Không phải lúc nào cũng “bắt quả tang” tại trận một con bọ nào đó đang cắn, đốt, chích lên da mà thường chỉ khi nổi mẩn, sưng, ngứa ngáy… chúng ta mới để ý. Lúc đó, việc “truy tìm” thủ phạm thật không dễ nếu không nắm rõ được đặc trưng của chúng.
Mùa nồm ẩm ướt là thời điểm thuận lợi cho các loại côn trùng gây các bệnh về da. Hầu hết các trường hợp bị côn trùng đốt chỉ xảy ra những phản ứng nhẹ tại chỗ như sưng nề đỏ, ngứa và đau ở nơi bị đốt, những biểu hiện này thường tự biến mất.
Nhưng có trường hợp, vết đốt của côn trùng có thể gây ra các phản ứng dị ứng mang tính chất toàn thân như nổi mày đay, phù nề môi, mắt, hầu họng, thanh quản, co thắt phế quản, nặng nhất là sốc phản vệ, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gây nguy hiểm.
Muỗi
Nốt muỗi đốt trông giống như những đốm đỏ sưng tấy với kích thước bằng một quả sơri. Hầu hết muỗi thường tấn công vào những khu vực da hở trên cơ thể, cắn vào những chỗ da mỏng. Khi đốt, chúng thường tiêm nước bọt vào vết thương. Trong nước bọt có chứa chất chống đông máu làm cho máu loãng hơn. Các vết đốt làm cho da trở nên đỏ, ngứa, và sưng tấy.
Kiến
Vết cắn của kiến trông giống như vết muỗi chích. Một vết nhỏ màu hồng xuất hiện trong khu vực bị cắn gây ngứa trong một thời gian dài. Lúc vừa bị đốt, nạn nhân sẽ cảm thấy đau đớn như thể bị nước sôi đổ lên da vậy. Hầu hết các loài kiến không gây nguy hiểm cho người, tuy nhiên, kiến lửa đỏ có thể gây nhiều rắc rối. Mụn mủ sẽ xuất hiện trên các vết cắn mà sau này rất dễ biến thành vết sẹo. Nọc kiến lửa chứa độc tố, do đó nạn nhân có thể xuất hiện phản ứng dị ứng hoặc sốc phản vệ. Vết đốt của kiến lửa tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng gây ra cảm giác nhói buốt dai dẳng thật sự là điều rất kinh khủng. Nọc của một số loài kiến lửa có thể gây ra những triệu chứng như chóng mặt, hoa mắt, thở gấp hay sốc… – điều đó còn phụ thuộc vào hệ miễn dịch của người bị đốt. Khi bị kiến lửa đốt, bạn nên làm dịu vết cắn bằng xà phòng và nước, rồi dùng một cục đá chườm trong khoảng 10 phút. Nếu vết cắn bị rộp thì không được chọc vỡ mà phải lấy miếng gạc đặt nhẹ lên vì nếu vết rộp vỡ có thể dẫn tới nhiễm trùng.
Ve chó
Loài côn trùng này có thể tồn tại trên cơ thể nạn nhân trong một thời gian dài, lớn lên và hút máu. Phản ứng của cơ thể đối với vết ve chó cắn là vết đỏ. Cách nhanh chóng và đơn giản nhất để gỡ ve chó là kéo nó ra khỏi da. Sử dụng nhíp kẹp lấy ve ở vùng càng gần da càng tốt (hãy cố gắp trúng đầu nó) và kéo từ từ cho tới chúng thả chân ra khỏi da. Đừng kéo hay giật quá mạnh và đột ngột vì hành động này có thể kéo đứt phần đầu hay miệng của ve. Bạn tuyệt đối không nên dùng nhíp bóp chết ve vì hành động này có thể giúp lây lan mầm bệnh. Nếu không có nhíp, hãy dùng ngón tay, một sợi dây hoặc đặt cây kim để ngay hàm của chúng và giật ra. Nếu phần thân ve đã được kéo ra nhưng đầu vẫn còn dính trên da, hãy dùng một cây kim vô trùng và loại từng phần của ve trên da. Sau đó, bôi thuốc mỡ kháng viêm lên vết cắn. Vứt ve bằng cách thả nó ra ngoài hoặc xả vào bồn cầu rồi rửa tay thật sạch bằng nước và xà phòng. Điều tồi tệ nhất là những con ve chó có thể truyền bệnh viêm não, xoắn khuẩn Borrelia burgdorferi và nhiều bệnh nguy hiểm khác. Nếu bạn lấy ve ra khỏi da nhưng vết đỏ không biến mất mà tiếp tục phát triển, hãy đến gặp bác sĩ càng nhanh càng tốt.
Bọ chét
Vết cắn của bọ chét có thể dễ dàng bị nhầm lẫn là dị ứng hoặc muỗi đốt bởi cũng có màu đỏ và sưng lên. Tuy nhiên, không giống như muỗi đốt, những vết cắn của bọ chét thường gây đau và ngứa hơn nhiều. Bọ chét thường tấn công phần chân và chỉ lúc đang ngủ con người mới trở thành nạn nhân của chúng. Một con bọ chét có thể cắn nhiều lần, vì vậy những vết đốm đỏ trên da thường cách nhau từ 1 – 2cm. Bọ chét cũng có thể truyền nhiều bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng.
Ong mật
Đa phần các loài ong đều có nọc, tuy nhiên tùy theo loài mà sẽ độc ít hay nhiều. Có loài gây chết người chỉ với trên 10 vết chích như ong vò vẽ, ong đất, nhưng cũng có loại không nguy hiểm nhiều đến sức khỏe như ong mật. Thông thường sau khi đốt, ong mật thường để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da. Bạn cần loại bỏ vòi chích bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp. Sau đó, rửa sạch vết chích bằng xà phòng hoặc dung dịch sát trùng, rồi đắp khăn lạnh hoặc túi chườm nước đá vào vùng bị sưng trong khoảng 15 – 20 phút để giảm đau (chú ý không đắp trực tiếp lên chỗ ong đốt). Khu vực da bị ong đốt thường đỏ và sưng tấy. Bạn có thể cảm thấy nóng, đau dữ dội và ngứa ngáy ngay sau khi bị ong đốt. Nếu bạn không bị dị ứng nọc ong thì có thể không gặp phải rắc rối gì cả. Tuy nhiên, nếu ai đó bị dị ứng với nọc ong rất có thể gặp một số vấn đề về hô hấp, đó có thể là một vấn đề nghiêm trọng.
Ong vò vẽ
Các triệu chứng khi bị ong vò vẽ đốt cũng giống như những triệu chứng từ loài ong thường. Khu vực bị chích trở nên đỏ và sưng tấy, nạn nhân có thể cảm thấy đau, nóng và ngứa khủng khiếp sau khi bị đốt. Hơn nữa, vết đốt có thể gây xuất huyết trên da. Một con ong vò vẽ có thể đốt nhiều lần. Khi bị ong vò vẽ đốt, tùy theo số lượng nhát đốt mà có thể gây sốc phản vệ, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu… Vì vậy, sau khi bị ong vò vẽ chích, bạn cần rửa sạch những chỗ có vết chích bằng xà phòng hoặc dung dịch sát trùng và dùng nhíp để rút hết các vòi chích của ong ra, có thể đắp khăn lạnh hay túi chườm nước đá lên để giảm đau và giảm sưng. Nọc ong vò vẽ rất độc, cò thể gây tổn thương da và để lại vết thương sẹo ở vùng bị đốt, nguy hiểm hơn là rất dễ gây tử vong. Vì thế, người bị ong vò vẽ đốt khi sơ cứu cần chú ý uống đủ nước và đưa đến các cơ sở y tế gần nhất. Không tự dùng thuốc (dù là thuốc y học cổ truyền hay thuốc tân dược), không tìm vôi để bôi vì như thế làm tốn thời gian, sẽ không tốt nếu vết cắn nhiều, nhất là khi vết đốt ở mặt, cổ, miệng.
Chấy, rận
Có kích thước rất nhỏ, các loài côn trùng này có thể sống trong bụi rậm hoặc trên cơ thể nhiều loài vật nuôi như chó, mèo. Những vết đốt của chúng không chỉ gây đau nhói, sưng hay dị ứng mà còn có thể gây cho người bệnh sốt mẩn đỏ. Nếu nhận thấy những chấm nhỏ màu đỏ trông giống như vết muỗi đốt ở trên da đầu, cổ và sau tai có nghĩa là bạn bị chấy cắn. Nếu các chấm như vậy xuất hiện trên lưng, bụng, bàn tay hoặc chân thì có thể do rận cắn. Các vết cắn thường cách nhau một vài inch và có vẻ như da bị xuyên thủng. Khi bị các loài côn trùng này cắn, nên kéo chúng thật từ từ hoặc dùng lửa hơ, bôi cồn, dầu để chúng tự rơi ra, tránh để hàm răng của chúng dính lại da thịt, có thể gây nhiễm trùng. Sau đó rửa chỗ bị cắn bằng xà phòng, rồi bôi cồn hoặc dầu sát trùng vào chỗ bị cắn.
Cần xử trí đúng
Tùy theo loài côn trùng, liều lượng nọc độc và cơ địa của mỗi người mà biểu hiện tổn thương khác nhau, mức độ nguy hiểm cũng khác nhau. Khi bị côn trùng có nọc độc cắn, đốt ngoài, tổn thương có thể xuất hiện ngay tại vết cắn, ngoài da, nghiêm trọng hơn nạn nhân còn có dấu hiệu bị ngộ độc toàn thân do nọc độc xâm nhập lan tỏa trong cơ thể. Tại vết cắn, chích, đốt nạn nhân thường đau, có thể sưng tấy đỏ, cần chú ý tìm ngòi côn trùng còn cắm vào da.
Đối với trường hợp phản ứng chỉ khu trú tại chỗ thường không đòi hỏi điều trị, vùng sưng nề sẽ tự biến mất sau vài giờ mà không để lại di chứng. Trong trường hợp có phản ứng lan tỏa tại chỗ, vùng bị côn trùng đốt nên được chườm lạnh. Có thể sử dụng thuốc kháng histamine (loratadin, cetirizin...) và corticosteroid (prednisolon, methylprednisolon...) đường uống hoặc tiêm truyền, nên được dùng sớm ngay khi có thể để giảm nhanh triệu chứng, việc sử dụng kháng sinh là không cần thiết. Riêng trường hợp bị kiến lửa đốt, sau 1 ngày vết đốt thường tạo thành một mụn mủ nhỏ do hoại tử tổ chức, cần lưu ý không làm vỡ mụn mủ này để tránh nguy cơ nhiễm trùng.
Những phản ứng dị ứng mang tính toàn thể bắt buộc phải được điều trị tại cơ sở y tế càng sớm càng tốt.