Nói tới thực phẩm Trung Quốc (TQ), có lẽ người Việt là hiểu rõ nhất, giờ đây các công ty thực phẩm TQ tiếp tục vươn ra thế giới, “đánh chiếm” thị trường Mỹ.
TQ cũng ăn bẩn
Ngay với người dân TQ, sản phẩm do chính họ làm ra cũng là những nỗi ám ảnh ghê gớm, từ sau vụ sữa cho trẻ em nhiễm Melamin năm 2008, làm hàng trăm trẻ tử vong, hàng nghìn trẻ bị ảnh hưởng, những vụ việc thực phẩm bẩn, độc liên tiếp bị phát hiện, và chính người dân TQ cũng mất niềm tin vào hàng nước mình. Ngay tới chính quyền TQ dường như cũng bất lực trước thực trạng đó.
Từ đầu năm 2013 tới nay, Bộ Công an TQ đã khởi động chiến dịch truy quét tội phạm về thực phẩm, trong vòng 3 tháng đầu năm, cảnh sát nước này đã phá hơn 2.000 vụ, bắt giữ gần 3.600 người liên can. Trong số đó có hơn 900 người bị cáo buộc đã sản xuất và bán 20.000 tấn sản phẩm thịt hư, thịt kém phẩm chất; đóng cửa hơn 1.700 xí nghiệp, phân xưởng và văn phòng làm việc trái phép, trong đó có cả những xí nghiệp quy mô lớn được cấp phép. Nhà chức trách Trung Quốc đã giải quyết gần 400 vụ liên quan đến sản xuất và chế biến thịt bơm nước, thịt bò và thịt cừu giả, thịt thối và sản phẩm thịt nhiễm độc…
Công ty TQ mua công ty sản xuất thịt lợn hàng đầu của Mỹ trong khi thị trường thịt lợn ở TQ đang chao đảo vì liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: AP. |
Chẳng hạn, một số nghi can đã bán thịt bơm nước hoặc thịt thối, thậm chí thêm các hóa chất độc hại bị cấm vào để làm cho thịt trông tươi ngon; hay như vụ việc 40 tấn xác lợn chết bệnh phải tiêu hủy bị tuồn ra chợ tại tỉnh Phúc Kiến mới đây; 16.000 xác heo chết bị vứt xuống sông Hoàng Phố (Thượng Hải); một nhà cung cấp thịt gà ở miền trung nước này bán gà bệnh cho các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh nổi tiếng KFC, McDonald’s…
Vươn ra thế giới
Với thực phẩm cho người Việt, ở một vài khâu cung cấp, chế biến thực phẩm hiện nay đã nằm trong tay các doanh nhân TQ. Như một doanh nghiệp CP TQ nắm giữ 50% thị trường trứng gà, 30% thịt gà và 7% thịt lợn.
Hay như hoa quả tươi tại Việt Nam, phần lớn hoa quả có nguồn gốc ôn đới bán trên thị trường hiện nay là từ TQ; toàn bộ hạt hướng dương đều nhập của TQ; những thông tin về việc phát hiện các loại rau, củ, quả… nguồn gốc TQ nhiễm độc, không an toàn đã không còn quá xa lạ với người dân. Rồi tới các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chất phụ gia thực phẩm… hiện nay rất nhiều là nhập về từ Trung Quốc.
Rồi việc tiểu thương Trung Quốc vào sâu nội địa Việt Nam thu mua nông sản, thuê đất sản xuất… cũng không còn xa lạ.
Điển hình nhất phải kể tới các loại thực phẩm nhập lậu, nóng nhất thời gian qua là gà thải loại nhập lậu, loại gà này được nuôi lấy trứng, hết chu kỳ khai thác sẽ được đem đi tiêu hủy để thay lứa mới. Nhưng thay vì tiêu hủy, gà này được thu gom nhập lậu sang Việt Nam và bán cho người ăn. Theo kết quả kiểm tra, 95% số mẫu gà thải loại nhập lậu bị thu giữ đều phát hiện tồn dư kháng sinh, gây nguy hại cho sức khỏe con người. Nghiêm trọng hơn, 58% trong số gà đó dương tính với virus H5N1...
Rồi tới mèo, cá cũng nhập lậu từ TQ…
Không chỉ chi phối thị trường Việt Nam, giờ đây, các doanh nghiệp thực phẩm TQ còn tiến hành thâu tóm nhiều hãng chế biến thực phẩm lớn trên thế giới. Khi mới hôm 29/5 vừa qua, công ty Smithfield Foods (công ty thịt lợn lớn nhất nước Mỹ - PV) và tập đoàn Shuanghui International Holdings của TQ đã chính thức sáp nhập, theo đó định giá Smithfield là 7,1 tỉ USD.
Chủ tịch Shuanghui, Wan Long cho biết: “Smithfield sẽ giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người TQ về các sản phẩm thịt chất lượng cao từ Mỹ, trong khi vẫn tiếp tục phục vụ thị trường Mỹ và khắp thế giới”.
Không biết người Mỹ có lo lắng không khi tới đây thịt lợn họ ăn sẽ do những đồng Nhân dân tệ đầu tư, và do người Hoa quản lý?
Nhưng ít ra, Mỹ có một hệ thống kiểu soát chất lượng thực phẩm hoàn thiện, chặt chẽ nên người dân có thể yên tâm phần nào. Còn tại Việt Nam, cái sự lo lắng là điều khó tránh, khi đâu đâu cũng tràn ngập thực phẩm TQ nhưng sự kiểm soát lại không đáng bao nhiêu, mỗi khi nước ngoài phát hiện có vấn đề thì trong nước kiểm tra và cũng có vấn đề. Đơn giản như kiểm soát gà thải loại nhập lậu qua biên giới phía Bắc mà thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất tới cả năm trời vẫn không được, chứ chưa nói tới đủ các thứ nhập lậu khác từ thực phẩm tới hàng hóa tiêu dùng…
Vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm không chỉ người dân mà các đại biểu Quốc hội cũng tỏ ra rất lo lắng. Tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội kỳ họp thứ 5 đang diễn ra, ngày 30/5, Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho hay: Báo cáo của Chính phủ về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cần đề cập đậm nét hơn, vì đây là chuyện của mọi nhà và gây bức xúc trong thời gian qua.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng cho rằng, chúng ta cần nhiều giải pháp hiệu quả, nếu không người tiêu dùng dù có thông thái đến mấy cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của các sản phẩm độc hại. Cụ thể, cần phải ngăn chặn các sản phẩm nhập lậu qua đường biên giới, không nên quanh quẩn truy xét trong các chợ đầu mối; cũng như cần thay đổi tập quán nuôi trồng của nông dân Việt Nam, nhất là việc lạm dụng hóa chất.
Đại biểu Đáng cho rằng, sự việc đã qua nhưng Bộ Y tế và các ngành liên quan cần rút ra được bài học để phục vụ tốt nhân dân. Theo ông, một lời xin lỗi của lãnh đạo ngành Y tế lúc này là cần thiết, bởi đây là biểu hiện của văn hóa, tinh thần trách nhiệm...
Đấy mới là với Bộ Y tế, trong khi thực phẩm bẩn, độc có tới 5 Bộ ngành cũng tham gia quản lý, có lẽ cả 5 cũng phải xin lỗi, hoặc lập một cơ quan liên 5 bộ để phụ trách, vừa chỉ đạo vừa xin lỗi người dân để tránh phân tán, đùn đẩy trách nhiệp.
- Phạm Thanh