Đời sống) -"Thủ đô bao giờ cũng là trung tâm văn hóa, vậy nơi đó phải có nhiều bảo tàng nghệ thuật, nhiều nhiều nhà hát, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật ở đỉnh cao... Cái này thì Hà Nội đang thụt lùi. Hà Nội bây giờ chỉ như một cái chợ lộn xộn, bẩn thỉu..." - Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng nhận xét.
[links()]
PV: - Thưa ông, chúng ta đã phát động và xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp từ rất lâu nhưng trên thực tế thì hè vẫn chưa thông, đường vẫn chưa thoáng, giao thông ùn tắc, xả rác bừa bãi....Có ý kiến cho rằng, do Hà Nội thu hút nhân tài vật lực từ khắp nơi trên cả nước đổ về nên mới xảy ra tình trạng này, còn dân Hà Nội gốc thì vốn thanh lịch, nhẹ nhàng, văn minh, lịch sự.... Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: - Chúng ta không nên quá ca ngợi tính cách người Hà Nội xưa và chê tính cách người Hà Nội bây giờ. Tính cách cũng thay đổi, phát triển. Người Hà Nội xưa sống trong một thủ đô ít dân, thưa thoáng, đời sống văn hóa được tổ chức tương đối tốt.
Người Hà Nội hiện nay sống trong một thủ đô quá rộng lớn, dân số đông, môi trường sống rất bụi và bẩn, khó lòng mà giữ được nề nếp như xưa.
Họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng |
Tất nhiên khi không còn người Hà Nội thuần túy, người Hà Nội gốc, mà chỉ có người ở các nơi về sống ở Hà Nội. Họ đem theo những thói quen của người nông dân ra thành thị, ít quan tâm tới môi trường chung, vì ở đây không còn giống cái làng họ sinh sống nữa.
Họ quen được người lao công phục vụ, và nhiều dịch vụ công cộng, cái ý thức công dân rất yếu... Không chỉ là vấn đề rác thải, giao thông, sinh hoạt công cộng, mà rất nhiều mặt, người Hà Nội hiện tại có thói quen ỷ vào chính quyền, để mặc chính quyền giải quyết tất cả mọi thứ, còn từng cá nhân sống rất tùy tiện, bừa bãi.
Cái ý thức công dân trong đô thị, người Hà Nội có thể nói thua xa người dân Đà Nẵng, hay TP.HCM.
PV: - Theo ông, làm thế nào để người dân đang sinh sống và làm việc ở Thủ đô, học được cách ứng xử văn minh, thanh lịch cho xứng với Hà Nội xanh, sạch, đẹp?
Nhà Nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: - Nếu xem từng gia đình, có thể nói người Hà Nội rất chăm sóc vệ sinh, môi trường cho nhà mình, nhưng ngoài ngôi nhà riêng, ra ngoài đường là tình trạng cha chung không ai khóc.
Bản chất của ý thức công dân là nếp sống và trình độ văn hóa. Ta có thể thấy những người có học hành cẩn thận, những người thợ giỏi, những bà chủ gia đình nề nếp ít khi vứt rác ra đường, hay vượt đèn đỏ.
Tất nhiên đưa ra nếp sống văn hóa cũng cần đi đôi với xử phạt hành chính. Ở các nước hút thuốc không đúng nơi quy định, vứt rác bừa bãi bị phạt rất nặng.
Tôi thấy rất ít người Việt Nam ra nước ngoài dám vi phạm các quy định về môi trường, nhưng cứ về nước là thoải mái vi phạm. Đấy hẳn là vì không mất tiền phạt, không ai đụng đến, nên mới như vậy.
Xây dựng một nếp sống đô thị văn minh mất hàng chục năm, và rất tỷ mỷ, kiên trì mới thành công.
PV: - Ngày 1/7 vừa qua, Chủ tịch nước đã phát động phong trào "vệ sinh yêu nước", ăn sạch, ở sạch, sạch làng, sạch ngõ v.v... Theo ông, Hà Nội phải làm những gì để xứng đáng là Thủ đô dẫn đầu trong cả nước, trong khi đó, trên thực tế, rất nhiều người đã thừa nhận thành phố Đà Nẵng đã cố gắng làm tốt những điểm này trong mấy năm qua?
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: - Thị trưởng thành phố mà không phải là dân bản xứ thì không bao giờ cái thành phố ấy hay được cả.
Ông ta phải là người Hà Nội, yêu từng ngôi nhà góc phố, từng nét văn hóa... mới có thể xây dựng được thành phố của ông ta tốt còn là một người địa phương thì chỉ có phá thôi, hoặc biến Hà Nội thành một cái làng.
PV: - Là một nhà nghiên cứu văn hóa, sống và làm việc ở Thủ đô đã rất lâu, ông có nhận xét gì về văn hóa ứng xử mang nét thanh lịch, văn minh của người Hà Nội? Làm thế nào để những cái tốt đẹp ấy không bị mai một đi trong quá trình đô thị hóa mở rộng như hiện nay?
Nhà Nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: - Thủ đô bao giờ cũng là trung tâm văn hóa, vậy nơi đó phải có nhiều bảo tàng nghệ thuật, nhiều nhiều nhà hát, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật ở đỉnh cao... cái này thì Hà Nội đang thụt lùi. Hà Nội bây giờ chỉ như một cái chợ lộn xộn, bẩn thỉu.
Người Hà Nội không đi xem triển lãm, không xem tranh ảnh, không nghe giao hưởng... chỉ ăn nhậu, chơi, tiêu xài đắt tiền.
Thực ra ý thức về giao thông, môi trường, ứng xử liên quan trực tiếp đến sự hưởng thụ văn hóa nghệ thuật.
Sự hưởng thụ quá ít, quá thấp, nên ý thức sống cũng thấp. Hưởng thụ văn hóa nghệ thuật là rất quan trọng cho việc hình thành tính cách người đô thị.
PV: - Giả sử có ý kiến cho rằng, chỉ cần làm sao để Hà Nội không có rác bẩn, không ai vứt bừa rác bẩn ra đường, không nhổ nước bọt, không nói tục, không nhổ bã kẹo cao su ra đường.... thì đã là một kỳ tích rồi. Ông nhận xét gì về khả năng một Hà Nội không rác bẩn như thế?
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: - Không bao giờ thực hiện được nếu như nếp sống văn hóa không cao.
Vấn đề không phải là giải quyết vệ sinh, môi trường, mà là giải quyết đời sống văn hóa, tự ý thức môi trường sẽ có, cũng như không thể chống được tham nhũng, nếu như quan không phải là người có văn hóa.
- Xin cảm ơn ông!
Ai làm Hà Nội xấu bẩn? |
- Huyền Biển (Thực hiện)