Nhìn thẳng nói thật một lần rồi...sao?

09:08, Thứ ba 16/08/2011

( PHUNUTODAY ) - Cách dạy văn hiện nay lại chú trọng tới các khái niệm văn học trừu tượng, các cách thức tiếp cận bao quát, được rút ra từ một tác phẩm cụ thể, rồi coi nó là mục đích duy nhất #160;

(Phunutoday)- Cách thức dạy, học văn phụ thuộc vào hệ thống sách tham khảo không những không khuyến khích mà đang góp phần làm thui chột khả năng cảm thụ văn học, hạn chế sự phát triển tư duy và việc nảy sinh tình cảm tự nhiên ở các em.

[links()]

 

a
Sau buổi thi

Theo thống kê của báo Lao Động thì kì thi đại học năm nay, nhiều trường ĐH có trên 98% bài thi môn sử dưới điểm trung bình. Thậm chí có trường chỉ một thí sinh đạt điểm trung bình môn sử.

Nhà văn Nguyên Ngọc đã bày tỏ suy nghĩ của ông về việc điểm thi môn Lịch sử thấp và liên hệ ngay với việc học môn Văn trong nhà trường phổ thông hiện nay. Theo ông thì thời đại, xu thế, thế hệ, cách mạng khoa học công nghệ, biến đổi thị trường lao động... đòi hỏi hơn bao giờ hết phải coi trọng khoa học xã hội nhân văn. Điểm thi đại học môn Sử thấp. Còn môn Văn, kết quả theo ông là “ chẳng hay ho hơn mấy”! Một thực tế đau lòng và tất yếu dẫn đến việc truy tìm nguyên nhân theo kiểu "mất bò mới lo làm chuồng":Tại sao thế? tại sao học sinh chán, ghét học Văn, học Sử. Câu trả lời theo nhà văn Nguyên Ngọc là "vì dùng văn, sử để dạy chính trị là chủ yếu". Ông Nguyên Ngọc khuyến nghị "nhìn thẳng, nói thẳng một lần cho xong đi, để mà còn tiến lên cùng thiên hạ.

 

1. điểm văn  thấp là do đâu? 

Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa, Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ về mục đích đọc sách văn học và thưởng thức văn học mà Tuổi trẻ cuối tuần đã đưa thì với 828 người ở 4 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (Bến Tre, An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ) được hỏi chỉ 6,3% trong số đó cho rằng đọc sách văn học để yêu môn văn và học tốt môn văn. Số người đọc sách nhưng không có thu hoạch gì rõ rệt là 5,2%. Kết quả này trùng hợp với kết quả thấp bất ngờ điểm thi môn Văn kỳ thi tốt nghiệp THPT một số tỉnh thành.

Yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục đã được áp dụng nhằm nâng cao chất lượng dạy và học nhưng thực tế đã diễn ra như thế nào ? Nói về việc đổi mới phương pháp giảng dạy trong nhà trường phổ thông hiện nay, báo Tuổi trẻ đã dẫn phát biểu của TS Hồ Thiệu Hùng - nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: “Mặc dù cụm từ “đổi mới phương pháp giảng dạy” đã trở nên quen thuộc với cả phụ huynh học sinh. Nhiều người áp dụng nhưng đổi mới vẫn chưa đi sâu vào thực chất. Giáo viên ngày nay có phương tiện tuyệt vời là công nghệ thông tin - hỗ trợ đắc lực cho quá trình đổi mới. Nhưng họ lại bị lệ thuộc mục tiêu dạy làm sao để học sinh thi đậu, lên lớp với tỉ lệ thật cao. Vì vậy, họ chưa mạnh dạn làm theo cái mình nghĩ là tốt. Phương pháp đánh giá học sinh kiểu hiện nay đang chi phối mạnh mẽ phương pháp dạy.”

Phát biểu trên cho thấy rằng thực chất của việc dạy học là cốt sao cho được điểm cao. Áp dụng vào môn văn, chúng ta thấy sự gò ép điểm số hoàn toàn đi ngược lại mục đích của môn học này. Thay vì mục tiêu giúp học trò khám phá ra ý nghĩa của cuộc sống con người qua tác phẩm, nhằm dẫn các em đến sự hoàn thiện của sứ mạng làm người. Cách dạy văn hiện nay lại chú trọng tới các khái niệm văn học trừu tượng, các cách thức tiếp cận bao quát, được rút ra từ một tác phẩm cụ thể, rồi coi nó là mục đích duy nhất. Điều này vô hình chung đã biến giáo viên văn thành “ thầy tu”. Việc dạy và học văn vì thế trở nên nhàm chán, thiếu sức cuốn hút với học trò và ngay cả với người dạy.

SGK
Cải cách sách giáo khoa


2. Thế giới học Văn như thế nào?

Bài viết của PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống về cách dạy và học văn ở Mỹ  được đăng trên tạp chí Văn học và Tuổi trẻ là một so sánh cụ thể về những yếu kém trong việc dạy và học văn của chúng ta so với thế giới.
Ở bài viết này, GS Đỗ Ngọc Thống đã trích một bài soạn của giáo viên văn ở Mỹ với những ưu việt khó có thể phủ nhận.

 

Tác phẩm được dạy là tác phẩm Ôđixê . Ở bài soạn này, các khái niệm được dạy bao gồm cả khái niệm về nghiên cứu, địa lí thế giới, dự trù kinh phí. Khi dạy bài này cho HS lớp 9. giáo viên giao cho các em xây dựng một dự án du lịch phiêu lưu mạo hiểm “theo kiểu Ôđixê “Ở tiếng Anh, Odysey vừa có nghĩa là tên tác phẩm, vừa có nghĩa là phiêu lưu, mạo hiểm ). Học sinh phải chọn ba nước mà họ thích tới thăm, phải nghiên cứu để xác định được đặc điểm của những vùng, miền, các thành phố mà họ tới ; thông qua internet liên hệ với các cơ quan du lịch các nước sẽ đến để nắm được cách thức du lịch và những thông tin càn thiết cho chuyến đi như vấn đề hải quan, luật đặc biệt, thời tiết… Cần tính toán chi tiết để với 6000 dollas có thể tổ chức được một chuyến đi có hiệu quả cao.Sau khi lập dự án, HS trao đổi, thảo luận và đi đến một kế hoạch thống nhất.

Kèm theo bài soạn giảng, GS Đỗ Ngọc Thống còn trích dẫn bức thư của em Hải Hà đang học lớp 10 tại thành phố Boston-Hoa Kì. Lá thư cho chúng ta thấy rõ ràng hơn khoảng cách của giáo dục Việt Nam với thế giới.“…Ở trường cháu học (trường công), môn Tiếng Anh (là môn văn ở Việt Nam) không có textbook (sách giáo khoa). Như cách học ở nhà mình thì học sinh có một quyển sách với hàng chục bài thơ/truyện ngắn. Ở bên này, học sinh đọc cả một quyển truyện dài/tiểu thuyết. Vì thế mỗi năm thường chỉ học 4-5 tác phẩm. Học sinh  không cần mua SGK. Ở mỗi lớp (không chỉ riêng Tiếng Anh), học sinh sẽ được phát sách giáo khoa (nếu có) đến cuối năm sẽ phải nộp lại. Vì thế nên nhà trường và gia đình sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền. Ở lớp tiếng Anh, giáo viên phát tác phẩm cho học sinh. Mỗi tác phẩm được đọc trong khoảng 1-2 tháng. Có tác phẩm phải tự đọc ở nhà. Xen giữa các giờ học,có những bài kiểm tra ngắn về những phần đã học rồi (kiểm tra từ vựng, v.v…).Học sinh  thường phải làm các project (dự án) cho các tác phẩm và điểm được tính như một bài kiểm tra (ví dụ, học kì I vừa rồi cháu đọc Julius Ceasar của Shakespear thì sau khi đọc chương 3, khi Ceasar bị ám sát, bọn cháu được chia ra từng nhóm để làm “nhà báo” phỏng vấn vợ của Ceasar, đưa tin về vụ ám sát và thái độ của người dân La Mã. Tất cả đều phải làm như thật, phải có tranh, ảnh, tên nhà báo cũng phải là một tên La Mã.

Sau khi đọc xong một tác phẩm, có một bài kiểm tra về toàn bộ tác phẩm (thường là bằng câu hỏi trắc nghiệm, dựa trên một đoạn trích cuối cùng thường có yêu cầu viết đoạn văn từ 6-8 câu). Ngoài bài kiểm tra đó ra, bọn cháu cũng phải viết một bài luận (tương tự như bài tập làm văn ở Việt Nam).Vvề tác phẩm, thường có bốn chủ đề để tự lựa chọn. Bài luận sẽ được viết nháp ở lớp, đưa cô giáo xem sau đó về nhà hoàn thành, đánh máy rồi đem nộp.…Các tác phẩm được đọc đều được dựng thành phim. Vì thế nên sau khi đọc tác phẩm xong, học sinh được xem phim. Bọn cháu được xem phim trước ngày kiểm tra vì như thế sẽ giúp nhớ lại và nắm rõ hơn nội dung tác phẩm. Thi học kì hoặc thi cuối năm không có đề chung cho cả khối hay cả trường…” (trích thư của Hải Hà).

3. Chúng ta học gạo ra sao?

Nếu học sinh Mỹ chỉ học từ 4 đến 5 tác phẩm trong một năm và thời gian cho việc đọc và tìm hiểu tác phẩm không nhất thiết phải là thời gian ở trên lớp thì học sinh  của chúng ta (dẫn chứng từ từ cấp học  cấp THCS ) có 4 tiết văn cho một tuần với các lớp 6,7,8 và 5 tiết cho một tuần với học sinh lớp 9. Mỗi tiết học kéo dài trong 45 phút. Trước khi lên lớp, học sinh phải tự làm soạn văn ở nhà. Hình thức làm soạn văn là trả lời các câu hỏi ở cuối mỗi tác phẩm trong sách giáo khoa. Phần trả lời ấy được chép ra một quyển vở được gọi là vở soạn văn. (học sinh ở Mỹ không có vở soạn văn). Vấn đề đặt ra là học sinh của chúng ta soạn văn như thế nào?

Phần chuẩn bị bài của học sinh thông qua vở soạn văn với các kiến thức phần lớn được các em sao chép lại từ sách tham khảo. Chuẩn bị bài với tính chất chống đối như thế vô hình chung khiến môn Văn trở thành bộ môn sao chép tẻ nhạt, không thể nói là kích thích, phát huy sáng tạo hay bồi dưỡng năng lực cảm thụ ở học trò.

Như vậy, vở soạn văn thực chất tồn tại là để giáo viên kiểm tra trước khi bước vào bài giảng mới. Việc đánh giá, tổng kết chủ yếu dựa vào các điểm kiểm tra một tiết (45 phút ) và bài kiểm tra học kì. Hình thức bài kiểm tra học kì cũng được chia làm hai phần là trắc nghiệm và tự luận có định hướng nội dung, hình thức diễn đạt.

Mặt khác khi lên lớp, vẫn có không ít những giáo viên đã“ nhai lại” các kiến thức đã được trình bày trong sách để học tốt mà học sinh đã sử dụng, sao chép trong vở sạn văn. Như thế cá tính và khả năng sáng tạo sẽ được phát huy vào đâu? Thiết nghĩ, việc kích thích và phát huy tính sáng tạo cho học sinh cũng là một cách giúp các em hình thành và phát triển nhân cách một cách toàn diện nhất.

Cách thức dạy, học văn phụ thuộc vào hệ thống sách tham khảo không những không khuyến khích mà đang góp phần làm thui chột khả năng cảm thụ văn học, hạn chế sự phát triển tư duy và việc nảy sinh tình cảm tự nhiên ở các em. Cách thức đó bao giờ mới tiệm cận được với phương pháp dạy học tích hợp để phát huy khả năng sáng tạo ?

Nước ta còn nghèo, không đủ năng lực tài chính để chi 6000 dollas phục vụ cho chuyến ngoại khóa sau một tác phẩm văn học như học sinh của Mỹ.. Tuy nhiên chúng ta nghèo, nhưng sao trường nào cũng có thư viện mà học trò của chúng ta mỗi năm mua mỗi bộ sách giáo khoa mới, thay vì mượn sách cũ từ nhà trường?

Nhận xét của giáo sư Đỗ Ngọc Thống đã đăng trong tạp chí Văn học và Tuổi trẻ như vậy đã trở thành mong mỏi của tất cả chúng ta “Hơn bao giờ hết, muốn đổi mới phương pháp dạy học, muốn theo kịp các nước tiên tiến, đón đầu sự phát triển…không thể không đổi mới đồng bộ: chương trình, sách giáo khoa, đánh giá thi cử và đặc biệt là cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện dạy học hiện đại, mặc dù vẫn biết nước ta hiện tại còn nghèo.”

  • Nguyễn Nhung
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc