Những chuyện đau đớn tại “làng góa phụ” ở Hà Nam (kỳ 2)

08:55, Thứ năm 03/11/2011

( PHUNUTODAY ) - Người mắc bệnh ung thư, người bị tai nạn ngã núi, đá đè và có cả những người chết vì tệ nạn xã hội. Nhưng để mưu sinh, người dân ở đây vẫn phải chấp nhận dấn thân vào những công việc đầy hiểm nguy và rất gần chết chóc.

(Phunutoday) - Trở thành góa phụ từ khi mới vừa bước qua tuổi 22, đối với chị Lương, cú sốc quá lớn đã khiến trái tim chị tan nát và vụn vỡ. Không còn sự chăm lo của chồng, cuộc sống của hai mẹ con chị Lương trở nên vất vả. Gánh nặng của gia đình đè nặng hoàn toàn lên đôi vai của một người mẹ trẻ tuổi. Từ việc lo cho cuộc sống của con cũng như những chi phí trong gia đình, chị Lương phải đứng ra cáng đáng.


Chị Lương đã sống quãng thời gian 15 trong cảnh đơn chiếc
Thu nhập từ việc làm ruộng không đủ lo cho đời sống của hai mẹ con chị. Để bớt đi sự lo toan cho kinh tế gia đình, chị Lương đã phải xin đi làm phu bốc vác ở những mỏ khai thác đá. Chị phải dấn thân tìm kiếm sự sống vào nơi mà chồng mình đã phải bỏ mạng. Nhưng cuộc sống lúc đó chẳng có bất kỳ lối thoát nào cả, chị Lương phải chấp nhận kìm nén nỗi đau để trang trải cho hai mẹ con.
 
Với sức lực của một cô gái yếu ớt, công việc làm phu khuân vác đá trở nên quá đỗi vất vả. Mỗi khi đi làm về, cơ thể đều đau nhức, bàn tay chằng chịt những vết rách, đỉnh đầu ê ẩm vì phải đội nặng… nhưng chị Lương vẫn phải chấp nhận những nỗi đau thể xác đó. Những ngày tháng đầu tiên sau khi chồng mất đối với chị Lương đó là giai đoạn của sự thử thách ý chí, nghị lực.
 
Nỗi đau mất chồng, gánh nặng mưu sinh… tất cả đè nặng lên đôi vai của một người phụ nữ trẻ tuổi. Và rồi, để vượt qua tất cả những điều đó, chị Lương nghĩ rằng, cuộc sống này vẫn còn phải tiếp diễn vì chị vẫn còn phải mang trọng trách nuôi dạy đứa con cho tới khi lớn khôn. Cứ suy nghĩ vậy, ngày tháng cũng vì thế mà trôi qua một cách nhẹ nhàng hơn đối với chị.

Mất chồng từ khi còn ở độ tuổi đôi mươi, có biết bao nhiêu khát khao, bao nhiêu mong muốn trong lòng mà chị Lương chưa thể thực hiện được. Cũng đã có rất nhiều người đàn ông tìm đến  sau khi chị chịu xong tang chồng, nhưng những người đó chẳng ai có thể mang thuyết phục được chị. Chị Lương quyết định ở vậy nuôi con một mình.
 
Trong đáy sâu trái tim, chị Lương muốn dành cho chồng mình một tình yêu trọn vẹn, và những tình yêu đó, chị muốn dành tất cả cho con mình. Một mình làm việc, một mình gánh vác công việc của gia đình, dù có khó khăn, vất vả, nhưng với chị Lương, đó là cuộc sống của chị, dù thăng trầm hay bão tố thì chị vẫn phải tự mình vượt qua.
 
Giờ đây, sau hơn 15 năm còm cõi sống trong cảnh góa phụ, cuộc sống của chị Lương vẫn không có nhiều sự thay đổi. Hàng ngày, chị vẫn làm công nhân quét rác ở nhà máy xi măng Bút Sơn. Đồng lương ít ỏi chỉ đủ để chị thêm thắt vào các chi tiêu trong gia đình hai mẹ con. Đứa con trai nhỏ của chị Lương giờ cũng đến tuổi 18, cũng đã đi làm và kiếm được tiền để nuôi bản thân. Tuy nhiên, nỗi tơ vò trong lòng của chị vẫn còn chất chứa vì lúc này chị lo, không biết con mình sẽ có tương lai ra sao.
 
Thanh niên ở làng đã không ít kẻ sa chân vào con đường tệ nạn rồi phải bỏ mạng. Lúc này chị Lương chỉ mong muốn một điều, mong sao con mình sẽ trở thành một con người lương thiện, đứng vững được trước những cám dỗ của cuộc đời đầy rẫy hiểm nguy…

Câu chuyện về người góa phụ Nguyễn Thị  Lương chỉ là một trong số vài chục trường hợp người phụ nữ bất hạnh ở Bút Sơn. Cứ thi thoảng, người dân Bút Sơn lại bàn tán xôn xao và cùng thương cảm cho trường hợp của một người nào đó. Hoàn cảnh của cặp vợ chồng tên Thủy Ân, sống ở xóm dưới là một trong những câu chuyện bất hạnh gần đây nhất của làng Bút Sơn.
 
Đôi vợ chồng này đều mới ở độ tuổi đôi mươi. Vốn là người nông thôn, phải đi lao động từ sớm nên Thủy và Ân đã quyết định kết hôn sớm để yên bề gia thất. Lấy nhau khi cả hai mới chỉ 20 tuổi, đôi bạn trẻ mang theo biết bao nhiêu ước vọng cho một cuộc sống nhiều màu sắc phía trước. Ân vốn được cha mẹ cho đi học nghề sửa chữa ô tô nên sau khi lấy vợ, anh lao vào làm việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống cho gia đình nhỏ.
 
Sống ở nhà với bố mẹ chồng, ngoài việc làm ruộng, Thủy cũng cố gắng đi làm thêm một số công việc ở những công trường đá tư nhân. Nhưng rồi, khi cả Ân và Thủy đều mới chỉ đi những bước đầu tiên trong cuộc đời thì cả hai đã phải gánh chịu một nỗi oan nghiệt quá lớn. Trong một lần vá lốp ô tô tại xưởng sửa chữa, do không để ý kĩ, Ân đã bơm quá tay khiến cho chiếc lốp ô tô kia vỡ.

Cảnh lao động của những người phụ nữ ở làng Bút Sơn
Cú vỡ lốp oan nghiệt đó đã hất tung Ân lên không trung và cướp đi tính mạng của anh ngay lúc đó. Khi mọi người báo tin cho Thủy rằng, chồng cô đã chết. Lúc đó, mọi thứ xung quanh cô quay cuồng, đảo lộn. Cô không tin vào những gì mà những người ngoài đang nói, trái tim như muốn vỡ tung, Thủy ngã xuống trong sự đau đớn và tuyệt vọng.

Mất chồng khi còn ở độ tuổi đôi mươi, nỗi đau quá lớn khiến cho Thủy dường như mất phương hướng trong cuộc sống. Cô chẳng muốn làm ăn, chẳng muốn phấn đấu, cô bất lực hoàn toàn với cuộc sống quá cay nghiệt. Trở thành góa phụ khi độ tuổi đang son sắc, đối với Thủy, việc định hướng cho một cuộc sống mới thật khó khăn và đầy thử thách.
 
Và rồi, khi cả hai bên gia đình cùng khuyên Thủy hãy cố gắng quên Ân để tiếp tục sống, cô cũng cố gắng lắng nghe lời mọi người để vơi bớt đi những nỗi đau. Để có thể lãng quên và thoát hẳn đi sự ám ảnh, Thủy đã được mọi người lo cho đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Nhưng rồi, nỗi cơ cực vẫn kéo dài trong cuộc đời của Thủy.
 
Khi sang bên nước ngoài làm việc chưa ấm chỗ, thật không may, công ty Thủy làm việc lại phá sản. Cô phải trở về trong miễn cưỡng và vô cùng tiếc nuối khi chưa thể kiếm tiền bù vào khoản vốn đã đầu tư. Chẳng còn một hướng đi thật sự khả quan, giờ đây Thủy sống trong sự bế tắc và đầy tuyệt vọng. Với cô gái đang ở độ tuổi đôi mươi, mọi thứ mới chỉ là sự bắt đầu nhưng với Thủy cô đang cảm thấy cuộc sống chỉ là đau khổ, bất hạnh và đầy tang thương.

Nỗi đau tiếp dài nỗi đau

Tình trạng những người phụ nữ ở độ tuổi đôi mươi liên tục trở thành góa phụ tại Bút Sơn đã diễn ra một thời gian khá dài. Người dân nơi đây, họ chỉ biết chấp nhận đau đớn, sống một cách hoang mang và tuyệt vọng, bất lực nhìn những nỗi đau này tiếp nối những nỗi đau kia. Nguyên nhân cái chết của những người đàn ông nơi đây có thể xuất phát từ rất nhiều lý do, nhưng một nỗi đau chung cho tất cả đó là những người phụ nữ ở đây sẽ mãi mãi sống trong sự cô đơn và ám ảnh.
 
Những câu chuyện như trường hợp của chị Lương, Thủy sẽ còn tiếp nối dài khi ngày tháng trôi qua. Người dân làng Bút Sơn đau đớn nhìn những người làng xóm, láng giềng của mình từ giã cõi đời một cách đầy tức tưởi. Vào làng Bút Sơn bây giờ, hình ảnh người phụ nữ tham gia các công việc xuất hiện ở khắp mọi nơi. Người phụ nữ ở Bút Sơn có thể đi bốc đá, vác xi măng, làm nhân viên vệ sinh nhà máy…  tất cả những bà góa phụ đó đang âm thầm duy trì cuộc sống cho một bộ phận dân cư nào đó ở ngôi làng đau đớn này.

Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn và những “bà góa phụ” ở làng Bút Sơn vẫn phải gắng gượng để tồn tại. Nói theo cách của chị Nguyễn Thị Phấn, một góa phụ mà cả làng Bút Sơn cho là vững vàng nhất thì, cứ phải chôn chặt nỗi đâu để mà cười với cuộc sống. Hai năm trước, chị Phấn bỗng đã trở thành góa phụ khi chồng chị không thể chống lại được căn bệnh quái ác.
 
Nỗi đau mất chồng khiến cho chị cảm thấy hụt hẫng và mất phương hướng trong cuộc sống. Nhưng rồi, khi nhìn vào những đứa con, chị Phấn tự bảo lòng mình rằng, lúc này nếu như cứ sống trong đau khổ và dày vò thì sẽ chẳng mang lại lợi ích gì. Và rồi, chị đứng vững trở lại, chôn chặt nỗi đau mất chồng, chị lấy lại thăng bằng trong cuộc sống để tiếp tục làm việc, kiếm tiền nuôi sống các con. Chị Phấn nghĩ rằng, người chết thì đã chết rồi, những người còn sống phải vững vàng để đi tiếp chứ không thể nào mãi quẩn quanh bằng những suy nghĩ tiêu cực. Nếu như mình quá đau khổ mà biểu hiện ra ngoài, những đứa con mình cũng sẽ chán nản và tiêu cực theo. Chính vì thế, là người mẹ phải đứng vững để cuộc sống các con được ổn định.
 
Nghĩ vậy và làm vậy, cuộc sống của mấy mẹ con nhà chị Phấn vượt qua được nỗi đau mất chồng, mất cha để sống một cách đơn giản và thoát hẳn khỏi cảm giác đau đớn. Chẳng biết, khi thời gian trôi đi, sẽ còn bao nhiêu người phụ nữ ở Bút Sơn rơi vào cảnh góa phụ, nhưng có lẽ, cuộc sống sẽ vẫn phải tiếp diễn và những câu chuyện đau đớn ở nơi đây sẽ còn nối dài theo thời gian.
  • Gia Nguyễn
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc