bỏ ngoài tai những lời đồn đoán, đàm tiếu sau lưng mà tập trung cho công việc. Họ nhận thức được thời gian là vàng bạc, nhiều chuyện về đời tư của người khác cũng không giúp họ khá lên, nên họ chọn cách mặc kệ tất cả.
3. Không hỏi nếu biết rằng bạn sẽ không nhận được câu trả lời
Có những người ngộ nghĩnh đến mức dù biết chắc rằng câu hỏi của mình sẽ mãi không có ai hồi đáp nhưng họ vẫn cứng đầu lặp đi lặp lại những câu hỏi vô ích đó. “Khi nào tôi mới giàu được như họ? Đến bao giờ tôi mới thoát khỏi hoàn cảnh hiện tại?”. Đây là những câu hỏi kể cả bậc vĩ nhân cũng khó mà trả lời giúp bạn. Thay vì lãng phí thời gian cho những câu hỏi vô nghĩa, hãy tập trung nhìn nhận lại vấn đề và tìm ra hướng giải quyết cho chính bạn.
4 ĐIỀU KHÔNG NÓI:
1. Điều thầm kín trong lòng
Có một lời khuyên như thế này: Hãy giữ 30% cảm giác thần bí về con người bạn. Đừng bao giờ thể hiện hết 100% con người của mình với người khác bởi khi không còn gì bí ẩn về bản thân, bạn sẽ trở nên không còn cuốn hút như ban đầu nữa. Đây không phải là chiêu trò cũng chẳng có gì xấu, làm như vậy sẽ khiến người khác tò mò về con người của bạn hơn.
Mỗi người đều có sự riêng tư nhất định, đừng dại dột mà thổ lộ hết lòng mình cho người khác bởi bạn chẳng thể biết được ai thật sự là người tốt. Họ có thể giả vờ đồng cảm với bạn trước mặt nhưng sau lưng thì chê cười nhạo báng. Vậy nên dù là trong một mối quan hệ thân thiết cũng cần có ranh giới riêng, biết đâu là điều nên nói, đâu là điều nên giữ cho bản thân mình.
2. Lời phàn nàn
Có một sự thật hiển nhiên là những kẻ luôn tỏ thái độ không hài lòng với cuộc sống, liên tục phàn nàn về số phận, về hoàn cảnh... thường không có lấy một người bạn. Vì khi họ phàn nàn quá nhiều, những người xung quanh đều cảm thấy khó chịu, phiền hà, mệt mỏi. Lâu dần, mọi người sẽ dần xa lánh, hạn chế giao tiếp cùng họ.
Nhớ rằng, phàn nàn là điều vô ích, nó chỉ khiến bạn ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Người khôn ngoan họ sẽ chọn cách nhìn nhận mọi thứ với cái nhìn cởi mở, tích cực thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho số phận.
3. Lời khoe khoang
Những người càng đạt được nhiều thành tựu càng ít nói về sự giàu có, tài trí của bản thân. Quá phô trương sẽ chỉ đem lại sự đố kỵ ghen ghét nên họ chọn cách giữ kín để bảo vệ chính mình.
4. Lời khoác lác
Xung quanh chúng ta có không ít những người dù biết rằng bản thân kém cỏi nhưng lại luôn thích khoe khoang, phóng đại về năng lực của bản thân. Họ dùng những lời nói dối, lời hứa hẹn để lấy lòng tin từ mọi người. Cây kim trong bọc có ngày cũng lòi ra, một ngày nào đó sự khoác lác của họ sớm muộn sẽ bị phát hiện và chê cười.
Người thông minh, họ không cần thể hiện bởi năng lực, khí chất hơn người và thành công của họ sẽ chứng minh tất cả. Đó là lý do khi một người thông minh đứng cạnh một người kém cỏi, bạn sẽ nhận thấy ngay sự khác biệt.
Kết: “Người biết ít thường nói nhiều, trong khi người biết nhiều thường nói ít.” – Jean Jacques Rousseau. Tôi khuyên rằng, nếu vẫn chưa thực sự tài giỏi, hãy lặng lẽ học tập để thay đổi bản thân. Đến khi bạn có đủ tri thức, bạn sẽ nhận ra được tầm quan trọng của sự im lặng.