Khi biên độ giá vàng trong và ngoài nước được thu hẹp, TS Lê Xuân Nghĩa đã khuyến cáo Ngân hàng Nhà nước nên ngừng đấu thầu vàng. Trả lời trên báo VnEconomy, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) vừa lên tiếng bày tỏ quan điểm về vấn đề này.
Theo ông Huy, chuyên gia nêu ý kiến như vậy cũng hợp lý thôi nhưng vấn đề đó đã nằm trong tính toán của kịch bản quản lý thị trường vàng mà Chính phủ đã đề ra. Việc biên độ thu hẹp tới mức 2 - 2,5 lần so với trước cho thấy, kịch bản quản lý thị trường vàng đang đi đúng hướng.
Tất nhiên, thành quả này ngoài sự nỗ lực cũng như kiên định của Chính phủ và cơ quan quản lý, còn do giá vàng thế giới giảm sâu bởi hàng loạt yếu tố hỗ trợ khác.
NHNN không muốn từ bỏ vàng |
Trở lại với vấn đề: tới đây có ngưng đấu thầu vàng hay không, chúng tôi thấy rằng, khi diễn biến cung cầu và giá cả đang dần đi vào quỹ đạo như mong muốn của cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước đã có những điều chỉnh thích hợp theo hướng giảm dần số phiên đấu thầu và số lượng vàng đẩy ra thị trường để phù hợp với sức mua.
Ông Huy nhấn mạnh rằng, phải thấy là biên độ thu hẹp quá mức cũng không hẳn đã tốt vì ưu điểm là cơ quan quản lý hoàn thành nhiệm vụ, thị trường không bất ổn nhưng đó lại là tiền đề để đầu cơ gom hàng; trong khi, nếu duy trì ở một khoảng cách nhất định, nhất là trong bối cảnh giá vàng trên thế giới đang diễn biến phức tạp, giới đầu cơ sẽ khó lũng đoạn hơn.
Trong những ngày tới, giá vàng còn bị tác động nhiều bởi các yếu tố: Mỹ có đánh Syria hay không, động thái của FED như thế nào, sự hồi phục kinh tế Nhật Bản hay châu Âu ra sao. Thế nên, trong bối cảnh như vậy, việc gồng mình ra để thu hẹp khoảng cách vàng trong và ngoài nước một cách quá mức không hẳn đã tốt vì có thể làm được trong một vài phiên nhưng lại thiếu tính bền vững.
Mong muốn của Ngân hàng Nhà nước là thị trường vàng ổn định, không bị đầu cơ đánh sóng nhưng cũng phải chấp nhận việc giá lên xuống trong một biên độ chênh lệch vừa phải. Trước việc một số chuyên gia khuyến cáo nên ngưng đấu thầu vàng, chúng tôi cám ơn sự lo xa này, nhưng tất cả đã được tính toán.
Nhưng dù thế nào, Ngân hàng Nhà nước không bao giờ bỏ trận địa vàng, có nghĩa: còn nhu cầu bình ổn, Ngân hàng Nhà nước còn tiếp tục đấu thầu vàng và công việc này chỉ chấm dứt khi nhu cầu bình ổn không còn.
Với cách trả lời trên của ông Huy, tức là nhiều khả năng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đang giao động ở mức 2 - 2,5 triệu là không ổn có thể sinh đầu cơ, tích trữ. Có nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp đẩy thêm chênh lệch tăng thêm chút nữa.
Trong khi đó, trả lời chất vấn trước Quốc hội vào tháng 5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, hoạt động can thiệp theo hình thức đấu giá của Ngân hàng Nhà nước đã giữ cho giá vàng trong nước và thị trường vàng trong nước ổn định trước những biến động bất thường của giá vàng thế giới, đã làm mất đi động lực đầu cơ, làm giá, tạo sóng kiếm lời của giới đầu cơ, và do vậy góp phần kiềm chế "vàng hóa" nền kinh tế.
Trong khi đó, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, từ khi thực hiện đấu thầu vàng miếng để bình ổn thị trường cho tới nay đã qua 5 tháng. Trong 57 phiên đấu thầu, với 1.622.000 lượng vàng chào bán, Ngân hàng Nhà nước đã bán được 1.517.200 lượng, tương đương khoảng 58,3 tấn, và hút khoản tiền từ lưu thông về khoảng 57.000 tỷ đồng ước tính Ngân hàng Nhà nước thu lãi khoảng 6.500 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, trong các phiên đấu thầu, giá trúng thầu thường cao hơn so với giá vàng thế giới từ 4 – 5 triệu đồng/lượng, cá biệt có những phiên khoảng cách chênh lệch lên gần 7 triệu đồng/lượng dù rằng cũng có những phiên đấu thầu giá chỉ cao hơn thế giới chưa đầy 2 triệu đồng/lượng. Như vậy, với mức lãi suất khổng lồ trên trong vòng 5 tháng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tung vàng ra thị trường qua kênh đầu thầu. Mặc cảnh báo nguy cơ "lãnh đủ" nếu cứ đấu thầu vàng của các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước vẫn tập trung bình ổn vàng, chống đầu cơ.