Những tai nạn thương tâm trong mùa mưa ở Hà Nội

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Đã có nhiều tai nạn thương tâm vì cây đè phải, vì ổ "trâu", vì điện giật... trong mùa mưa. Chính vì thế, người dân thủ đô luôn lo sợ khi phải ra đường trong những ngày giông bão.

Bị cây đổ đè trúng, lái xe taxi tử vong tại chỗ

tai nạn mùa mưa

Cảnh tượng chiếc taxi bẹp dúm do cây đè sẽ trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người.

Một tài xế taxi bị cây xà cừ đè tử vong tại chỗ ngày 4/6 ở Hà Nội. Sự việc đau lòng xảy ra với tài xế taxi mang biển kiểm soát 29A - 973.24 trong trận mưa dông với cường độ mạnh kéo dài trong suốt một giờ khiến nhiều người hết sức sửng sốt và đau lòng. Với một thành phố hiện đại và phát triển bậc nhất như Hà Nội, việc cây xanh đè chết người trở thành điều vô lý nhưng dù vô lý, nó vẫn đã xảy ra.

Đây chỉ là vụ việc mới nhất trong nhiều vụ việc cây xanh bật đổ đè bẹp xe ô tô gây nhiều cái chết thương tâm cho người lái.

Đi ngang qua cột điện cũng bị điện giật chết

Trận mưa lớn, kéo dài nhiều giờ vào sáng 27/4 vừa qua đã gây úng ngập trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội. Trong lúc mưa to, đường ngập nước, anh Trần Văn Được cùng hai người bạn đi ngang qua cột điện thuộc khu vực Mễ Trì Thượng (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) thì cả ba người bị điện giật ngã lăn xuống đất. Anh Trần Văn Được được mọi người sơ cứu rồi chuyển vào cấp cứu tại Bệnh viện 198 nhưng không qua khỏi. Tai nạn nêu trên cảnh báo mọi người phải hết sức lưu ý, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống điện giật, bảo đảm an toàn về điện trong mùa mưa bão.

Hệ thống truyền tải, lưới phân phối điện của Hà Nội hiện còn nhiều điểm có nguy cơ gây mất an toàn cao. Một số nhà dân nằm trong khu vực vi phạm an toàn hành lang đường điện cao áp, dễ bị phóng điện gây hư hỏng tài sản, chết người khi thời tiết xấu, mưa bão, sấm sét. Nhiều trạm biến áp, tủ điện đặt ở vị trí thấp gần mặt đất, khi mưa to, ngập nước, điện rò rỉ gây nguy hiểm đe dọa tính mạng con người, nhất là thiết bị cũ, đặt ở nơi trũng thấp.

Tình trạng đường điện "gánh vác" thêm nhiều loại dây thông tin, viễn thông, truyền hình, internet... thành mớ mạng nhện trên các con phố, ngõ ngách cũng dễ gây nguy hiểm khi không được kiểm tra, phát hiện, xử lý những hư hỏng, cũ nát, nguy cơ hở điện, chập cháy, nhiễm dẫn điện khi gặp nước.

Tại khu vực ngoại thành, một số nơi, chất lượng lưới phân phối điện không bảo đảm an toàn, công tác quản lý còn lỏng lẻo, ý thức chấp hành quy trình, quy phạm chưa nghiêm, còn chủ quan, tùy tiện, dễ gây nguy hiểm khi có mưa bão. Hiện tượng cây đổ, cành gãy làm đứt dây điện, dẫn đến chập cháy, điện giật chết người trong gió bão vẫn có thể xảy ra.

Chèo thuyền lúc mưa giông, 2 người chết và mất tích trên Hồ Tây

Mới đây, chiều 4/6 khi đang chèo thuyền ra Hồ Tây, nhóm thanh niên trong câu lạc bộ chèo thuyền nghiệp dư gặp phải giông lớn. Hai chiếc thuyền quay lại điểm xuất phát, chiếc còn lại cố về đích, giữa đường bị lật.

Qua quá trình tìm kiếm, đến 23h cùng ngày 4/6, lực lượng chức năng đã tìm được thi thể anh Đỗ Đức Minh tại khu vực hồ sát với phía sau khách sạn Tây Hồ, thuộc địa bàn phường Quảng An. Chiều 5/6, các lực lượng vẫn đang phối hợp tổ chức tìm kiếm anh Nguyễn Hà hiện còn mất tích.

tai nan mua mua

Sau một cơn mưa, người đi đường chỉ thấy mặt đường là “biển nước”.

Rơi xuống hố ga mất nắp bé 1 tuổi tử vong

Hiện tình trạng hố ga mất nắp gây mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn vẫn diễn ra khá bức xúc trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nhất là vào thời điểm hiện nay, khi đang là mùa mưa bão.

Nhiều tuyến phố Hà Nội đã bị úng ngập mùa mưa như: Đường Phạm Hùng, Giải Phóng, Trương Định v.v... Chủ phương tiện khá vất vả khi lưu thông qua tuyến đường này. Đáng chú ý, cũng chính vì lòng đường ngập nước nên đã có không ít vụ “sập” hố ga mất nắp xảy ra.

Không chỉ đường Mễ Trì, trên trục đường Phạm Hùng, Trần Duy Hưng, trục đường quanh khu đô thị Nam Trung Yên… cũng xuất hiện tình trạng – hố ga mất nắp án ngữ trên vỉa hè gây bức xúc dư luận. Những hố ga toác miệng có độ sâu 2 -3m này xuất hiện đã lâu, nhưng đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng xử lý, cảnh báo.

Những ngày mưa bão, đường phố ngập nước, mối lo này càng được nhân lên. Lẽ bởi, khi nước ngập trắng, người dân không biết đâu là đường, đâu là gố ga để mà tránh. Và rồi đến khi “sập” xuống hố ga có độ sâu 2 - 3m này, hậu quả xảy ra thì đã quá muộn.

Trên thực tế, liên quan đến vấn đề này, cũng đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra. Đã có trường hợp, tại khu vực công trình đang thi công cầu vượt Đông Trù, thuộc địa phận phường Ngọc Thụy, quận Long Biên (Hà Nội), hai cháu Trần Văn Tùng, 14 tuổi và cháu Trần Bảo Nguyên, 1 tuổi bị rơi xuống hố ga không có nắp án ngữ ở đây. Hậu quả khiến cháu Nguyên tử vong.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn