Nhạc sĩ Văn Cao- Những chuyện bây giờ mới kể

06:23, Thứ ba 03/07/2012

( PHUNUTODAY ) - Đối với nhạc sĩ Nghiêm Bằng, không bao giờ quên được câu nói mà nhạc sĩ Văn Cao xem như kim chỉ nam trong nghệ thuật mà cả đời mình đã theo đuổi: "Người thợ đúc giỏi là người trước đó đã phá đi rất nhiều khuôn mẫu"hellip;

Ở tuổi 62, nhạc sĩ Nguyễn Nghiêm Bằng có vẻ ngoài giống người cha tài hoa - cố nhạc sĩ Văn Cao như đúc. Ông cười trong cái ho khù khụ sau một hơi thuốc lào: "Sinh thời, cha tôi vẫn nói tôi chẳng khác nào cái "đuôi" của ông vậy…".
[links()]
Người nhạc sĩ tài hoa 3 tháng trời thức đêm quạt cho con ngủ

Nhạc sĩ Nghiêm Bằng là con trai thứ hai trong số 5 người con của cố nhạc sĩ Văn Cao và bà Nghiêm Thúy Băng. Ông sinh ngày 12/6/1951, khi mẹ ông vì tiếng bom mìn nổ của quân Pháp khi nhảy dù xuống Tuyên Quang, đã giật mình mà đẻ "rơi" ông ở gần giường nhà.

Ngày ông ra đời cũng là ngày nhạc sĩ Văn Cao đi chiến dịch Cao - Bắc - Lạng nên khi nghe tin vợ sinh con trai, nhạc sĩ đã lấy họ của vợ và tên bắt đầu của chiến dịch ghép thành tên con trai là Nghiêm Bằng.

Trong trí nhớ của người con trai thứ hai đầy ắp những kỉ niệm về người cha là nhạc sĩ tài hoa được không chỉ được triệu người nể phục mà còn là một người cha giản dị, yêu thương vợ con hết mực.

Cố nhạc sĩ Văn Cao
Cố nhạc sĩ Văn Cao

Nghe mẹ kể lại, khi lên 2 tuổi, cậu bé Nghiêm Bằng tinh nghịch chui vào chạn bếp để lấy ống bơ chơi, không may, chân va vào ấm nước nóng, ấm nước đổ tràn đã khiến nửa thân người trở xuống của cậu bé bị bỏng nặng.

Thật tội nghiệp cho cậu bé bởi khi ấy đang là mùa hè nóng nực, vết bỏng rát chảy nước mà thuốc men thiếu thốn! Đêm đêm, người cha gầy gò lại thay vợ thức quạt cho người con trai ngủ.

Nhạc sĩ Văn Cao đã phải xin nghỉ 3 tháng ở nhà để quạt mát cho con tới khi vết thương lành, lên da non thì mới yên tâm dành sức cho nghệ thuật.

Sau này, nhà thơ, nhạc sĩ Nghiêm Bằng đã kính tưởng nhớ cha: "…Rời bản nhạc trên tay/ Cha trong đêm thức trắng/ ba tháng liền tay quạt/ lành vết sẹo thân tôi/ ngày êm trôi/ tôi lớn thân đầy căng vết sẹo/ ân tình sâu năm tháng/ vang lòng Nốt nhạc Cha" (Nốt nhạc Cha).

Trong số 5 người con của nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Nghiêm Bằng là người con giống cha nhất từ lúc sinh ra cho tới khi đã già, chẳng cần để tóc để râu dài cũng đã giống hệt.

Hồi Nghiêm Bằng còn bé, khi nhạc sĩ Văn Cao suy nghĩ điều gì đó vẫn thường chắp tay ra đằng sau bước đi bước lại, cậu con trai Nghiêm Bằng khi ấy dáng người gầy gò cũng bắt chước cha, chắp tay lũn tũn đi theo sau nên Văn Cao vẫn cười bảo con: "Con đúng là cái đuôi của cha".

Mà đúng thật, càng lớn Nghiêm Bằng càng giống cha cả về ngoại hình và tính cách. Trong đó phải kể tới bức ảnh Nghiêm Bằng chụp lúc 58 tuổi ngồi bên cây đàn Piano và bức ảnh chân dung người cha Văn Cao chụp nghiêng bên cây đàn Piano nổi tiếng mới thấy người con mang dáng vẻ, phong thái giống cha y hệt.

Nhạc sĩ Nghiêm Bằng là con trai thứ hai trong số 5 người con của cố nhạc sĩ Văn Cao và bà Nghiêm Thúy Băng.
Nhạc sĩ Nghiêm Bằng là con trai thứ hai trong số 5 người con của cố nhạc sĩ Văn Cao và bà Nghiêm Thúy Băng.

Trong tâm trí của mình, Nghiêm Bằng nhớ về một người cha hết sức hiền từ, thậm chí còn lành hiền hơn cả cụ Thúy Băng. Nhưng cũng không ít lần, nhạc sĩ Văn Cao cầm roi đánh đòn hai người con đang tuổi nghịch ngợm.

Hình phạt nặng thường là đánh đòn hay úp mặt vào góc tường. Lên 5 tuổi, Nghiêm Bằng đã được cha dạy cho học Piano. Trẻ con ham chơi, hễ các con lơ là việc học, nhạc sĩ Văn Cao lại dùng chiếc roi của một người thầy để uốn nắn con, mà răn dạy con với quan điểm: "Thương cho roi cho vọt".

Nhưng đánh con xong, khi nhìn thấy vết in hằn trên mông con, xót con, nhạc sĩ lại đưa con chai dầu và nói: "Xoa vào đi, để cho con ghi nhớ".

Tuy nhiên điều có lẽ mà nhạc sĩ Nghiêm Bằng ghi nhớ sâu sắc nhất chính là những năm tháng nhạc sĩ, họa sĩ Văn Cao gần 30 năm rầu rĩ, cô đơn không được viết nhạc, làm thơ, vẽ tranh. Tất cả những tác phẩm làm ra đều không được kí tên hay được xuất bản công khai.

Nỗi cô đơn trong nghệ thuật khiến nhạc sĩ càng trở nên trầm uất và ít nói hơn. Mặc dù bị hạn chế trong việc tự do sáng tác nghệ thuật nhưng Văn Cao lại được những người tài trong giới đề cao và vẫn thường xuyên lui tới như Nguyễn Tuân, Trịnh Công Sơn, Bùi Xuân Phái, Sơn Tùng...

Quãng thời gian niên thiếu, cậu con trai thứ hai được làm chân điếu đóm phục vụ khách của cha nên Nghiêm Bằng hơn ai hết hiểu những suy nghĩ, những câu chuyện và những quan niệm nghệ thuật của cha.

Nhạc sĩ Nghiêm Bằng và vợ Kim Bình
Nhạc sĩ Nghiêm Bằng và vợ Kim Bình

Tuy nhiên, khi học xong cấp 3, Nghiêm Bằng lại học trường Đại học Xây dựng. Niềm đam mê nghệ thuật của Nghiêm Bằng được khơi nguồn có lẽ vào năm 1978, khi ông có ý định tìm bạn đời cho mình.

Nhưng khi Nghiêm Bằng khoe với cha về một số thành công đầu tiên trong âm nhạc, những tưởng cha sẽ khen ngợi thì ai ngờ lại bị mắng: "Con tưởng viết ca khúc là dễ thế à?". Mặc dù mắng con vậy nhưng khi ngồi với bạn bè, Văn Cao lại tự hào khen rằng: "Thằng Bằng là mạch nước ngầm của tôi đấy!".

Vậy mà Nghiêm Bằng vẫn sợ, liền im hơi lặng tiếng về âm nhạc, "chạy" sang sáng tác thơ để rèn luyện ca từ, đến nay, ông đã cho ra đời 3 tập thơ, một CD nhạc riêng.

Nghiêm Bằng chia sẻ rằng, từ bé, ông và những người anh em khác đều được nhạc sĩ Văn Cao dạy dỗ về âm nhạc, chịu ảnh hưởng nhiều về tư tưởng, quan niệm nghệ thuật của cha rất nhiều nên chẳng có gì ngạc nhiên khi 5 người con của cố nhạc sĩ của "Tiến quân ca" đều theo con đường nghệ thuật ở các lĩnh vực: âm nhạc, hội họa, thi ca.

Người cha chồng nổi tiếng và chuyện chọn dâu

Là một gia đình nền nếp, gia phong nên chuyện chọn dâu với gia đình nhạc sĩ Văn Cao cũng đặt ra những tiêu chuẩn nhất định. Đó là câu chuyện đáng nhớ với vợ chồng nhạc sĩ Nghiêm Bằng - Kim Bình. Năm 1970, nhạc sĩ Nghiêm Bằng đã ở cái tuổi 29 nhưng vẫn chưa lập gia đình.

Cụ Thúy Băng vô cùng sốt ruột. Riêng về phần nhạc sĩ Văn Cao thấy vợ sốt sắng, thì  chỉ nói với vợ con rằng: "Con dâu nhà này đều phải đảm đang, biết làm cỗ bàn".

Đầu xuân năm 1979, cụ Thúy Băng dắt Nghiêm Bằng đi xem mặt con gái của một người bạn từng ở chiến khu Việt Bắc nhưng ông chỉ được thoáng nhìn cô gái một lần. Tuy nhiên, phải tới hôm cô gái tới nhà chơi, Nghiêm Bằng mới trúng tiếng sét ái tình khi thấy vẻ đẹp lộng lẫy, tươi sáng của cô út Kim Bình.

Sau vài lần đi chơi riêng, hai bên ngầm thương mến nhau, cô gái có vài lần tới nhà chàng kĩ sư chơi, trổ tài nấu ăn, bếp núc, rất vừa lòng chàng, đẹp ý cha mẹ nên nhạc sĩ Văn Cao làm cái lễ sang xin phép cho đôi trẻ đi lại.

Cưới nhau về, vợ chồng Nghiêm Bằng được ở căn buồng giữa tầng hai, sau hai tháng, ông bà được bố mẹ chồng cho phép ăn riêng. Tuy vậy, bà phải làm hết trách nhiệm nàng dâu, sáng sớm cô dâu trẻ Kim Bình luôn là người dậy trước cả gia đình để nấu cơm sáng cho cả gia đình nhà chồng với gần chục người rồi mới tới nấu cho hai vợ chồng, các bữa cơm khác cũng vậy.

Sau đó giặt giũ quần áo cho bố mẹ chồng, dọn dẹp nhà cửa hết sức ngăn nắp… Biết bố chồng là người hiền lành nhưng cũng khá kĩ tính đặc biệt là chuyện ăn uống, thậm chí một số món nhạc sĩ Văn Cao còn nấu ngon hơn so vợ nên thi thoảng, nhạc sĩ vẫn vào bếp tự làm những món nhậu cho khách nên Kim Bình rất cẩn thận.

Dưới sự chỉ bảo ân cần của mẹ chồng, Kim Bình đã trở thành nàng dâu đảm, được bố chồng yêu quý vì biết làm nhiều đồ nhắm ngon như lạp xường, nem, giò chả... Khi gia đình hai bên nội ngoại có cỗ, đám, một mình bà Kim Bình quán xuyến gần trăm mâm cỗ tinh tươm, chu đáo.

Nhạc sĩ Văn Cao sức khỏe không tốt nên hầu như năm nào cũng phải vào viện, cộng thêm những trầm uất tuổi già khiến cho việc chăm sóc nhạc sĩ khó khăn. Chăm bố chồng vất vả nhưng giữa các nàng dâu trong gia đình người nhạc sĩ tài hoa ấy không bao giờ xảy ra bất hòa hay làm phật ý bố chồng, dù chỉ là một chuyện nhỏ.

Chia sẻ về bí quyết giữ sự hòa thuận của hơn chục thành viên cùng sống trong một ngôi nhà bé xíu liệu có bất an, nhạc sĩ Nghiêm bằng thổ lộ: "Giữ được hòa thuận ấy chính là nề nếp gia phong mà bố mẹ đặt ra. Con cái gia đình đều tự biết ý nhìn nhau mà cư xử, mà sống.

Thậm chí khi vợ chồng tôi có xảy ra những tranh cãi, giận hờn, thì đều mang ra ngoài… công viên để giải quyết, tránh không ảnh hưởng tới gia đình, nhất là để cha mẹ khỏi lắng lo, suy nghĩ".

Vì vậy, từ năm 1979 cho tới năm 1993, cả đại gia đình nhạc sĩ Nghiêm Bằng, họa sĩ Vân Thao đều ở chung một nhà với bố mẹ và các em hết sức đầm ấm, hòa thuận.

Có thể nói, dù là con trai thứ hai nhưng nhạc sĩ Nghiêm Bằng lại là người gần gũi chăm sóc bố nhiều nhất, đặc biệt là những lúc ốm đau. Năm 1986-1987, 62 đêm nhạc Văn Cao được tổ chức khắp nơi trong cả nước, nhất là ở Hà Nội được đông đảo người xem đón nhận.

Chút niềm vui ấy đã giúp nhạc sĩ trở nên rạng rỡ, sống yêu đời hơn trong những năm tháng chống chọi lại với bệnh tật. 4h5' ngày 10/7/1995, nhạc sĩ Văn Cao giã từ cuộc sống, khi ấy bên cạnh cụ chỉ có cụ bà Thúy Băng, con trai Nghiêm Bằng ở bên cạnh.

Đối với nhạc sĩ Nghiêm Bằng, người con ấy không bao giờ quên được câu nói mà nhạc sĩ Văn Cao xem như kim chỉ nam trong tư tưởng nghệ thuật mà cả đời mình đã theo đuổi: "Người thợ đúc giỏi là người trước đó đã phá đi rất nhiều khuôn mẫu"…

  • Sao Chi
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc