Theo Đông y, mít có vị ngọt, tính ấm, giúp trợ phế khí, trừ chứng âm nhiệt. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mít chín còn cung cấp nhiều vitamin A, C, kẽm, canxi, sắt, giúp tăng cường đề kháng và hạn chế nếp nhăn. Tuy nhiên, do hàm lượng đường cao, người bị tiểu đường, cao huyết áp và gan nhiễm mỡ nên hạn chế ăn mít.
Nhựa mít chứa artostenon, axit béo và cao su tự nhiên polyisopren, làm cho việc xử lý quả mít trở nên khó khăn do tính chất dính của nó.
Dưới đây là một số mẹo đơn giản giúp bạn dễ dàng xử lý nhựa mít khi bổ và ăn mít:
Mẹo xử lý nhựa mít
Dùng dầu ăn: Thoa một ít dầu ăn lên tay hoặc dao trước khi bổ hoặc tách múi mít. Dầu ăn là dung môi không phân cực, giúp tan nhựa mít dễ dàng. Đây cũng là cách mà nhiều người già sử dụng bằng cách giã nát vài hạt lạc sống chà lên nhựa mít.
Nhúng dao qua nước: Chuẩn bị một âu/chậu nước sạch bên cạnh khi bổ mít. Mỗi lần bổ, nhúng dao qua nước sẽ giúp nhựa không dính vào dao.
Dùng lá mướp: Theo kinh nghiệm dân gian, chà xát lá mướp lên dao giúp bong nhựa mít. Sau đó, rửa sạch dao lại là được.
Dùng chanh hoặc giấm: Axit trong chanh và giấm giúp bong nhựa mít dính trên tay và quần áo, đồng thời mang lại mùi thơm dịu và mềm mại cho da tay, rất tốt cho người có da nhạy cảm.
Hơ dao qua lửa: Hơ dao qua lửa để nhựa tan chảy, sau đó dùng giấy ăn lau sạch nhựa rồi rửa sạch lại dao.
Với những mẹo đơn giản này, bạn có thể dễ dàng xử lý nhựa mít và thưởng thức loại trái cây thơm ngon mà không còn lo ngại về nhựa dính khó chịu.