Người phụ nữ chán chồng,bỏ con đi làm... gái bán dâm

06:12, Thứ sáu 13/07/2012

( PHUNUTODAY ) - Thấy đồng tiền kiếm được từ chốn nhơ nhuốc ấy quá dễ dàng, cô đánh liều rủ thêm cả em gái lao vào nghề mại dâm những mong kiếm được nhiều tiền.

Nhà nghèo nên Mừng không được đi học, một chữ bẻ đôi cũng chẳng biết. Sinh con ra, người mẹ ấy không biết cách tính tuổi con, chẳng thể viết được tên con vào tờ giấy khai sinh. Cái nghèo cộng thêm những ẩn ức bởi người chồng phụ bạc đã đẩy Mừng đến với nghề “buôn phấn bán hương” nhục nhã.
[links()]
 Thấy đồng tiền kiếm được từ chốn nhơ nhuốc ấy quá dễ dàng, cô đánh liều rủ thêm cả em gái lao vào nghề mại dâm những mong kiếm được nhiều tiền. Hai chị em Mừng đã bị công an bắt quả tang trong một lần truy quét mại dâm và phải vào trại phục hồi nhân phẩm. Những ngày tháng được giáo dục, cải tạo ấy đã giúp 2 cô gái quê hiểu ra lẽ sống ở đời.

Cuộc hôn nhân cay đắng

Chúng tôi gặp Nguyễn Thị Mừng (SN 1983) và cô em gái là Nguyễn Thị Hân (SN1989, quê ở Tam Dương – Vĩnh Phúc) tại trường Giáo dục Lao động Thanh Xuân – Hải Phòng khi 2 cô gái vừa kết thúc giờ lao động buổi chiều. Không khó để nhận ra, hai cô gái này là con nhà lao động chân tay bởi sự lam lũ toát lên từ dáng vẻ bề ngoài của họ.

 Cô chị tên Mừng có thân hình ục ịch, nước da ngăm đen và lối giao tiếp nhát gừng. Trái lại, cô em gái tên Hân có dáng vóc mảnh dẻ, nước da trắng mịn và có tài ăn nói hoạt bát. Sự đối lập của 2 chị em ruột khiến bất cứ ai nếu không được giới thiệu trước sẽ chẳng thể nhận ra họ cùng một bố, một mẹ sinh ra.

Ý thức được công việc nhơ nhuốc mà bản thân hai cô đã dấn thân vào nên khi thấy chúng tôi đề cập đến hoạt động mại dâm, cả hai cúi gằm mặt, lảng tránh ánh nhìn. Ở môi trường giáo dục khác, có lẽ việc 2 chị em ruột cùng học chung 1 trường sẽ là niềm hạnh phúc cho chính họ và bố mẹ, người thân.

Thế nhưng, ở chốn chỉ dành giáo dục nhân phẩm cho những cô gái “buôn phấn bán hương” này, việc có mặt của cả 2 chị em gái ruột chẳng lấy gì làm hãnh diện, đó thực sự là sự hổ thẹn của chính họ và của gia đình họ. Dù rằng, như cô chị thừa nhận: “Ở đây em nhớ nhà lắm, có chị có em cũng đỡ hơn, nhưng…”.

Mừng bỏ lửng câu nói, hít một hơi căng tràn lồng ngực như để lấy thêm dũng cảm nhìn nhận lại lỗi lầm và bắt đầu kể ngắt quãng về những thăng trầm đời mình.

Mừng là con cả trong gia đình có 4 anh chị em. Dưới Mừng là 1 cô em gái khác, rồi mới đến Hân và cậu em út. Mọi chi tiêu trong gia đình Mừng chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng mà bố mẹ được giao khoán. Mừng ngại ngùng thừa nhận: “Em không được đi học, không biết chữ đâu…”.

Ngày còn nhỏ, vì là chị cả nên Mừng phải lo giúp mẹ trông em và làm những công việc lặt vặt ở nhà. Ngày qua ngày, cả khi đến tuổi đi học, bố mẹ Mừng vẫn mải miết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, “quên” cả việc lo cho con gái đến lớp. Rồi cái nghèo vẫn cứ đeo bám, Mừng thất học, ở nhà làm ruộng như một sự tất yếu. Mừng bảo: “Bù lại, các em của em đều được đi học, ít nhất là biết chữ chứ không như em”.

 Rồi khi đã thành thiếu nữ, tuổi mười tám đôi mươi, như bao gái quê cùng trang lứa, Mừng đã yêu một anh trai làng hơn cô 1 tuổi và nhanh chóng kết hôn. Lấy chồng, được nhà chồng tạo điều kiện, cho ít đất và làm cho căn nhà tạm, đôi vợ chồng trẻ ra ở riêng.

Năm Mừng 25 tuổi, cô mang thai đứa con trai đầu lòng. Nhưng trớ trêu thay, thời điểm cô mang thai, gã chồng bỗng thay lòng đổi dạ, chán vợ chán con. Anh chồng bỏ vào tận miền Nam, nói là đi làm thợ mộc nhưng thực chất là muốn rũ bỏ gánh nặng đeo bám nơi quê nhà.

 Tủi phận, một thân một mình với cái bụng ngày càng lùm lùm, Mừng đành về nhà mẹ đẻ chờ sinh nở. Hỏi thăm Mừng về cậu con trai nhỏ, cô cũng chẳng nhớ nổi ngày sinh bởi không biết chữ, chẳng biết cách tính tuổi con. May có cô em gái ngồi bên “nhắc bài”, Mừng mới nhớ ra.

Giờ con trai Mừng đã 4 tuổi và đang ở cùng ông bà ngoại. Hỏi lý do của sự rạn nứt tình cảm vợ chồng, Mừng thật thà: “Em cũng chẳng biết được. Cãi nhau, đánh nhau nên bỏ đi thôi…”. Mừng bảo, cô biết tin chồng cô đã chung sống với người đàn bà khác, dù về mặt giấy tờ thủ tục, anh ta chưa chấm dứt cuộc hôn nhân với cô.

Hận chồng bội bạc lại thêm gia cảnh khốn khó nên khi nghe chúng bạn rủ rê đến đất Hải Phòng để làm giúp việc, lương tháng vài triệu bạc, Mừng như kẻ “chết đuối vớ được cọc”, bỏ lại đứa con thơ cho cha mẹ già chăm sóc, cô háo hức tìm đến chốn phồn hoa đô thị những mong kiếm được vài triệu mỗi tháng để gửi về nuôi con.

Thế nhưng, khi đến nơi, cô mới cay đắng nhận ra rằng, đồng tiền không dễ kiếm như cái cách mà chúng bạn cô đã “vẽ” ra.

Rồi Mừng thấy mấy cô bạn đồng hương có chút tiền rủng rỉnh, lại chẳng phải bươn trải nắng nôi như ngày còn làm ruộng nên tò mò, học hỏi. Cô chấp nhận bán thân nuôi miệng bằng nhận thức ngô nghê: chẳng mất vốn liếng gì, lại kiếm được nhiều tiền hơn những công việc cô đã từng làm.

Mừng được bạn bè giới thiệu vào làm tiếp viên trong nhà nghỉ Phúc Quỳnh trên đường Nguyễn Văn Linh – Hải Phòng. Cô được chủ nhà nghỉ nuôi ăn ở ngay tại đó và phục vụ khách khi được gọi.

Người phụ nữ chán chồng, bỏ con đi làm... gái bán dâm
Người phụ nữ chán chồng, bỏ con đi làm... gái bán dâm


Giá mỗi “cuốc” bán thân của Mừng là 200 nghìn đồng nhưng cô chỉ nhận được một nửa, số còn lại phải nộp lại cho chủ. Thi thoảng có vị khách hào phóng “bo” thêm vài đồng, số tiền ấy Mừng cất giữ cẩn thận để dành gửi về quê.

Nhưng rồi, Mừng hành nghề chưa được bao lâu thì bị công an bắt quả tang trong một đợt truy quét gái bán dâm trên địa bàn.

Mừng cùng cô em gái tên Hân bị buộc phải vào trại phục hồi nhân phẩm. Hỏi về người chồng, Mừng nghĩ rằng anh ta chẳng biết chuyện nhơ nhuốc cô đã làm vì ở tít trời Nam. Nhưng bản thân cô cũng chẳng biết còn có cơ hội quay lại với người chồng ấy nữa không, bởi đến vài năm nay họ chẳng còn liên lạc gì.

Và dù chồng Mừng chưa biết chuyện cô đi làm gái bán dâm nhưng ở quê Mừng, gia đình và có thể những người hàng xóm đã biết chuyện chị em cô bị bắt, tránh sao được điều tiếng đến tai bố mẹ và họ hàng bên chồng. Mừng bảo, sau này khi ra khỏi trại, cô sẽ về phụ mẹ làm ruộng, còn tương lai cuộc sống gia đình, cô chẳng dám hy vọng nhiều.

Em gái theo gót chị đi bán dâm

Từ ngày Mừng “đi làm” xa, bố mẹ ở quê cũng nhận được thêm ít tiền, gia đình có đồng ra đồng vào nên cuộc sống của 6 miệng ăn cũng “dễ thở” ít nhiều. Các em của Mừng dù may mắn hơn cô, được đi học nhưng chúng cũng chẳng học đến nơi đến chốn.

Cô con gái thứ ba trong nhà ấy chật vật mãi cũng chỉ học hết lớp 9 rồi nghỉ. Hân nghỉ học gần chục năm nay, quanh quẩn ở nhà giúp bố mẹ công việc đồng áng. Thấy chị cả gửi con cho ông bà ngoại để đi làm ăn xa, mỗi tháng cũng kiếm được ít tiền gửi về, Hân lấy đó làm ao ước lắm.

Con gái mới lớn, Hân cũng muốn có chút tiền, gọi là vốn liếng phòng thân để sau này lấy chồng nên nhất quyết xin bố mẹ đi làm xa như chị Mừng.

Bố mẹ Hân vốn chỉ lam lũ, quanh năm ngày tháng không ra khỏi lũy tre làng, đâu thể hình dung hết những cạm bẫy ở đời. Họ đồng ý để đứa con gái thứ ba rời quê đến phố, những mong con sẽ kiếm được việc làm nhàn nhã hơn, có thu nhập hơn, nhưng đâu ngờ đến một ngày, họ nhận được hung tin con gái làm cái nghề “buôn hương bán phấn” nhơ nhuốc ấy.

Hân đến Hải Phòng và nhanh chóng theo chân Mừng làm tiếp viên tại nhà nghỉ Phúc Quỳnh. Dù dấn thân sau cô chị nhưng với tài ăn nói linh hoạt, Hân thường được khách “bo” “sộp” hơn. Tôi hỏi về số tiền mỗi đêm Hân kiếm được bằng việc bán thân ấy, cô im lặng, cúi đầu.

 Chừng một lát, thấy tôi kiên nhẫn chờ đợi nghe câu trả lời, Hân bảo: “Em chẳng muốn nhắc đến nữa. Ra khỏi đây em sẽ làm lại cuộc đời. Cũng vì nhà nghèo quá nên em chấp nhận làm cái nghề này. Nhưng tiền kiếm được để gửi về gia đình cũng thất thường lắm…”.

Tuy Hân chẳng nói ra số lần cô phải tiếp khách mỗi đêm nhưng chắc hẳn đó là số nhiều bởi chẳng 1 chủ chứa nào không tận dụng, khai thác tối đa vốn tự có của những cô thôn nữ như Hân. Tôi thoáng rùng mình khi nghĩ đến nguy cơ lây nhiễm bệnh xã hội của những cô gái như Mừng, như Hân.

Dường như đoán được suy nghĩ của tôi, Hân nhanh nhảu thanh minh: “Em không bị nhiễm H đâu chị. Mỗi lần đi khách em đều bắt họ phải dùng bao cao su. Em cũng sợ bệnh tật lắm!” Tôi hỏi sao biết sợ còn chấp nhận làm việc đó, Hân không trả lời mà lảng sang chuyện khác: “Còn 3 tháng nữa chị em em được ra trại. Chúng em sẽ về quê thôi…”.

Hỏi Hân về mẹ, cô tỏ ra buồn rầu. Hân kể, từ ngày cả hai chị em vào trại giáo dục nhân phẩm này, mẹ cô đã đôi lần lặn lội từ quê ra thăm. Biết chuyện nhục nhã, mẹ hai cô gái ấy chỉ biết khóc và trách giận con. Nhưng tấm lòng người mẹ nào chả thương con, sau những phút mắng con như thế, người đàn bà bất hạnh lại cố tìm lời khuyên giải, động viên các con học tập, cải tạo tốt để sớm trở về.

Những lần hiếm hoi được gặp mẹ trong gần một năm qua là động lực để chị em Hân mong mỏi ngày làm lại cuộc đời sau những dại dột của tuổi trẻ. Hân bảo, cô không ngừng hy vọng sẽ gặp được người đàn ông biết cảm thông, chia sẻ để cô có cơ hội vun vén 1 gia đình nhỏ cho riêng mình.

Dẫu biết rằng, những cô gái bán dâm thường bao biện cho hành vi tội lỗi của mình bằng những câu chuyện gia đình thương tâm, cảm động, nhưng câu chuyện của chị em Mừng vẫn khiến tôi tin, đó là chia sẻ thực lòng. Bởi, dù Mừng giao tiếp nhát gừng, cục mịch hay Hân linh hoạt, khôn khéo hơn nhưng ánh nhìn của họ vẫn toát lên vẻ thật thà vốn có của những cô thôn nữ quê mùa.
 

  • Tuệ Nhi
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc