Người thầy mang hội họa và võ thuật lên vùng sơn cước

06:38, Thứ sáu 16/11/2012

( PHUNUTODAY ) - Anh chia sẻ: “Chúng tôi chỉ là một võ đường nhỏ, thiếu thốn. Nhưng tôi rất tự hào vì những gì mà môn sinh của võ đường làm được. Chúng tôi đang trên đường khôi phục, giữ gìn và phát huy tinh hoa dòng võ cổ truyền của dân tộc..."

34 tuổi, hiện đang là giáo viên dạy Mỹ thuật tại trường cấp 2 Vân Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Dù là giáo viên dạy Họa, nhưng Nguyễn Chí Hướng lại mê võ thuật. Từ nhỏ đến khi trưởng thành theo nghiệp gõ đầu trẻ, anh vẫn không ngừng rèn luyện, hun đúc cho mình niềm đam mê với võ thuật dân tộc.

[links()]

“Đạo học võ và đạo làm thầy đều lấy cái tâm là gốc”, mang tâm niệm đó nên suốt những năm qua, người thầy giáo trẻ đã mang những mảng màu, hình khối và kiến thức võ thuật đi khắp các điểm trường của huyện Sơn Động, Bắc Giang, đem tình yêu nghệ thuật cũng như tinh hoa võ thuật cổ truyền Việt Nam đến với những đứa trẻ quanh năm sống nơi miền sơn cước khó khăn, thiếu thốn…

Người thầy truyền đam mê hội họa cho trẻ em miền sơn cước

Thủa nhỏ, gia đình nghèo lại đông anh em nên cậu bé Hướng thường hay tha thẩn đi chơi lang thang chỗ này chỗ khác. Vùng quê nơi cậu sinh sống có khá nhiều người học võ, nên cứ tối tối cậu bé Hướng lại chạy ra sân đình xem mọi người luyện tập.

Những thế võ, các đòn tấn công uyển chuyển nhưng mạnh mẽ, đầy uy lực như trong phim, trong truyện khiến cậu mê mẩn đến mức đêm nằm ngủ cũng mê mình đang múa võ, đi quyền. Ngày cắp sách đến trường, tối đến cậu lại ra sân đình “học lén” và luyện tập.

Thầy giáo Nguyễn Chí Hướng
Thầy giáo Nguyễn Chí Hướng

Sẵn có năng khiếu vẽ cộng thêm hoàn cảnh gia đình nên Hướng quyết tâm thi vào sư phạm. Năm 1999, sau khi học xong hệ Trung cấp Mỹ thuật tại trường Cao đẳng Sư phạm Ngô Gia Tự (Bắc Giang), thầy giáo trẻ được nhận về công tác tại một trường học ở miền xuôi.

Thế nhưng, Hướng lại xung phong lên dạy học ở huyện Sơn Động, cách nhà gần 80 km. Điều kiện đi lại, dạy học hết sức thiếu thốn và khó khăn, nhưng trong suốt thời gian công tác thầy giáo Hướng luôn giữ vững danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, được đồng nghiệp và học sinh yêu mến.

Năm 2002 anh xin về dạy tại trường cấp 2 Sơn Động. Anh Hướng nhớ lại: “Ngày đó môn Mỹ thuật gần như không có trong thời khoá biểu của học sinh, vì kiếm được giáo viên dạy rất khó. Nghe tin Huyện Sơn Động chưa có giáo viên, tôi xung phong lên dạy.

Lần đầu nhìn các em ngạc nhiên thích thú trước màu vẽ và những hình khối, tôi rất xúc động và nhủ lòng sẽ gắn bó với các em suốt đời”. Từ chỗ là “vùng trắng” về môn họa, hiện nay Sơn Động trở thành những huyện có nhiều học sinh tham gia các giải Mỹ thuật trong tỉnh.

Gần 10 năm gắn bó với các em, thành quả mà Nguyễn Chí Hướng đạt được đó là những lứa học sinh theo nghề thầy, trở thành những giáo viên dạy họa, trở về cùng anh tiếp tục truyền niềm đam mê nghệ thuật cho những em nhỏ miền sơn cước.

Từ hội hoạ đến võ thuật

Sau một ngày bận rộn với công việc, anh lại một mình ôn luyện những bài võ đã theo anh từ thủa thiếu thời.

Năm 2001, anh nghe tin trên địa bàn xã An Bá có một võ sư tên Hứa Văn Dín, võ thuật rất cao siêu, liền tìm đến để bái sư. Thế nhưng, phải đi tới lần thứ ba để thuyết phục thì anh mới được võ sư Dín chấp nhận với điều kiện, trong vòng 3 ngày anh phải học được chiêu thức khó nhất võ sư đưa ra.

Vốn sẵn sự nhanh nhẹn, lại tự học võ từ nhỏ, nên ngay buổi đầu tiên được thầy chỉ dẫn, anh đã luyện thành thục. Và từ hôm đó anh chính thức trở thành một võ sinh thực thụ.

Thầy Hướng cùng các môn sinh “Hướng Tâm Đường”
Thầy Hướng cùng các môn sinh “Hướng Tâm Đường”

Võ sư Dín nhớ lại: “Tôi thực sự rất bất ngờ khi Hướng có thể lĩnh hội nhanh như vậy. Cậu ấy học võ rất tự nhiên với một cái tâm trong sáng, một niềm đam mê cháy bỏng như vậy thì không có lý do để từ chối cậu ấy. Tôi đã rất vui khi nhận học trò tốt như Hướng”.

Ròng rã hơn 2 năm trời, ban ngày đứng lớp, tối đến anh lại qua sông An Châu sang nhà thầy Dín. Chăm chỉ luyện tập và tiếp thu rất nhanh nên anh tiến bộ lên trông thấy. Nhưng sau đó Hướng nhận được được quyết định đi học hệ tại chức đại học sư phạm tại trường Cao đẳng Ngô Gia Tự (Bắc Giang), buộc anh phải chia tay thầy Dín.

Tình cờ ở môi trường mới, anh được gặp võ sư Chu Văn Hà, một trong những võ sư nổi tiếng đất Bắc Giang. Vậy là, một lần nữa anh gặp thầy xin bái sư. Vừa học vừa đi làm thêm nên Hướng chỉ có thể đến học võ với thầy từ khoảng 4 – 6h sáng.

Anh chia sẻ: “Người chứ nào phải gỗ đá đâu nên lắm khi cũng mệt mỏi rã rời, nhưng đã đam mê rồi nên phải cố gắng. Tinh thần võ thuật cũng không cho phép võ sinh nản chí nên mình càng quyết tâm vượt qua mọi trở ngại để học võ”.

Chưa bằng lòng với những gì đã học được, lần thứ 3 anh đi bái sư. Đó là khi anh nghe tiếng võ sư Long nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên. Sắp xếp được tiền bạc, công việc, chàng giáo viên trẻ háo hức lên đường. Cảm động trước sự hiếu học và lòng nhiệt tình của anh với võ học, thầy Long đã truyền dạy cho anh những bí kíp võ học tinh túy chắt chiu cả cuộc đời.

Cho đến tận bây giờ, khi đã là thầy của rất nhiều thế hệ võ sinh, anh vẫn luôn ghi nhớ những bài học làm người, cách đối nhân xử thế và tình yêu thương con người mà các thầy đã dạy cho anh trong suốt quãng thời gian theo học võ thuật. Và nay, anh đang tiếp tục truyền dạy lại cho các lứa võ sinh mới tinh thần võ học cao thượng đó.

Thầy Hướng yêu trò bám bản, lại hăng say luyện tập võ đã gây sự chú ý của rất nhiều học sinh. Có em vì tò mò đến xem, có em thì vốn mê võ nên muốn qua nhà xin học. Thương các em học sinh ở vùng sâu vùng xa vốn đã không có điều kiện vui chơi giải trí như dưới xuôi nên anh đã quyết định dạy võ cho các em.

Anh bảo: “Bản thân tôi là nhà giáo nên tôi đều mong các em học được điều hay lẽ phải. Học võ cũng giúp cho các em có được tâm hồn trong sáng, thượng võ, yêu thương nhau hơn. Đó cũng là một cách để học đạo làm người”.

Vậy là sau giờ lên lớp, thầy và 20 võ sinh đầu tiên bắt đầu luyện tập trong khoảng sân nhỏ trước nhà. Bọn trẻ đi học võ rất chăm chỉ và ngày càng ngoan ngoãn, lễ phép nên các bậc phụ huynh rất yên tâm cho con em mình theo lớp.

Tiếng lành đồn xa, lớp học ngày một đông võ sinh. Để đáp ứng nguyện vọng theo học võ, anh quyết định thành lập võ đường “Hướng Tâm Đường” – nghĩa là cửa ngõ con đường đi đến cái tâm của mỗi con người.

Theo học võ đường, mỗi võ sinh phải luôn ghi nhớ mục đích lớn nhất là để rèn luyện sức khỏe, phát huy tinh hoa võ học dân tộc chứ không phải không biết phân biệt đúng sai, cậy mạnh hiếp yếu. Việc luyện tập võ sư Hướng cũng đòi hỏi rất khắt khe và nghiêm khắc.

Mỗi võ sinh nhập môn đều phải học tuần tự từ các động tác cơ bản như uốn dẻo, nhào lộn, các kỹ thuật ngã, bật phiên thân, bài tấn pháp với 12 thế tấn… rồi mới đến các bài quyền căn bản, “Thập bát la hán thủ”; “Di bộ tứ bình quyền”, “Bắc quyền” và các phần thủ pháp như gạt, đỡ, va tay, liên thủ...

Sau 3 năm luyện tập chăm chỉ, võ sinh có thể đánh võ thành thạo và có thể tham gia tranh tài tại các cuộc thi đấu võ. Anh Nguyễn Văn Mười, một phụ huynh học sinh cho biết: “Tôi có hai đứa con nhưng các cháu hay nghịch ngợm, ốm yếu, suốt ngày phải thuốc thang.

Từ khi đến học võ với thầy Hướng, các cháu khoẻ mạnh và ngoan hơn hẳn. Gia đình tôi cũng thấy yên tâm khi con được thầy dạy bảo tới nơi tới chốn và không phải lo lắng bởi những nguy cơ bạn bè xấu lôi kéo các cháu nữa”.

Trong quá trình dạy võ, anh luôn để ý lựa chọn và bồi dưỡng cho những võ sinh có tiềm năng, thành lập đội tuyển đại diện cho võ đường đi thi đấu, giao lưu với các võ đường nổi tiếng phía Bắc. Không phụ công thầy, trong những năm qua môn sinh của thầy đã liên tiếp mang về những tấm huy chương cao quý.

Năm 2008, môn sinh của anh đã giành 2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc tại Đại hội võ cổ truyền Hà Nội mở rộng. Năm 2009, các em giành được 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 2 huy chương đồng…

Đặc biệt trong dịp diễn ra đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, môn sinh “Hướng Tâm Đường” tranh tài với các làng võ trong cả nước đã xuất sắc mang về 5 huy chương vàng gồm bài “Long quyền” của thầy Hướng; “Thập Bát La Hán thủ" của tập thể 11 võ sinh; “Tiểu La Hán Quyền” của võ sinh nữ Luyện Thị Ngọc Châm; Quyền “Tay không với tay không” của 3 nam sinh.

Anh vui vẻ chia sẻ: “Chúng tôi chỉ là một võ đường nhỏ ở một huyện vùng cao nghèo khó, thiếu thốn. Nhưng tôi rất tự hào vì những gì mà môn sinh của võ đường đã làm được. Dưới chân núi Yên Tử đã từng có tồn tại một dòng võ Thiếu Lâm, nhưng thời gian đã làm mai một.

Chúng tôi đang trên đường khôi phục, giữ gìn và phát huy tinh hoa dòng võ cổ truyền của dân tộc. Điều này có ý nghĩa quan trọng hơn rất nhiều việc giành được những tấm huy chương”.

Anh cũng chia sẻ thêm về việc đề xuất với Phòng Giáo dục huyện Sơn Động đưa bộ môn võ học vào giảng dạy như một môn ngoại khóa trong các trường học để rèn luyện sức khỏe, dạy đạo làm người mà còn góp phần phát triển dòng võ trong tương lai.

Chia tay anh khi hoàng hôn đã tắt, tôi tin bằng lòng nhiệt huyết và đam mê của tuổi trẻ, một ngày không xa thầy giáo, võ sư trẻ Nguyễn Chí Hướng sẽ đưa võ đường ngày một phát triển, hưng thịnh và làm sống lại quá khứ hào hùng của dòng võ Thiếu Lâm nức tiếng ngày nào trong giới võ thuật cổ truyền của dân tộc Việt Nam, như anh mong muốn.

  • An Linh
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc