Đời sống) - Anh gọi điện cho họ hàng, người thân, nghẹn ngào không thành tiếng, mãi sau anh mới bật ra được mấy câu run rẩy: “Thiên Bảo đi rồi cô chú ạ!”. Thiên Bảo là quí tử nhà anh. Chỉ cần nghe cái tên ấy, ai cũng biết rằng vợ chồng anh yêu quí, nâng niu cậu con trai đến thế nào. Ngày cậu sinh ra trên đời, anh đã đặt vào cậu biết bao nhiêu kì vọng. Vậy mà chỉ 20 năm sống trên đời, cậu đã làm vợ chồng anh bao lần đau đến đứt ruột, để rồi bây giờ, Thiên Bảo nhà anh ra đi vì ma túy và HIV.
[links()]
“Con vàng, con bạc”
Đứng bên cạnh áo quan của cậu con trai, vợ chồng anh khóc đến lả người đi. Vợ anh luôn miệng gọi tên con rồi trách cứ ông trời sao nỡ bắt tội cậu thanh niên mới vừa tròn 20 tuổi. Thiên Bảo đi vào đúng ngày sinh nhật của mình, trớ trêu và đau lòng làm sao.
Thấy vợ khóc thảm thiết như vậy, anh đau như đứt từng khúc ruột, nhưng trong thâm tâm mình, anh hiểu rằng cơ sự này đâu phải tại ông trời, đó là vì anh chị đã quá nuông chiều cậu con trai.
Thiên Bảo nhà anh đã từng là một thanh niên rất đẹp trai với khuôn mặt thanh tú đậm nét thư sinh, dáng người dong dỏng, làn da trắng đến nỗi khiến cho đám con gái cũng phải ghen tị. Vậy mà bây giờ, sau ba năm tàn phá bởi ma túy và những đêm chơi bời trác táng, cậu chỉ còn là một bộ xương khô, gầy đến khẳng khiu, hốc hác, hai mắt thâm quầng, lõm sâu còn làn da thì sạm một màu xanh tái và đầy những vết lở loét.
Càng nhìn con, anh càng đau xót. Người nằm trong quan tài kia chính là tương lai của vợ chồng anh, là tài sản quí giá nhất mà vợ chồng anh có được. Thiên Bảo chết, bao hi vọng của vợ chồng anh cũng chết theo.
20 tuổi, cậu thanh niên ấy đã hoang phí đời.
Sau ba năm bị tàn phá bởi ma túy và những đêm chơi bời trác táng, cậu chỉ còn là một bộ xương khô, làn da thì sạm một màu xanh tái và đầy những vết lở loét. |
Mất bao tiền của, công sức, cuối cùng, đến năm 42 tuổi chị cũng có mang. Anh chị mừng như chết đi sống lại. Chờ đợi mòn mỏi, đếm ngược từng ngày đến khi đứa trẻ được sinh ra. Bế cậu con trai trên tay, anh sung sướng khôn tả. Anh chị đặt tên con là Thiên Bảo - bảo bối của trời.
Thiên Bảo nhà anh sinh ra với ba chỏm tóc trên đầu, xinh xắn, bụ bẫm như tiên đồng trong các truyện cổ tích ngày xưa, ai nhìn thấy cũng phải trầm trồ, tấm tắc. Anh đã nghĩ rằng cậu bé lớn lên hẳn sẽ làm được nhiều điều khiến bố mẹ tự hào, mở mày mở mặt.
Anh chị yêu con lắm. Hồi ấy nhà anh còn thiếu thốn, hai vợ chồng nhiều lúc phải nhịn cơm để mua sữa cho con uống. Biết mình sinh con khi đã lớn tuổi, sợ cậu bé không được khỏe mạnh nên anh chị hết sức chăm sóc cho con.
Ngày đó, anh có một cái đồng hồ mang từ Tiệp Khắc về, anh quí cái đồng hồ ấy lắm vì nó là thứ có giá trị nhất trong nhà anh lúc bấy giờ, nhưng anh sẵn sàng mang bán chiếc đồng hồ ấy để lấy tiền mua sữa và đồ chơi cho Thiên Bảo.
Nhà anh không giàu, nhưng Thiên Bảo luôn thích gì được nấy, không phải chịu cảnh thiếu thốn bao giờ. Vợ chồng anh sẵn lòng nhịn ăn, nhịn mặc để cậu con trai được ăn sung mặc sướng. Đi đâu, anh cũng cho Thiên Bảo đi cùng để “khoe” con. Anh có thể ngồi hàng giờ liền thao thao bất tuyệt kể chuyện về Thiên Bảo nhà anh mà không thấy chán.
Đến tuổi đi học, anh chị còn cầu kì chọn trường, chọn lớp cho con. Con anh phải được học trong những trường danh tiếng dù học phí có đắt đỏ đến thế nào. Nhưng môi trường học tập không hoàn toàn làm nên con người của Thiên Bảo nhà anh.
Được bố mẹ chiều chuộng, nâng niu hết mực nên cậu quí tử nhà anh rất ngang bướng, ngỗ ngược. Có lần, bị cô giáo phạt đứng góc lớp, cậu về nhà khóc lóc ầm ĩ, kể lể sự tình rồi nhất định không chịu đi học nữa. Anh chị lại lập tức dắt con đến nhà cô giáo để đề nghị cô lần sau không phạt con anh như vậy nữa.
Rồi lần khác, Thiên Bảo nhà anh tranh giành đồ chơi với bạn, bị bạn cào xước tay. Cậu bé lại khóc lóc mách tội bạn với bố mẹ. Anh chị lại đùng đùng kéo con sang nhà cậu bạn kia để “bắt đền”. Thấy bố mẹ bảo vệ mình như vậy nên càng ngày Thiên Bảo càng hư đốn, khó dạy. Lớn lên, cậu ta trở thành một thanh niên lêu lổng, giao du với đám bạn xấu, bỏ nhà đi chơi thâu đêm suốt sáng.
Giá như đừng quá nuông chiều…
Giá như đừng quá nuông chiều…
Cố gắng lắm, Thiên Bảo nhà anh mới học hết cấp 3. Vừa ra trường, cậu ta tuyên bố sẽ đi học nghề sửa chữa điện thoại di động để về mở cửa hàng. Anh chị mừng húm, gom góp đưa con 40 triệu để làm học phí, mong rằng con sẽ học được nghề để tự lo cho cuộc sống. Ai ngờ, số tiền anh chị vay mượn được ấy bị Bảo đốt vào chiếu bạc và ma túy hết sạch chỉ trong vòng 2 ngày.
Hết tiền, Bảo lại mò về nhà “nã” bố mẹ. Anh chị xót của nhưng cũng chẳng nỡ trách mắng con, lại tất tả vay mượn thêm để con đi học nghề. Nhưng lại một lần nữa, Bảo nướng trọn số tiền mồ hôi nước mắt của bố mẹ vào “trường đời” với những “môn” hút chích và xòe bài.
Không có tiền ăn chơi, Bảo xoay ra lừa đảo xe máy của bạn, mang vào hiệu cầm đồ để lấy tiền. Người ta tìm đến nhà, dọa đưa ra công an, anh chị lại vội vàng vay mượn để đền bù cho êm chuyện.
Bảo nghiện ngập, bị đưa vào danh sách đi cai nghiện bắt buộc của địa phương, anh chị thương con, sợ con khổ, lại chạy chọt xin xỏ cho con ra khỏi danh sách. Anh nước mắt ngắn, nước mắt dài kể lể thống thiết, thanh minh cho cậu quí tử nhà mình:
“Thiên Bảo chỉ thử cho vui thôi, nó chẳng nghiện ngập gì đâu, nó đã cai được mấy hôm nay rồi”. Trước mặt anh, cậu con trai thề thốt đủ điều, toàn những điều tốt đẹp, dễ mủi lòng và êm tai. Nhưng anh đâu có ngờ, sau lưng anh, cậu ta lại tự hào với đám bạn giang hồ rằng: “Lừa ông bà già tao dễ lắm!”.
Càng ngày, Thiên Bảo nhà anh càng lún sâu hơn vào ma túy. Ngày ngày, vợ anh phải dậy từ tờ mờ sáng, gồng gánh những sọt đầy hoa quả ra chợ bán, còn anh, bất kể mưa gió, rét mướt phải bạc mặt ngoài đường làm xe ôm. Mỗi ngày, ngoài tiền ăn uống, sinh hoạt, vợ chồng anh phải cố gắng kiếm cho được 100.000 đồng để cậu con trai thỏa mãn cơn nghiện ngập.
Có những ngày mưa gió sụt sùi, gánh của vợ anh ế ẩm, anh thì đau ốm, không ra đường được. Không có tiền, Thiên Bảo về nhà chửi mắng bố mẹ rồi đùng đùng khuân đồ đi bán. Anh chị đau lòng lắm, nhưng nghĩ con còn trẻ người, non dạ, lại có độc một đứa con, nên cũng mau chóng bỏ qua.
Đồ đạc trong nhà anh bị cậu quí tử bán dần bán mòn, từ cái tivi đến cái quạt bàn chẳng mấy giá trị. Đến cả chiếc xe máy Trung Quốc đã hỏng trước, vá sau của anh, kế sinh nhai cuối cùng của anh cũng bị con trai bán mất trong một cơn đói thuốc. Anh chị chỉ còn lại căn nhà trống hoác và một cõi lòng cũng trống trải, tan hoang.
Một lần nữa, Thiên Bảo lại bị đưa vào danh sách đưa đi cai nghiện bắt buộc của địa phương. Cậu ta lại về nhà vòi vĩnh bố mẹ lo cho mình được ở nhà. Nhưng sức cùng lực kiệt, anh chị đành ngậm ngùi để con đi, ấp ủ hi vọng con sẽ cai nghiện và sớm trở về với gia đình. Thiên Bảo bị đưa vào trại cai nghiện tận Quảng Trị.
Gia đình khó khăn, song mỗi tháng, anh chị đều cố gắng tằn tiện, vay mượn để vào thăm con. Vợ chồng anh vượt qua gần 600 cây số từ Hà Nội vào đến Quảng Trị chỉ để được gặp con, nhìn con cho đỡ nhớ rồi lại quầy quả ra về, bạc mặt với cuộc mưu sinh, nhọc nhằn trả nợ.
Lần mới đây, anh chị hoảng hốt khi nghe trung tâm cai nghiện điện ra, thông báo Thiên Bảo đã mắc HIV giai đoạn cuối, bệnh tình ngày một nặng, bảo gia đình mau thu xếp vào đón. Anh chị choáng váng, tưởng như trời đất đổ sụp. Hai thân già lại thuê xe vào Quảng Trị đón con, và đó cũng là lần cuối.
Khi anh vào đến nơi, Thiên Bảo đã yếu lắm, khắp người lở loét, chỉ còn da bọc xương. Vợ anh khóc như vắt hết sức lực ra để khóc, chị không ngờ cậu con trai vàng bạc lại tiều tụy nhanh đến thế và rời bỏ anh chị nhanh đến thế. Còn anh, người đàn ông chưa bao giờ khóc trước bao sóng gió của cuộc đời, giờ phải rơi nước mắt, những giọt nước mắt to nặng và đắng chát.
Thiên Bảo của anh đã không đợi được đến khi về tới nhà, cậu đã trút hơi thở cuối cùng trên đường về, trong niềm đau vô hạn của cha mẹ. Ôm đứa con giờ chỉ còn là một nhúm xương đã khô kiệt sự sống trên tay, ruột gan anh thắt lại như thể cái chết cũng đã tìm đến với anh. Anh gào lên đến lạc cả giọng: “Con ơi! Giá mà đừng nuông chiều con quá!!!”
- Anh Đào