Theo Tuổi trẻ, trước đó, địa bàn này xuất hiện một số cơn địa chấn nhẹ, sụt lún, nhiều vết nứt lớn xuất hiện trên mặt đất. Theo ông Lê Ngọc Chánh, Chủ tịch UBND xã Tân Nghĩa, các hiện tượng địa chấn chỉ bắt đầu từ khi Thủy điện Đồng Nai 2 (chủ đầu tư Công ty cổ phần thủy điện Trung Nam) tích nước vào ngày 21/9.
Địa bàn bị ảnh hưởng bởi địa chấn cách lòng hồ thủy điện khoảng 300m, nằm ngoài vùng giải tỏa của Thủy điện Đồng Nai 2. Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Tân Nghĩa, diện tích bị ảnh hưởng khoảng 50 hecta, chủ yếu ở khu vực bị nứt đất có kết cấu đất yếu, lớp đất trên mặt rất mỏng nằm trên lớp đá dày lại nằm cạnh lòng hồ thủy điện.
Ông Dương Văn Sản dọn dẹp những khối bê tông đổ sập ngay tại căn nhà chưa kịp xây xong của mình vào chiều 13/10. |
Đến ngày 10/10, 6 nhà dân tại thôn Gia Bắc 2 bị đổ sập hoàn toàn hoặc bị nứt gãy, 10 hộ khác buộc phải di tản để đảm bảo an toàn.
Tiếp xúc PV Tuổi Trẻ chiều 13/10, các hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng kể lại: "Vào rạng sáng ngày 10/10, khi đang ngủ thì nghe tiếng nổ trong lòng đất, nhà bị rung lên. Khoảng vài phút sau thì tường nhà nứt toát, nền nhà bị lún xuống, tiếp theo mái nhà đổ ập xuống. Toàn bộ căn nhà bị hư hại chỉ trong khoảng 30 phút".
Hiện trường ngày 13/10 ở thôn Gia Bắc 2 có nhiều con đường bị nứt, bùn từ dưới đất phun lên. Một số vị trí, nền đường sụt xuống khoảng 30 cm so với ban đầu. Nhiều trụ điện bị gãy đổ gây mất điện một số khu vực.
Trước đó, ngày 8/10 vừa qua, báo Lao động dẫn thông tin từ UBND huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) cho biết, đã có báo cáo khẩn cấp về việc tích nước thủy điện Đồng Nai 2 làm ngập nhiều diện tích cà phê, nhà cửa và tài sản khác của người dân hai xã Liên Hà và Tân Thanh. Điều đáng nói là tại lòng hồ thủy điện này, hiện vẫn còn cả trăm hộ dân chưa được đền bù nên chưa di dời.
Đặc biệt, khi nước lòng hồ đã dâng cao và trời có mưa to nên UBND huyện Lâm Hà đã phải huy động đến hàng trăm người gồm quân đội, công an, dân quân cơ động... để giúp hơn 200 hộ dân di dời khỏi khu vực lòng hồ thủy điện Đồng Nai 2, nhưng vẫn không kịp.
Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Lâm Hà, khi xây dựng thủy điện Đồng Nai 2 trên địa bàn của 3 xã Liên Hà, Tân Thanh và Đan Phượng, có 475ha đất của 297 hộ dân nằm trong diện giải tỏa với tổng kinh phí 134 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đến ngày tích nước, đơn vị chủ đầu tư chỉ mới thực hiện chi trả khoảng 76 tỉ đồng cho 156 hộ dân; nghĩa là vẫn còn hơn 140 hộ dân chưa nhận được tiền đền bù. Do chưa được nhận tiền đền bù hoặc đã nhận nhưng chưa đủ, nên đến ngày thủy điện Đồng Nai 2 tích nước, vẫn còn đến hơn 200 hộ dân chưa di dời nhà cửa và tài sản ra khỏi lòng hồ.
Đến ngày 8/10, mực nước hồ thủy điện Đồng Nai 2 đã đạt đến mực nước chết - cao trình 665m. Do vậy, công việc di dời tài sản và thu hoạch càphê đã trở nên vô phương; mọi thứ tài sản đã chìm trong lòng hồ, trở nên vĩnh viễn nằm trong nước.