1. Dấu hiệu dậy thì sớm của trẻ
Tuổi dậy thì thường bắt đầu ở trẻ em gái ở độ tuổi từ 8 và 12 và ở các bé trai ở độ tuổi từ 9 và 14. Tuổi dậy thì sớm là tuổi dậy thì bắt đầu trước 8 tuổi (đối với bé gái) và trước 9 tuổi (đối với bé traiTrẻ được coi là dậy thì sớm khi trẻ gái có bất cứ dấu hiệu nào của dậy thì như vú to ra, xuất hiện kinh nguyệt, mọc lông mu, … khi trẻ chưa đủ 8 tuổi và các dấu hiệu dậy thì xuất hiện ở bé trai khi bé chưa đủ 9 tuổi. Nhưng đôi khi vẫn có một số trường hợp đặc biệt bé vẫn bình thường.
Dậy thì sớm được chia thành 3 loại:
• Dậy thì sớm trung ương nghĩa là dậy thì trước 8 tuổi ở bé gái và dậy thì trước 9 tuổi ở bé trai. Trình tự xuất hiện các dấu hiệu dậy thì giống như ở các bé bình thường nhưng diễn ra sớm hơn vài năm so với các bé bình thường.
• Dậy thì sớm ngoại vi khi các dấu hiệu dậy thì xuất hiện sớm và rới rạc, không theo trình tự bình thường ví dụ như bé gái sẽ có kinh trước khi phát triển tuyến vú…
• Những biến thể của dậy thì lành tính như mọc lông sinh dục ở trẻ sơ sinh, chảy máu âm đạo, cương tuyến vú ở bé gái…
2. Nguyên nhân gây dậy thì sớm
- Béo phì: Dư thừa mỡ hoặc mô mỡ trong cơ thể làm thay đổi hàm lượng estrogen, insulin và leptin - điều này làm tăng nguy cơ dậy thì sớm. Cách tốt nhất để tránh béo phì là khuyến khích trẻ tăng cường các hoạt động ngoài trời ít nhất 3 lần mỗi tuần, 35 phút/lần
- Các hoá chất môi trường: BPA - một hóa chất được tìm thấy trong hộp nhựa, màng bọc thực phẩm, chất hàn răng, chai đựng nước và đồ chứa thực phẩm khác - có thể ngấm vào thực phẩm và gây tàn phá bên trong cơ thể. Phthalates - một dạng khác của hóa chất tiềm ẩn có trong mỹ phẩm, keo xịt tóc và chất khử mùi - cũng có thể dẫn tới phát triển ngực sớm ở bé gái.
- Hấp thu nhiều đồ ăn vặt không lành mạnh: Đồ ăn vặt là một trong những nguyên nhân chính gây béo phì ở trẻ. Hàm lượng chất béo động vật cao làm tăng yếu tố tăng trưởng giống insulin, dẫn tới dậy thì sớm. Cần hạn chế tối đa những loại thịt chế biến sẵn, thịt đỏ, chỉ nên ăn 2-3 lần mỗi tuần.
- Thay đổi hormon: Quá nhiều bạo lực, tiếp xúc sớm với những nội dung dành cho người lớn, tất cả đều có ảnh hưởng tới não, đặc biệt là tuyến yên. Tuyến này khi bị kích thích sẽ bài tiết ra gonadotropin, kích thích các tinh hoàn hoặc buồng trứng sản sinh hormon giới tính testosteron và estrogen, từ đó gây dậy thì sớm.
3. Điều trị dậy thì sớm
Dậy thì sớm có thể điều trị được, tuy nhiên bác sĩ sẽ cân nhắc trường hợp nào cần phải điều trị và trường hợp nào chỉ cần theo dõi. Đối với dậy thì sớm ngoại vi thì cần tìm nguyên nhân và giải quyết triệt để nguyên nhân đó như cắt u nang buồng trứng, cắt u tinh hoàn, không sử dụng các loại thuốc có chứa hormon sinh dục…
Đối với dậy thì sớm trung ương nếu có u não thì phẫu thuật cắt u não.
Để phòng tránh dậy thì sớm thì không nên dùng các loại thực phẩm hay các thuốc có chứa hormon sinh dục cho trẻ lâu dài, khi phát hiện sớm các dấu hiệu dậy thì sớm ở trẻ thì cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và cách xử trí phù hợp .