Hiện nay, do số lượng F0 tăng nhanh nên nhiều trường hợp được điều trị tại nhà. Bên cạnh đó, việc nhiều thành viên trong cùng một nhà trở thành F0 là không hiếm. Trước tình hình này, một số người dân băn khoăn về việc không biết trong trường hợp nhiều F0 ở cùng nhà, người âm tính có cần phải cách ly với những người còn lại hay không.
Về vấn đề này, TS Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học - Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT (ĐH Nguyễn Tất Thành) chia sẻ trên VietNamNet như sau: Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 ở Hà Nội căng thẳng và xuất hiện tình trạng một người nhiễm rồi lây cho cả nhà. Ngoài ra, khi nhiều người cùng một nhà nhiễm bệnh thì sẽ xảy ra trường hợp người âm tính trước, người âm tính sau.
TS Minh cho biết, người có kết quả âm tính trước không cần thiết phải cách ly với những người còn lại vì lúc này cơ thể của F0 âm tính vẫn còn kháng thể đủ để bảo vệ bản thân họ. Tình trạng tái nhiễm thường chỉ xuất hiện sau 1-2 tháng kể từ khi khỏi bệnh.
Người bệnh có kết quả âm tính không phải lo lắng quá về vấn đề cách ly. Nếu sức khỏe cho phép, cho thể hỗ trợ, chăm sóc cho các F0 còn lại. Theo chuyên gia, khả năng chăm sóc nhau vô cùng quan trọng trong bối cảnh nhiều gia đình đang phải cách ly, điều trị tại nhà.
TS Bùi Lê Minh phân tích thêm, sau 1-2 tháng kể từ khi có kết quả xét nghiệm âm tính, người bệnh có khả năng tái nhiễm. Nguyên nhân là do nồng độ kháng thể suy giảm theo thời gian.
Nguyên nhân thứ 2 khiến chúng ta tái nhiễm Covid-19 là do nhiễm các biến chủng khác nhau. Các protein gai của các biến chủng có sự khác biệt càng lớn thì con người lại càng ít có miễn dịch chéo. Tức là miễn dịch mà cơ thể tạo ra với biến chủng đã nhiễm trước đó không đủ để ngăn cản biến chủng mới. Ví dụ, ban đầu bạn đã nhiễm chủng Delta thì lần sau vẫn có nguy cơ nhiễm chủng Omicron.
Theo TS Minh, trường hợp đã nhiễm Omicron thì rất khó và hiếm xảy ra tình huống nhiễm lại cùng một biến chủng. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ miễn dịch đã học được cách chống lại virus. Việc tái nhiễm 2 biến chủng khác nhau có thể xảy ra nhưng thời gian thường từ 1 tháng trở lên. Vì vậy F0 vừa âm tính không cần phải cách ly với cá F0 vẫn còn dương tính trong nhà.
Có chung quan điểm như trên, BS Nguyễn Hoàng Hiệp, Bệnh viện Quân y 103, cũng cho rằng gia đình có nhiều F0, người có kể quả âm tính trước không phải cách ly với những người còn lại. Bởi sau khi khỏi Covid-19, người bệnh đã có kháng thể chống lại virus và có thể yên tâm sinh hoạt, không phải lo về khả năng lây nhiễm trở lại từ những F0 vẫn đang duwogn tính trong nhà.
BS Hiệp cũng cho rằng trường hợp tái nhiễm có thể xảy ra nhưng thường là tái nhiễm với biến chủng khác và việc tái nhiễm thường xảy ra sau một thời gian nhất định, khi kháng thể trong cơ thể F0 khỏi bệnh giảm đi. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nghiên cứu chính xác về khoảng thời gian kháng thể bị giảm đi.
BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền nhiễm TP.HCM, cũng cho rằng việc tái nhiễm Covid-19 trong một thời gian ngắn hoàn toàn có thể xảy ra vì người bệnh nhiễm 2 biến chủng khác nhau. Tuy nhiên, bác sĩ khuyên mọi người không nên lo lắng vì dù tái nhiễm biến thể mới thì đa phần đều nhẹ hơn so với lần mắc đầu, nhất là những người đã được tiêm ngừa Covid-19.
Trường hợp nhà có nhiều F0 nhưng có người vẫn âm tính thì người chưa bị bệnh cần được cách ly. Còn trường hợp người F0 âm tính trước có nên ra ở cùng với F0 hay vẫn cách ly với F0 như trước, TS Bùi Lê Minh cho biết, theo quy định của Bộ Y tế hiện nay F0 có kết quả âm tính sau 7 ngày có thể tái hòa nhập cộng đồng. Người âm tính trước có thể ra ở cùng F1. Theo nguyên tắc, khoảng 7 ngày kể từ khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh, khả năng lây nhiễm cho người khác của F0 sẽ kém đi, trừ trường hợp F0 bệnh nặng.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, theo TS Minh, người cùng một nhà vẫn nên thực hiện các khuyến cáo phòng lây nhiễm như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên...