Vay tiền qua app lừa đảo, tín dụng đen có bị tính là nợ xấu không?
Khoản 8 Điều 3 Thông tư 11/2021 quy định, nợ xấu là nợ thuộc nhóm 3, 4 và 5. Cụ thể như sau:
- Nợ nhóm 3: Nợ quá hạn từ 91 - 180 ngày; nợ được miễn/giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi; nợ gia hạn lần đầu;…
- Nợ nhóm 4: Nợ quá hạn từ 181 - 360 ngày; nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần hai; nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra nhưng đến 60 ngày vẫn chưa thu hồi được….
- Nợ nhóm 5: Nợ quá hạn trên 360 ngày; nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 90 ngày trở lên;...
Theo đó, trường hợp vay tiền online qua các ngân hàng hoặc công ty tài chính thì thông tin về tình trạng nợ của khách hàng sẽ được các ngân hàng hoặc công ty tài chính này quản lý. Nếu thuộc nhóm nợ xấu thì khách hàng vẫn bị liệt kệ vào danh sách khách hàng nợ xấu trên hệ thống của Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam CIC.
Trường hợp vay tiền online qua các app không chính thống, các app lừa đảo vay tiền, các app núp bóng tín dụng đen... khi không trả nợ sẽ không tra ra lịch sử nợ xấu trên Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam CIC.
Không trả nợ tiền vay qua app bị xử phạt thế nào?
Vay tiền thực chất là giao dịch vay tài sản được ghi nhận tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, bên vay phải có nghĩa vụ hoàn trả đúng số lượng, chất lượng, lãi suất cho vay (nếu có thỏa thuận) khi đến hạn trả cho bên cho vay.
Vì vậy, dù thực hiện vay tiền trực tiếp hay vay tiền online thông qua các ứng dụng trên điện thoại, bên vay đều phải có nghĩa vụ trả đúng số tiền đã vay khi đến hạn trả.
Trường hợp "bùng nợ" khi vay tiền online qua các ứng dụng cũng bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Khi đó, người vay có thể bị xử lý hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với mức phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm tù.
Ở mức độ nhẹ, người vay có thể bị xử phạt hành chính, bị cho vào nhóm nợ xấu hoặc bị tính lãi chậm trả (nếu trước đó có thỏa thuận)...
Trường hợp cho vay với lãi xuất cao, vượt quá mức giới hạn cho phép hay sử dụng những hành vi đe dọa đòi nợ trái pháp luật, bên cho vay cũng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Hướng dẫn cách kiểm tra nợ xấu bằng CMND/CCCD nhanh nhất
Người dân có thể thực hiện tra cứu nợ xấu trực tuyến thông qua website của CIC hoặc ứng dụng CIC Credit Connect trên điện thoại.
Cách 1: Tra cứu qua website của CIC
Bước 1: Truy cập vào website của Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam CIC tại địa chỉ https://cic.gov.vn/
Bấm ô Đăng ký ở góc trên bên phải (nếu chưa có tài khoản).
Bước 2: Điền đầy đủ các thông tin cá nhân, bao gồm: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, số CMND/CCCD...
Lưu ý, với mục Ảnh CMND/CCCD, người dùng cần phải chụp đủ 3 bức ảnh bao gồm ảnh mặt trước, mặt sau và chân dung có kèm CMND/CCCD.
Bước 3: Sau khi điền đầy đủ thông tin và hoàn tất đăng ký, người dùng cần phải chờ vài ngày để CIC kiểm tra thông tin và xác thực tài khoản.
Bước 4: Xem báo cáo
Nếu tài khoản được phê duyệt, người dùng chỉ cần truy cập vào trang chủ của CIC, đăng nhập vào tài khoản đã được cấp.
Chọn Khai thác báo cáo trên thanh menu. Làm theo các bước hướng dẫn để tra cứu nợ xấu.
Cách 2. Tra cứu qua ứng dụng CIC Credit Connect trên điện thoại
Bước 1: Tải ứng dụng CIC Credit Connect thông qua App Store hoặc Google Play. Đăng ký một tài khoản (nếu chưa có).
Bước 2: Điền thông tin cá nhân để xác thực tài khoản, bao gồm họ tên, ảnh chụp CMND/CCCD…
Bước 3: Sau khi hoàn tất các bước trên, người dùng phải chờ vài ngày để CIC kiểm tra và phê duyệt. Thời gian chờ có thể kéo dài từ 1-3 ngày (không tính thứ 7, Chủ nhật và các ngày lễ).
Bước 4: Xem báo cáo
Khi đã được phê duyệt, người dùng truy cập vào mục Khai thác báo cáo, sau đó nhập lại mã OTP (được gửi về điện thoại) để xác thực lại.
Cách 3. Kiểm tra tại ngân hàng
Khi thực hiện giao dịch tại ngân hàng, người dân có thể hỏi các nhân viên ngân hàng về thông tin tín dụng của mình. Nhân viên ngân hàng sẽ giúp bạn kiểm tra vẫn đề này.