Đặc điểm của bệnh bại liệt
Bệnh bại liệt đã có từ rất lâu trong lịch sử loài người. Chỉ tính từ đầu thế kỷ 20, bệnh dịch đã xảy ra ở hầu hết các châu lục: Tại Châu Âu từ Na Uy, Thụy Điển vào năm 1905 và số bệnh nhân tăng mạnh vào các thập niên 1950-1955. Ở Mỹ riêng năm 1952 có 21.269 trường hợp bại liệt được ghi nhận.
Từ 1955-1960 khi có vắc xin bất hoạt và vắc xin sống giảm độc lực thì tỷ lệ mắc và chết đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, ở các nước đang và kém phát triển bại liệt vẫn còn là thách thức lớn tới sức khoẻ loài người đặc biệt ở trẻ em. Tại Trung Cận Đông năm 1988 có 2.342 trường hợp; 1988 vẫn còn 225 ca bại liệt. Tại Châu Phi năm 1988 có 4.564 ca mắc, đến 2002 vẫn còn 214 ca mắc. Tại Châu Á: Ấn Độ năm 2003 ghi nhận có 1.600 ca bại liệt.
- Ở Việt Nam: Những năm trước khi có vắc xin đã xảy ra các dịch lớn vào năm 1957-1959. Tỷ lệ bại liệt năm 1959 là 126,4/100.000 dân, từ năm 1962 khi Việt Nam chế tạo thành công vắc xin bại liệt sống giảm độc lực Sabin (OPV) thì tỷ lệ mắc và tử vong đã giảm đáng kể và không có các vụ dịch xảy ra.
Sau thống nhất đất nước 1975, kiên trì và mở rộng Chương trình tiêm chủng mở rộng trong đó gần 100% trẻ em được uống vắc xin bại liệt. Đến năm 2000 Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố Việt Nam đã thành công trong khống chế bệnh bại liệt trên toàn quốc. Nghĩa là Việt Nam đã không còn một bệnh nhân bại liệt nào do vi rút bại liệt hoang dại gây nên.
Nguồn truyền nhiễm
- Ổ chứa: Người là ổ chứa duy nhất, đặc biệt là những người nhiễm vi rút bại liệt Polio thể ẩn, nhất là trẻ em.
- Nguồn truyền bệnh: Là bệnh nhân ở các thể lâm sàng và người lành mang vi rút bại liệt Polio. Họ đào thải rất nhiều vi rút bại liệt theo phân làm ô nhiễm nguồn nước và thực phẩm.
- Thời kỳ ủ bệnh: Từ 7-14 ngày, đối với các trường hợp có dấu hiệu liệt thực thể. Tuy nhiên thời kỳ ủ bệnh có thể dao động từ 3-35 ngày.
- Thời kỳ lây truyền: Chưa xác định, nhưng có thể kéo dài trong thời gian vi rút còn tồn tại trong cơ thể và đào thải ra ngoài. Sau khi xâm nhập vi rút có trong dịch tiết hầu họng sau 36 giờ, trong phân sau 72 giờ; ở trong phân vi rút thường tồn tại từ 3-6 tuần hay lâu hơn. Lây truyền có thể từ 7-10 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng.
Phương thức lây truyền bệnh bại liệt
Lây truyền từ người sang người chủ yếu là qua đường phân - miệng. Vi rút bại liệt chủ yếu từ phân ô nhiễm vào nguồn nước, thực phẩm rồi vào người qua đường ruột. Cũng có khi lây truyền qua đường hầu họng. Không bao giờ lây nhiễm qua côn trùng trung gian.
Những ai thường hay mắc bệnh bại liệt?
Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh bại liệt có thể để lại những di chứng vĩnh viễn, suy hô hấp, khó thở, ngừng tim, dẫn đến tử vong.
“Nhiễm virus bệnh bại liệt rất nguy hiểm. Hiện nay, không có thuốc điều trị và để lại hậu quả nặng nề như: liệt hô hấp, tê liệt các cơ”, PGS Dũng cho biết.
Theo PGS. Dũng, bệnh bại liệt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả người lớn nếu chưa có miễn dich cũng có nguy cơ nhiễm virus bại liệt. Tuy nhiên, đối tượng mắc nhiều nhất là trẻ dưới 15 tuổi, trong đó đa phần gặp ở trẻ trong độ tuổi từ 1 đến 3.
Để phòng chống bệnh bại liệt, biện pháp hiệu quả nhất vẫn là sử dụng vắc xin. “Uống văcxin là cách duy nhất để ngăn ngừa bệnh. Trẻ sơ sinh nên được uống văcxin phòng bại liệt vào các tháng thứ 1, thứ 2 và thứ 3 sau khi sinh”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo.