Nước nào giúp Trung Quốc thỏa 'cơn khát' dầu mỏ?

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - CNOOC và CNPC là 2 trong 11 công ty đăng ký đấu thầu mỏ dầu nước sâu có trữ lượng lớn nhất thế giới - Libra (Brazil).

VnExpress dẫn thông tin trên Bloomberg cho biết, tập đoàn Dầu khí quốc gia ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) và China National Petroleum (CNPC) là hai trong 11 công ty đăng ký đấu thầu mỏ dầu nước sâu có trữ lượng lớn nhất thế giới - Libra (Brazil).

Libra có trữ lượng khoảng 12 tỷ thùng dầu - tương đương 3 năm tiêu thụ của Trung Quốc, giới chức Brazil ước tính. Ngoài các doanh nghiệp Trung Quốc, Royal Dutch Shell và Total cũng tham gia đấu thầu, Bloomberg cho biết.

Đây là nơi nằm trong khu vực khám phá ra nhiều mỏ dầu lớn nhất thế giới trong thế kỷ 21. Giành quyền khai thác sẽ giúp Trung Quốc hiện thực hóa việc thay đổi chiến lược, từ đầu tư vào các mỏ dầu đang vận hành sang khai thác và phát triển ngay từ đầu một mỏ mới tại Mỹ Latin.

Brazil đã cho đấu thầu mỏ dầu Libra với trữ lượng 12 tỷ thùng. Ảnh: Bloomberg.

Các công ty quốc doanh Trung Quốc có ít kinh nghiệm trong việc khoan dầu ở các vùng nước sâu. Vì thế, họ sẽ phải hợp tác với công ty quốc doanh của Brazil - Petroleo Brasileiro (Petrobras) - hãng sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới ở độ sâu hơn 300m. Brazil đã yêu cầu Petrobras nhận ít nhất 30% mỏ dầu này.

Theo giới chức Brazil, hãng thắng thầu sẽ được phép khai thác trong 35 năm với 12 - 15 giàn khoan ngoài khơi. Công suất dự kiến đạt tối đa trên 1 triệu thùng dầu mỗi ngày. Họ cũng ước tính mỏ dầu này sẽ cần đến 185 tỷ USD tiền đầu tư.

Trước hợp đồng béo bở này, Trung Quốc đã 'vươn vòi' tìm kiếm năng lượng từ rất nhiều nơi trên thế giới. Theo ĐVO, hồi tháng 8 vừa qua, một đơn vị địa phương thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã “vi phạm trắng trợn” những nguyên tắc về môi trường khi khai thác dầu thô tại khu vực Koudalwa, Châu Phi.

Cộng hòa Chad đã quyết định ngưng tất cả các hoạt động của đơn vị thuộc Trung Quốc này. Bộ trưởng Le Bemadjiel nói “Không chỉ họ thiếu các thiết bị làm sạch dầu tràn mà họ còn cố tình làm tràn dầu nhằm mục đích giảm chi phí”, đồng thời ông cho biết thêm rằng đơn vị nói trên của CNPC đã đào những đường hào rất lớn và để dầu chảy vào đó, sau đó các công nhân địa phương chuyển số dầu đi mà không có các thiết bị bảo vệ.

Ông Bemadjiel gọi hoạt động khai thác đó là “vi phạm trắng trợn” và là “hành vi không thể chấp nhận được”. Vị bộ trưởng này còn nhấn mạnh rằng các lãnh đạo của CNPC phải chịu trách nhiệm vì những hoạt động sai trái trên, tuy nhiên ông cũng không công bố thời hạn của việc đình chỉ.

Những hành động khai thác vi phạm nghiêm trọng vấn đề môi trường và không tôn trọng văn hóa cũng như xâm phạm người bản địa của các công ty Trung Quốc đang ngày càng khiến các quốc gia châu Phi chán ghét.

Trước đó, VNE dẫn nguồn China Daily cho hay, hôm 21/6, CNPC đã ký một hiệp định dài hạn mua dầu của Nga trị giá ước tính lên đến 270 tỷ USD trong vòng 25 năm tới.

Hiệp định này cho phép Nga cung cấp 365 triệu tấn dầu cho Trung Quốc bắt đầu từ tháng 7/2013. Rất có thể dầu sẽ được chuyển giao cho phía Trung Quốc thông qua hệ thống đường ống Đông Siberia-Thái Bình Dương hiện đang vận hành và sẽ bơm trực tiếp đến khu Mohe, tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc.

Các quan chức trong công ty CNPC nói rằng hợp đồng này đã được thương lượng hàng tháng trời kể từ chuyến thăm Moscow đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình và một bản hiệp định đã được ký kết vào tháng 3. Nguồn tin cho biết vấn đề giá cả là vấn đề khó khăn nhất trong cuộc thương lượng giữa hai bên.

Mới đây, PetroTimes cho biết hôm 18/10, Tập đoàn Dầu mỏ Rosneft (Nga) đã ký kết một Biên bản ghi nhớ với CNPC về việc hợp tác khai thác, phát triển dầu khí ở các mỏ dầu tại Đông Siberia, trong đó có mỏ Srednebotuobinsk mà Rosneft mới mua lại từ Taas-Yuriakh.

Theo thỏa thuận, hai bên dự trù thành lập một công ty liên doanh, trong đó, Rosneft nắm 51% cổ phần kiểm soát và CNPC sở hữu 49% cổ phần còn lại.

Theo Rosneft, mỏ Srednebotuobinsk có trữ lượng dầu mỏ và khí condensate hơn 134 triệu tấn dầu và hơn 155 tỷ m3 khí đốt. Đầu tháng này, việc khai thác dầu mỏ ở Srednebotuobinsk đã bắt đầu được triển khai.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn