Nhật ký sinh con tại Thụy Sĩ

07:29, Thứ sáu 27/05/2011

( PHUNUTODAY ) - “Lấy chồng là người Úc, đang công tác cho Tổng hội chữ thập đỏ quốc tế tại Gienene Thụy Sĩ, cô đã và đang trải qua những ngày tháng hạnh phúc tại nơi đây".



Theo bác sỹ, ngày dự sinh là 23/3 nhưng tới ngày đó vẫn ko có dấu hiệu gì nên hai vợ chồng mình tới bệnh viện khám. Sau khi khám xong bác sỹ nói em bé nặng 4kg rồi mà "bể bơi" vẫn rộng nên càng để lâu em bé sẽ càng to. Thế là cả hai vợ chồng quyết định ngày hôm sau 24/3 sẽ kích đẻ thường. Bệnh viện mình chọn là bệnh viện công (bệnh viện Trung ương của Canton Geneve) nên không phải muốn đẻ kiểu gì cũng được mà nhất định phải đẻ thường. Chỉ có bệnh viện tư mới chiều theo ý bệnh nhân.

Tuy vậy, mình vẫn có được lựa chọn phương pháp gây tê tủy sống làm mất cảm giác đau. Ở lớp học về thai kỳ, mình đã được cập nhật mọi dịch vụ y tế của Thụy Sỹ và những công nghệ y học tiên tiến sẵn có. Mình cũng hiểu rằng bất cứ phương pháp nào cũng đều có rủi ro của nó nên vô cùng lo lắng.

Sau khi gây tê tủy sống, 20 tiếng đồng hồ sau cửa sinh mới chỉ mở 2cm và không chịu mở thêm nữa. Mình thì mệt mỏi vì bị truyền quá nhiều thuốc và liều lượng oxytocin đã được tăng lên tối đa. Đêm hôm đó chồng mình không chợp mắt chút nào lo lắng ngồi theo dõi hai mẹ con.

Nửa đêm hôm ấy mình sốt 38.5 độ và đã có lúc mất nhịp tim của em bé. Tới 8h sáng hôm sau thì các bác sỹ quyết định mổ lấy em bé ra. Vậy là sau 24 tiếng đồng hồ cố gắng đẻ thường không được thì mình bị đưa lên bàn mổ. Nhưng cái giây phút em bé chào đời đã như một phần thưởng lớn xua hết mọi khó khăn mệt mỏi. Khoảnh khắc ấy thật là hạnh phúc!

Mặc dù đã được nghe rất nhiều người ca ngợi dịch vụ y tế của Thụy Sỹ nhưng phải thực sự trải qua mình mới tin. Ngoài đội ngũ bác sỹ y tá ra, khoa sản còn có 1 đội ngũ tiếng Việt nôm na là Bà Mụ. Các bà mụ ở đây phải qua trường lớp đào tạo, có bằng cấp đàng hoàng.

Các bác sỹ chịu trách nhiệm chẩn đoán, mổ xẻ và những gì liên quan đến kỹ thuật chuyên môn, công nghệ y học..v..v.. Các y tá thì phụ bác sỹ. Riêng các bà mụ thì phụ trách đỡ đẻ, hướng dẫn các bà mẹ nuôi con, cho con bú, tất tần tật về bà mẹ trẻ em, kết hợp truyền thống với khoa học.

Không những thế các bà mụ còn kiêm luôn cả việc của y tá như tiêm thuốc, chăm sóc vết mổ. Đêm nào cũng có 1 đội ngũ bà mụ trực đêm để phục vụ các bà mẹ trẻ em, từ việc thay bỉm cho em bé đến tiêm thuốc cho mẹ.v.v
c
 

Mình được chuyển về phòng, 1 phòng bình dân ở đây có 3 giường nhưng phòng đẹp không khác gì khách sạn 5 sao, có ban công rộng lớn nhìn ra vườn và xa xa là ngọn núi Saleve giáp với Pháp. Ngoài phòng ngủ chính và phòng tắm còn có phòng riêng dành cho bố mẹ để tắm và thay bỉm cho em bé với đầy đủ đồ dùng sẵn có không thiếu thứ gì. Nghĩa là đi đẻ ở đây ko cần mang gì mà mọi thứ được bệnh viện cung cấp hết.

 Trường hợp đẻ thường, mẹ khỏe con khỏe thì đẻ hôm trước hôm sau có thể xuất viện ngay còn mình phải ở lại để hồi phục sau mổ. Giường ở đây được thiết kế đặc biệt, có nút điều khiển nâng lên hạ xuống, gập lưng lên hay ngả ra, bệnh nhân chỉ việc nằm một chỗ với các nút bấm, có cả nút bấm gọi y tá và bà mụ nếu cần họ chăm con thay mình.

Bệnh viện ở đây như một khách sạn, có đội ngũ hầu phòng thay ga giường và dọn vệ sinh mỗi ngày, đội làm bếp và bồi bàn tới đọc thực đơn tại giường cho mình chọn món ăn hợp khẩu vị, đội ngũ những người cung cấp những đồ dùng cần thiết cho mẹ và bé…

Những người bạn cùng phòng

Tối hôm ấy có một sản phụ mới về phòng nhưng mình rất ngạc nhiên là chỉ có mẹ chứ không thấy em bé đâu. Bà mẹ trẻ này tên là Sandra, người Thụy Sỹ gốc Ý, em bé sinh thiếu tháng, nặng 2.4kg nên phải nuôi trong lồng kính. Sandra mang thai tới tuần 38 mà đầu em bé vẫn chưa quay xuống và khả năng đẻ mổ là rất cao.

Tuy nhiên cô muốn đẻ thường và yêu cầu bác sỹ dùng phương pháp kích thích để thai nhi quay đầu xuống. Với công nghệ Y tế hiện nay thì các bác sỹ có thể làm được điều đó nhưng Sandra phải ký vào văn bản đề nghị và chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Thế là em bé đã ra đời ở tuần thứ 38, đẻ thường nhưng chỉ nặng 2.4kg và rất yếu. Mình thương Sandra đẻ xong mà không được gần con, phải giắt con búp bê bông vào người để lấy hơi mẹ, xong mang lên phòng cho con để nó không quên mẹ. Bố nó cũng để lại chiếc áo để cho con quen mùi cả bố lẫn mẹ. Nghĩ mà thấy tội nghiệp quá!  

Các bà mụ ở đây rất nghiêm khắc với các bà mẹ trẻ, ba ngày đầu bắt buộc phải cho con bú mẹ cho dù mẹ không có sữa. Việc này dựa trên cơ sở khoa học mà sau này mình phải cảm ơn họ rất nhiều. Những ngày đầu mẹ chưa có sữa nhưng tiết ra chất colostrum nhiều vitamin và chất kháng thể cho bé mà không một loại sữa hộp nào có được.

Hồi đầu mình cứ lo con đói và đòi sữa bình cho con bú nhưng các bà mụ không cho. Đến ngày thứ tư khi mình bắt đầu có sữa non thì họ mới cho bổ sung thêm sữa bình. Mình vừa mới mổ hôm trước hôm sau bà mụ đã tháo hết ống truyền ống dẫn, kêu mình đi tắm. Lúc đầu mới đặt chân xuống đất, chân tay run lẩy bẩy, hơi chóng mặt nhưng mình vẫn lò dò đi vào phòng tắm, tự tắm rửa vệ sinh. Và ngày nào cũng vậy, tắm buổi sáng để bà mụ thay băng vết mổ. Hai mẹ con mình cũng được các bà mụ và các cô phục vụ ở đây rất quí mến.

Ngày thứ ba mình bất ngờ có khách đến thăm, vợ chồng nhà Michelle người Mỹ. Michelle cũng mang thai cùng thời gian với mình, ngày dự sinh của Michelle còn trước cả mình nhưng mãi chả thấy đẻ. Hôm đấy vợ chồng Michelle vào viện kích đẻ vì quá ngày dự sinh tới tận 11 ngày rồi. Michelle ngỏ ý muốn ở chung phòng với mình để còn hỏi han kinh nghiệm. Mình hớn hở thấy vui vui vì sắp có bạn ở cùng.

Ngày hôm sau thì Michelle đẻ và được đưa về phòng mình. Thật ngạc nhiên Michelle phải trải qua kinh nghiệm y hệt mình, sau khi kích đẻ 18 tiếng chỉ mở được 4cm thì họ đưa cô lên bàn mổ. Kể từ khi Michelle vào phòng thì không khí trong phòng khác hẳn. Mình có thể cảm nhận được sự thay đổi thái độ của Sandra. Sandra ít nói hơn hẳn và khi mình hỏi thăm thì Sandra gắt gỏng, trả lời cộc lốc rồi đi ra ngoài. Chắc Sandra mặc cảm, ghen tị khi thấy mình và Michelle đẻ con bụ bẫm khỏe mạnh trong khi con của cô thì còi cọc.

Những ngày cuối trước khi ra viện

Nhà Sandra gốc Ý mà người Ý rất trọng tình cảm gia đình. Thế nên Sandra có nhiều người đến thăm nhất. Michelle thì có bố mẹ bay từ New York sang chăm sóc, còn mình thì... chẳng có ai. Ngày thứ tư, Sandra khoe con khỏe rồi và sẽ được về phòng với mẹ. Mình rất vui và mừng cho cô ấy.

Ngày hôm đấy khách nhà Sandra tới đông kinh khủng, khoảng 20 người xếp hàng ngoài hành lang với đủ loại hoa hoét quà tặng. Cùng lúc bố mẹ nhà Michelle cũng đến tất tưởi chăm sóc con gái. Chưa bao giờ căn phòng trở nên chật hẹp như thế. Mình thì chỉ có 2 mẹ con mà được nửa phòng trong khi 2 nhà kia chen chúc trong không gian hẹp, chỉ cách nhau tấm ri-đô. 

4 ngày đầu hầu như chỉ có 2 mẹ con mình, giờ căn phòng thêm 2 cặp mẹ con nữa cộng thêm khách đến thăm cũng nhiều phiền phức. Mình thì vô tư chả phiền gì nhưng nhà Sandra và nhà Michelle không được vui vẻ với nhau mấy. Khách nhà Sandra thì đông mà dân Ý được cái nói to, nói nhanh, nói nhiều. Nhà Michelle thì cưng em bé như cưng trứng, làm gì cũng nhỏ nhẹ khẽ khàng sợ em bé giật mình. Cho nên bố mẹ Michelle thỉnh thoảng thoảng lại vén ri-đô sang bên kia suỵt suỵt khách nhà Sandra nên Sandra rất khó chịu.

Đêm ấy thật khủng khiếp, con nhà Sandra khóc hàng tiếng đồng hồ không nghỉ, dỗ nựng kiểu gì cũng không được, con nhà Michelle thì adua khóc theo như cái chợ. Thật may là bé Jenna nhà mình chẳng sợ ồn ào cứ ngủ im thin thít. Mình sốt ruột thấy Sandra cứ ôm con mà chẳng biết làm gì khác, nên giục cô ấy cho con bú. Sandra vẻ rất tội nghiệp kêu: “Mình muốn lắm nhưng nó không chịu bú”.

Em bé từ lúc mới đẻ chỉ biết bú bình, không quen ti mẹ, giờ không chịu ngậm ti mẹ cho dù chỉ là ngậm thôi chứ chưa nói đến hút sữa. Tới 3 giờ sáng thì Sandra quá tuyệt vọng gọi bà mụ ở phòng Chăm sóc đặc biệt tới giúp. Sau khi khám xong bà mụ bảo phải đưa em bé về phòng Chăm sóc đặc biệt vì thân nhiệt của em bé vẫn chưa thích nghi được với nhiệt độ bình thường. Thế là đêm ấy Sandra lại ngủ một mình lẻ loi.

Sau khi bà mụ đưa bé nhà Sandra đi thì căn phòng im ắng hẳn, mọi người bắt đầu ngủ thì mình bỗng nghe tiếng Sandra sụt sịt khóc trong phòng tắm. Mình thương quá mà chả biết làm gì, cứ nằm im trên giường nghĩ ngợi. Nhìn Sandra mới thấy khao khát làm mẹ đơn giản là được chăm con mà sao khó quá. Nhớ lại cái khuôn mặt rạng ngời của Sandra ban chiều lúc đẩy xe em bé về phòng giữa 2 hàng khách ôm hoa chào đón, mình cũng ứa nước mắt theo.
g
 

Nửa đêm cuối cùng trong viện, con tỉnh dậy khóc nên mình gắng gượng dậy thay bỉm và cho con bú. Dưới ánh sáng lờ mờ rọi từ cửa sổ con bé ti xong cứ mở to mắt ra nhìn mẹ, như thông cảm với những gì mẹ đang trải qua... tự dưng thấy xúc động vô cùng. Mình mới cho ra đời một sinh linh bé bỏng, thật là kỳ diệu.

Đặt con vào nôi mình khẽ hát bài "I have a dream" mà nước mắt cứ tuôn trào. Những giọt nước mắt ấy như cuốn trôi hết mọi căng thẳng, lo lắng khi ở phòng sinh, lúc cấp cứu khi lạc mất nhịp tim em bé, những lúc mẹ mê man trong cơn sốt... Mình đã khóc cho thật đã, khóc vì hạnh phúc, khóc để tự chúc mừng mình đã vượt qua một sự kiện diệu kỳ của cuộc sống. Và Jenna đã thiếp đi trong lời ru cùng những giọt nước mắt của mẹ.

Tâm Phan
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc