Nỗi đau “xé lòng” của phụ nữ vùng lũ nữ trong ngày 20/10

( PHUNUTODAY ) - Những người phụ nữ chẳng cần hoa cũng chẳng cần quà, họ chỉ muốn có một cuộc sống đơn giản là được quây quần bên gia đình. Chứ không phải 1 tay xách đồ, 1 tay bế con chạy nước lũ.

Ngày 20/10 đẫm nước mắt

Những năm trước, vào ngày 20/10, chị Nguyễn Thị Hồng (SN 1970) trú tại xóm 6, xã Hòa Hải, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) hồ hởi tham gia các hoạt động vui chơi, thể dục thể thao do hội phụ nữ xóm tổ chức.

Nhưng năm nay, không chỉ xóm chị mà rất nhiều xóm, xã khác không hề ai nhắc tới ngày lễ, ngày kỷ niệm. Bởi hôm nay, rất nhiều gia đình vẫn phải tất tả với cuộc sống khó khăn sau lũ, vẫn ngồi khóc nơi góc nhà ẩm ướt. Chị Hồng cũng vậy, vẫn phải buộc khăn trắng trên đầu để chịu tang cho bố.

Điều đau đớn hơn chính là việc bố của chị lại mất trong chính trong cơn lũ vừa qua. Cảnh đưa tang người thân trong dòng lũ khiến mọi người không khỏi xót xa.

Trước đó, vào chiều 14/10, bố chị Hồng đột ngột tử vong. Khi gia đình đang bối rối trong tang lễ thì mưa lớn, nước dâng cao khiến cả vùng bị ngập trong nước.

Một đám tang trong khi bốn phía xung quanh là nước khiến gia đình chị Hồng đau đớn không thể nói nên lời, chỉ biết ôm quan tài khóc thương cho số phận của gia đình.

lu1 phunutoday.vn

 Rất đông người đến dự đám tang 

Chung nỗi đau mất người thân, nhưng bà Nguyễn Thị Nhuấn, trú thôn 6, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) càng xót xa khi “kẻ đầu bạc tiễn người tóc xanh”. Bởi trong đợt lũ vừa rồi, anh Nguyễn Văn Trung (31 tuổi, con trai bà Nhuấn) đã tử vong khi đang giúp người dân chạy lũ.

Theo đó, tối ngày 14/10, trời mưa rất to, nước bắt đầu lên nhanh nên 13 hộ dân sinh sống cạnh đập nước Đá Hàn (thuộc thôn 5, xã Cẩm Quan) bị nước bủa vây. Thấy bà con gặp nạn, 3 bố con anh Trần Văn Trung đã chia nhau, chèo thuyền đến nhà người dân trong thôn để ứng cứu.

Sau khi bàn bạc, anh Trung lập tức cầm đèn pin, một mình chèo thuyền gỗ sang hàng xóm. Tuy nhiên, đến sáng ngày 15/10, người dân hoảng hốt phát hiện thi thể anh Trần Văn Trung nằm co quắp dưới dòng nước lũ.

Khi biết tin, hàng xóm láng giềng không ai bảo ai đều sang hỗ trợ gia đình dựng phông tổ chức đám tang. Chưa lần nào có đám tang mà đông người đến thế, các chị em lặng lẽ đến bên bà Nhuấn sẻ chia cùng bà, nhưng có lẽ sẽ rất lâu nỗi đau của người mẹ già này mới có thể nguôi ngoai.

Bà Nguyễn Thị Ái (ở xóm 13, xã Gia Phố, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) năm nay bà đã 76 tuổi. Các con của bà đều lấy chồng, lấy vợ rồi lập nghiệp ở những nơi xa. Bà sống cùng với một người hàng xóm cùng cảnh ngộ là bà Nguyễn Thị Chắt năm nay cũng đã hơn 80 tuổi.

lu phunutoday.vn

 Hai thân già sống nương tựa vào nhau

Trận mưa lũ vừa qua, nước ngập vào gần đến nữa ngôi nhà của hai bà, khiến tất cả đồ đạc bị chìm trong nước lũ. Chiếc tivi cũ do con cháu để lại, có lẽ cũng là tài sản lớn nhất của hai bà cũng bị ngâm nước hư hỏng.

“Trận lũ lụt vừa qua chỉ có hai bà già ở trong nhà nên không kịp trở tay. Hai bà chỉ kịp chạy sang nhà hàng xóm để tránh lũ, đồ đạc trong nhà bị ngập ướt hết”, bà Ái tâm sự.

Tranh thủ lúc nước lũ đã rút, trời hửng nắng bà Ái đưa đống rơm sắp mục nát ra phơi để làm nhiên liệu đốt.

“Lũ đi qua là chẳng còn gì nữa cháu ạ. Bà chỉ mong đừng có lũ lụt nữa, lũ lụt về khổ lắm. Bà chỉ mong vậy thôi, chứ bà chẳng dám nghĩ đến cái ngày lễ phụ nữ đâu cháu”, bà Ái chia sẻ khi được hỏi về ngày tôn vinh phụ nữ Việt Nam 20/10.

Ngày 20/10: Chỉ mong qua thời gian này để được "bình yên"

Đối với nhiều phụ nữ cả nước, vào ngày hôm nay sẽ xúng xính quần áo để đi chơi, tổ chức ăn uống hay tự cho mình nghỉ ngơi. Nhưng với các chị em vùng lũ thì đây là thời gian họ phải lao động cật lực để quay trở về cuộc sống trước đây.

Cơn lũ đi qua đã cuốn đi gia súc, gia cầm, lương thực và thậm chí tài sản có giá trị. Nhiều người dân đã trắng tay sau đợt nước dâng lần này. Trước mắt họ là cái đói, cái khát và dịch bệnh đang bủa vây xung quanh.

Toàn bộ đồ đạc trong nhà đều bị ngấm nước, thậm chí bà Khang còn chẳng có giường nằm vì đã bị hư hỏng. May mắn hàng xóm láng giềng đã cùng nhau đến chung sức giúp đỡ người đàn bà đơn thân này. Tuy nhiên không biết đến bao giờ bà Khang mới có thể khôi phục lại nhà như cũ.

Hiện nay, tuy nước đã rút nhưng nhà cửa, vật dụng sinh hoạt của các hộ gia đình ở nơi cơn lũ quét qua đã bị dòng nước nhấn chìm, thóc ướt nảy mầm, nước sạch khan hiếm, nguy cơ đói khát rất cao.

lu2 phunutoday.vn

 Mọi thứ tan hoang sau ngày lũ

Nhắc đến ngày phụ nữ Việt Nam chỉ Xuân mắt rơm rớm lệ: “Hằng năm đến ngày 20/10 chị em vẫn thường tổ chức đánh bóng chuyền rồi văn nghệ, nhưng năm nay chẳng ai dám nghĩ tới. Chỉ mong đừng lũ lụt nữa, người dân ở đây khổ lắm rồi chú ơi!”.

Đó là tình cảnh chung của những người dân ở các vùng bị lũ lụt tàn phá vừa qua.

Dù các chị, các mẹ không nhớ, không dám nghĩ đến cái ngày tôn vinh mình nhưng người dân cả nước vẫn đang hướng về các chị, các mẹ…. Hằng ngày những dòng xe cứu trợ nối đuôi nhau mang theo cả vật chất và tình cảm hướng về các vùng quê chịu ảnh hưởng của lũ lụt. Những hình ảnh, tấm lòng đó cũng phần nào làm ấm lòng những người dân nơi đây.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn