Theo đó, tuổi thọ bình quân người VN đã tăng thêm hơn 4 tuổi trong 10 năm qua, từ 69 tuổi năm 2002 lên hơn 73 tuổi năm 2012.
Đánh giá của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc cho biết, dự báo đến năm 2050 tuổi thọ bình quân người Việt sẽ đứng thứ ba khu vực Đông Nam Á, ở mức 80,4 tuổi (dẫn đầu là Singapore 84,1 tuổi và đứng thứ hai là Brunei 81,1 tuổi).
Theo Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tuổi thọ bình quân người Việt đã tăng trưởng nhanh hơn mức tăng chung của thế giới. Nếu như năm 1960, tuổi thọ bình quân người Việt là 40 tuổi (bình quân chung của thế giới là 48 tuổi) thì hiện tuổi thọ bình quân người Việt đã đạt hơn 73 tuổi ( và thế giới ở mức 69 tuổi).
Trong 10 năm vừa qua, tuổi thọ bình quân người VN đã tăng hơn 4 tuổi |
Quả là ngạc nhiên khi Việt Nam dù vẫn là nước kinh tế kém phát triển, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, khoa học, y tế chưa có nhiều thành tựu mang tầm quốc tế và khu vực lại có mức tăng trưởng về tuổi thọ trung bình đáng ghi nhận đến vậy.
Ấy thế mà vẫn có những người cho rằng nếu chỉ dùng từ 'ngạc nhiên' để diễn tả thành công lớn của nước ta trong việc tăng tuổi thọ thì chưa hẳn đã chính xác, thay vào đó phải là từ 'thán phục' hoặc như câu quảng cáo đã thành câu cửa miệng: Ngạc nhiên chưa....!
Làm sao có thể không thán phục khi người Việt Nam bị bủa vây bởi mê hồn trận các loại thực phẩm bẩn, độc. Tình trạng hiện nay của thực phẩm nước ta có thể nói là đụng đến đâu cũng thấy bẩn, soi đâu cũng thấy bẩn, độc y như các cụ nói bói ra ma quét nhà ra...rác, thế mà tuổi thọ vẫn tăng nhanh. Tài tình thế chứ lại!
Có lẽ không đâu như ở Việt Nam, thực phẩm bẩn tràn ngập thị trường, trở thành nỗi ám ảnh của người tiêu dùng. Trên thị trường Việt Nam đủ các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vứt đi vẫn đang tồn tại đầy rẫy ngoài chợ, thậm chí cả trong siêu thị: gà thải loại, trứng gà giả, trái cây, rau quả tẩm ướp hóa chất độc hại, gừng tỏi, gia vị, và thậm chí các loại phụ gia gây ung thư cũng được nhập về và bày bán khắp nơi.
Cục Bảo vệ thực vật đã công bố nho Trung Quốc chứa hóa chất vượt ngưỡng 3-5 lần, được bày bán tại Việt Nam dưới mác “nho Mỹ” để đánh lừa người tiêu dùng với giá 40.000-60.000 đồng nhưng giá gốc trên hóa đơn chỉ có 6.000 đồng/kg. Táo Trung Quốc được trồng bằng công nghệ bọc túi tẩm thuốc sâu độc hại. Lê Trung Quốc chứa thuốc trừ sâu Endosulfan có tính độc cao và có thể phá vỡ hệ nội tiết hoặc gây ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản của con người...
Vì lợi nhuận, người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm không chỉ nhập lậu thực phẩm không có xuất xứ, không an toàn mà còn lạm dụng các loại hóa chất độc hại để nuôi, trồng, bảo quản, chế biến thực phẩm. Bẩn độc là thế nhưng người tiêu dùng Việt lại buộc phải chấp nhận bị “đầu độc” vì ít có lựa chọn khác.
Đang đau khổ vì buộc phải ăn bẩn, sau khi thành công về việc tăng tuổi thọ được công bố bỗng nhiên người Việt lại nhanh chóng đảo ngược tình thế sang lấy làm vinh dự vì được ăn bẩn nhé. Bởi ăn mãi mà có ai làm sao đâu, lại còn sống lâu hơn nữa chứ. Thế mới biết câu nói mà lâu này người Việt vẫn dùng để đùa vui, động viên nhau về cái sự bẩn độc của thực phẩm là 'ăn bẩn sống lâu' không phải là đùa nhé, giờ nó chính là chân lý của người Việt đấy.
Việt Nam vốn đã nổi tiếng là đất nước hạnh phúc khi người người lạc quan, nhà nhà hy vọng vào tương lai tươi sáng nay lại được biết thêm thông tin tuổi thọ tăng, người dân được sống lâu hơn, ăn nhiều hơn thì quả thật là hạnh phúc gấp bội.