"Tôi phải thừa nhận các vị Bộ trưởng đã thẳng thắn, cũng có mạnh dạn nhận trách nhiệm như Bộ trưởng Bộ Xây dựng..." - ĐB Võ Thị Dung nhận xét.
[links()]
Chi tiêu công của mình còn lãng phí lắm!
PV: - Ngày 1/11, tại buổi thảo luận về việc tăng lương, bà đã khiến hội trường chết lặng khi bật khóc nhắc đến cuộc sống quá thiếu thốn của những bệnh nhân ở một trại phong bà vừa đến thăm. Lúc đó, điều gì đã khiến bà rơi lệ?
ĐB Võ Thị Dung: - Trong không khí của buổi thảo luận về vấn đề ngân sách Nhà nước năm 2012 và phân bổ ngân sách năm 2013 thì Chính phủ thấy tình hình ngân sách năm 2013 rất khó khăn. Trong đó Chính phủ lại chưa cân đối được để tăng lương.
Tôi thấy có nhiều ý kiến nên lên rằng ngành này cần ngân sách, ngành kia cũng cần ngân sách rồi đề nghị Chính phủ phải bằng mọi cách nâng lương theo đúng lộ trình, nhưng ít ai đề cập đến các đối tượng trợ cấp xã hội.
ĐB Võ Thị Dung |
Trong tình hình đó, tôi đã có ý kiến về vấn đề trợ cấp. Ngân sách của mình khó khăn nhưng dự kiến chi thường xuyên của năm 2013 lại tăng lên.
Tôi có đề xuất với QH trong tình hình kinh tế như vậy nếu không tăng lương được cũng phải cân đối để lo cho đối tượng gia đình chính sách, gia đình nghèo. Nói đến đó tôi đã liên hệ đến đối tượng bệnh nhân phong hiện nay đang được hưởng trợ cấp rất thấp.
Theo như tôi biết họ chỉ được 180.000 đồng/tháng, nhưng chỗ tôi đi thăm họ được 240.000 đồng/tháng, tính ra một ngày ăn có 8.000 đồng cho nên họ không được ăn đủ 3 bữa như mình, chỉ được 2 bữa/ngày thôi.
Tôi nói đến đó đã xúc động, mong sao QH quan tâm đến việc tăng trợ cấp xã hội cho những đối tượng họ đang hưởng trợ cấp, nguồn ngân sách Nhà nước.
Cũng tại tính mình dễ xúc động chứ không có gì.
PV: - Ngoài 2 bữa ăn 8.000 đồng/ngày, bà có thể chia sẻ thêm những thiếu thốn, khó khăn trong đời sống của những bệnh nhân phong đó đang phải chịu đựng?
ĐB Võ Thị Dung: - Những đối tượng đó 1/3 không còn sức lao động. Tay, chân ngày càng rơi rụng đi. Hơn nữa, tôi có nghe nói ở chỗ đó những người lành lặn họ làm những sản phẩm thủ công bán rất khó, không ai mua.
Cho nên cuộc sống của những bệnh nhân phong vừa mang mặc cảm, điều kiện sản xuất không tiêu thụ được. Và quan trọng những người tàn phế họ chỉ sống nhờ vào mức trợ cấp của Nhà nước thôi.
Hơn nữa, đối với những đối tượng bệnh phong này các tổ chức từ thiện, xã hội đến thăm cũng rất ít nên tôi thấy trong bối cảnh đời sống hiện nay mức trợ cấp cho họ như vậy là quá thấp.
Cũng là do Ngân sách eo hẹp mà không thể khắc phục giảm bớt được những khó khăn đấy. Chỗ bệnh viện đó có nói, khoảng 5 năm nay tiền trợ cấp vẫn ổn định ở mức đó. Trong khi mức giá của mình tăng liên tục mà mức trợ cấp không được xem xét thì đúng là cuộc sống của họ khó lắm.
PV: - Có ý kiến cho rằng chỉ cần cắt giảm bớt đầu tư, chi tiêu công cũng đủ phần hỗ trợ cho các đối tượng này rồi, bà nghĩ sao?
ĐB Võ Thị Dung: - Đúng vậy. Nếu mình không bị mất mát, tham nhũng, thất thoát lãng phí như vậy thì phần đó mình cũng có điều kiện để mình lo mức trợ cấp xã hội cho những đối tượng yếu thế như bệnh nhân phong.
Cũng chính những suy nghĩ đó mà tôi cũng xúc động. Nước mình cũng chưa quan tâm đến họ đầy đủ.
Hiện nay chi tiêu công của mình còn lãng phí lắm. Tính gương mẫu trong cơ quan, thực hành tiết kiệm chi tiêu công chưa được quan tâm nhiều, chưa có phát huy được. Trách nhiệm sử dụng kinh phí, chi tiêu công của mình hiện nay cần phải chấn chỉnh để thực hiện tiết kiệm nhiều hơn nữa. Hiện nay mình chưa tiết kiệm đâu, còn lãng phí lắm.
Sự quyết liệt của QH, của Chính phủ chưa cao
"Việc nói người dân đừng đưa phong bì, rồi phải chụp hình, ghi lại tôi thấy những giải pháp như vậy không khả thi"... - ĐB Võ Thị Dung |
PV: - Những bất cập đó phải chăng là hệ quả của việc QH cũng chỉ dừng lại... ở những trận cười như hai phiên rưỡi chất vấn vừa qua?
ĐB Võ Thị Dung: - Tôi thấy về phía trách nhiệm của QH cũng không phải, điều quan trọng là trong tình hình hiện nay QH phải tăng cường việc giám sát đối với các thành viên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều hơn. Tức là phải tăng cường trách nhiệm giám sát và cũng đòi hỏi trách nhiệm của các vị Bộ trưởng, Thủ tướng trước đời sống của nhân dân.
QH phải mạnh mẽ hơn nữa, phải quyết liệt hơn nữa, phải giám sát thường xuyên và phải có hiệu quả hơn nữa để Chính phủ phải làm hết sức mình, chăm lo cho đời sống nhân dân.
Không phải trong phiên chất vấn có những câu nói vui của các ĐB mà QH không nghiêm túc, hoặc các vị Bộ trưởng không nghiêm túc. Nhưng trước tình hình hiện nay nếu chỉ dừng lại ở mức độ này, tức là sự quyết liệt của QH, của Chính phủ chưa cao, những đòi hỏi của QH đối với các vị mới chỉ thông qua chất vấn chứ chưa có những chế tài nào cho rõ nét. Như vậy, cũng chưa làm hết trách nhiệm với nhân dân đâu.
Tới đây vấn đề lấy phiếu, bỏ phiếu sẽ tạo cơ hội, điều kiện để mình nâng cao chất lượng giám sát, nâng cao đòi hỏi của QH đối với Chính phủ trước tình hình chung của đất nước, trước việc chăm lo đời sống của nhân dân. Lúc ấy, tôi nghĩ sẽ có hiệu quả hơn.
PV: - Sau 2 ngày rưỡi chất vấn đã diễn ra, cá nhân bà đánh giá, chấm điểm cho từng Bộ trưởng như thế nào?
ĐB Võ Thị Dung: - Tôi nghĩ, các vị Bộ trưởng đều có những cố gắng trong phần lĩnh vực của mình nhưng nếu nói đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, của QH chưa thì tôi thấy chưa.
Những giải pháp của các vị đưa ra có tính khả thi chưa cao. Như Thống đốc NHNN, tôi nghĩ Thống đốc có bản lĩnh, có trình độ nhưng trả lời như thế thì chưa có đầy đủ trách nhiệm, nếu không nói là vô trách nhiệm. Và cá nhân tôi thấy chưa hài lòng.
Ví dụ Thống đốc nói về lưu thông vàng, ông có nói vàng không phải là một mặt hàng thiết yếu nên không cần bình ổn. Nói như vậy hóa ra mâu thuẫn với chính mình.
Kỳ họp trước, Thống đốc có nói nếu vàng trong nước và vàng thế giới chênh lệch 400.000 đồng là có đầu cơ nên Nhà nước sẽ có biện pháp để quản lý mặt hàng vàng.
Bây giờ Thống đốc lại nói đó không phải là mặt hàng thiết yếu cho nên không cần bình ổn thì tôi nghĩ có sự mâu thuẫn.
Hay về vấn đề nợ xấu. Thống đốc nói cũng đúng khi cho rằng nợ xấu không chỉ có ngân hàng nhưng không thấy phần trách nhiệm nhận về mình thì đâu có được. Bởi vấn đề nợ xấu là vấn đề của ngân hàng chứ nợ của ai mà Thống đốc lại nói cái đó phải là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị? Đúng là có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị nhưng trước hết phải là bản thân Thống đốc.
Cho nên những trả lời như vậy cá nhân tôi không đồng tình, cử tri cũng không đồng tình bởi nó thiếu cái trách nhiệm của người đứng đầu. Lĩnh vực tiền tệ liên quan rất lớn đến sự phát triển của đất nước mà trả lời như vậy tôi chưa hài lòng.
PV: - Còn Bộ trưởng nào khiến bà chưa hài lòng về những câu trả lời tại phiên chất vấn?
ĐB Võ Thị Dung: - Tôi phải thừa nhận các vị Bộ trưởng đã thẳng thắn, cũng có mạnh dạn nhận trách nhiệm như Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Thực ra Bộ trưởng trả lời rất thật nhưng tôi nghĩ đã có sự thẳng thắn và có nhận phần trách nhiệm của mình.
Hay Bộ trưởng Bộ Công thương cũng vậy, Bộ trưởng Y tế thì cũng thấy ra có trách nhiệm trong lĩnh vực của mình, nhưng những giải pháp mà các vị đưa ra cũng khó khả thi.
Ví dụ như Bộ trưởng Y tế nói về phong bì thì không phải tất cả thầy thuốc đều như vậy mà chủ yếu những phong bao, phong bì đó đến với những người điều dưỡng, phục vụ cho bệnh nhân. Cho nên, việc mình đặt nặng vấn đề đó tôi cho rằng mình không phần nào chia sẻ hết những khó khăn đối với đội ngũ thầy thuốc.
Nhưng việc đặt vấn đề bệnh nhân phải giám sát chuyện phong bao phong bì thì cái đó phải hỏi do đâu mà họ có việc nhận tiền tiền lót tay đó. Vấn đề trước hết không phải do đời sống, không phải do thu nhập thấp. Cái chính là việc giáo dục nhận thức của họ.
Người bệnh họ đã đau thì mới đến bệnh viện, mình không giúp được người ta lại vòi vĩnh, nhũng nhiễu thì hóa ra vấn đề đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp phải được giáo dục, phải có biện pháp thi đua khen thưởng những người tốt để phát huy.
Việc nói người dân đừng đưa phong bì, rồi phải chụp hình, ghi lại tôi thấy những giải pháp như vậy không khả thi.
Bộ trưởng nắm bắt lĩnh vực của mình không được toàn diện
PV: - Trong phiên chất vấn các bộ trưởng vừa qua, câu hỏi vui của các đại biểu vô tình tạo ra một phần trả lời thú vị tại nghị trường khiến không khí tại Quốc hội bớt căng thẳng, thậm chí nhiều người đã cho là rất "thật thà" tại nghị trường khiến không khí tại QH bớt căng thẳng. Nguyên nhân nào khiến các Bộ trưởng "thật thà" đến vậy?
ĐB Võ Thị Dung: - Tôi nghĩ rằng mình cũng thông cảm cho các vị thôi. Như trường hợp của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch QH có nói đây là lần đầu tiên Bộ trưởng đăng đàn chất vấn, nên việc tỏ ra lúng túng khi bị chất vấn cũng có thể chia sẻ được.
Nhưng theo tôi, điều đó cũng chính do việc nắm bắt lĩnh vực của mình không được toàn diện lắm. Đối với một người đứng đầu, khi ĐB chất vấn lại nói đã chuẩn bị nhưng không mang theo thì theo tôi nó không được hay lắm.
PV: - Tại các phiên chất vấn của QH kỳ này có rất nhiều những tràng cười của các ĐB. Xin hỏi khi ấy bà có cười không?
ĐB Võ Thị Dung: - Tất nhiên những câu trả lời như vậy đều khiến cho các ĐB cười và mình cũng thế thôi. Nhưng quan trọng là trách nhiệm của các vị đối với sự nghiệp.
Như tôi thấy người đứng đầu ngành Xây dựng khi trả lời về vấn đề Sông Tranh 2 cũng lúng túng, cũng thiếu tự tin, nhưng ngay sau đó Bộ trưởng phi ngay lên thủy điện thực tế. Mặc dù, giải quyết như thế nào mình chưa nói, nhưng tinh thần như vậy xứng đáng được biểu dương.
Trong tình hình hiện nay, các vị thành viên của Chính phủ phải sát với thực tiễn. Đây cũng là trách nhiệm của QH. QH bầu các vị lên nhưng bên cạnh việc giao nhiệm vụ như thế thì QH cũng phải giám sát đầy đủ, phải có trách nhiệm, biện pháp để giúp các vị đó có trách nhiệm với nhân dân.
PV: - Qua phiên làm việc của QH lần này, bà có kỳ vọng vào một sự đổi mới trong thời gian tới?
ĐB Võ Thị Dung: - Những tồn tại, vướng mắc và tình hình đất nước nhiều năm tích tụ thì một phiên họp này có thể chuyển biến ngay được. Nhưng tôi nghĩ QH lần này có những yếu tố cho mình niềm tin.
Thứ nhất, Chính phủ đã nhận ra những khuyết điểm của mình trong điều hành.
Thứ hai, QH cũng đã có sự quyết liệt ở chỗ ban hành Nghị quyết bỏ phiếu để tăng cường vai trò giám sát.
Thứ ba, hiện nay bên cạnh đời sống, tình hình, đất nước khó khăn vấn đề tham nhũng cũng là một vấn đề lớn. Lần này QH đã đem ra bàn và quyết liệt để sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng.
Thứ tư, vấn đề đất đai cũng là vấn đề lâu nay nhân dân bức xúc, thực hiện Nghị quyết của Đảng QH cũng quyết tâm sửa Luật Đất đai.
Tôi có một niềm tin với những việc làm và quyết liệt như thế cùng ý thức trách nhiệm từ phía Chính phủ sẽ tạo được những chuyển biến và tạo được niềm tin cho nhân dân.
- Xin cảm ơn bà!
ĐB Võ Thị Dung (SN 2/6/1960), trú tại Phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú , TP.HCM. Bà Dung hiện đang là Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN thành phố Hồ Chí Minh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIII TP. Hồ Chí Minh, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. |
Tràng cười, tiếng khóc của Đại biểu Quốc hội |
- Khải Nguyên (Thực hiện)