Phận gái đẻ thuê

06:44, Thứ hai 21/03/2011

( PHUNUTODAY ) - (Phunudoisong) - Những ngày cuối tháng 2, thông tin 15 cô gái đẻ thuê người Việt được nhà chức trách Thái Lan giải cứu gây chấn động dư luận. hầu hết gia cảnh của những cô gái đẻ mướn hầu hết rất nghèo và thậm chí có những cô, gia đình còn lâm vào cảnh túng quẫn.


Bi kịch những cô gái lầm đường lạc lối.

Trong số các trường hợp, thương tâm nhất có lẽ rơi vào gia đình cô gái Thạch Thị Mi Phúc (19 tuổi, ngụ ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, tỉnh Bạc Liêu).

Tại căn nhà tình thương đã bị dột nát trước sau, cha mẹ của Mi đứng ngồi không yên về tin tức của con. Anh Thạch Xê Ra (50 tuổi, cha Mi) và chị Trần Thị Hồng (46 tuổi, mẹ Mi) sốt ruột đợi điện thoại của đứa con gái thân yêu gọi về.

Cứ đến chiều, anh Thạch Xê Ra lại lặng lẽ đi kéo nước đến gần nửa khuya mới về. Công việc của anh vẫn diễn ra đều đặn và được trả 70 ngàn đồng. Trong căn nhà đơn xơ được lợp bằng tôn xi-măng, nền lát vài viên gạch Tàu giản dị, chị Hồng đang ôm đứa cháu ngoại 3 tuổi vào lòng.

Nói về gia cảnh, chị không dấu sự nghèo khó của mình. Căn nhà này được hỗ trợ bởi các cấp chính quyền địa phương, nay đã mục nát. Quanh vách nhà, anh Thạch Xê Ra phải dùng tấm bạt tạm phủ bên ngoài để che sương tránh gió. Khi nhắc về đứa con, chị nấc lên từng hồi và tiếc thương cho sự dại dột của con trẻ.

 

Mô tả ảnh.
Trong căn nhà dột nát, xiêu vẹo nơi vùng biển nghèo tỉnh Bạc Liêu, Thạch Xê Ra từng ngày trông ngóng con về. (Ảnh tư liệu)


Lên Sài Gòn từ năm 17 tuổi, Phúc nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống mới. Cô gái được nhận vào phụ bán quán cơm từ tờ mờ sáng đến quá nửa khuya. Tuy cực nhưng 2 tháng một lần, Phúc vẫn đều đặn gửi về cho gia đình 800 ngàn đồng. Trong một dịp cuối năm, Phúc về quê, em dấu cha mẹ chuyện làm hộ chiếu để ra nước ngoài.

Duy nhất trong gia đình chỉ có đứa em gái Thạch Thị Mi Mi (10 tuổi) là biết chuyện. Trong một buổi trưa, Mi Mi phát hiện chị lấy hộ khẩu ra xã để làm giấy tờ, Mi Phúc đành kể lại cho em nghe về chuyện qua Thái Lan để giữ con cho người ta. Trên đường từ UBND xã về nhà, Phúc không quên dặn bé Mi: “Đừng để cho ba mẹ hay vì sẽ không được đi”.

Ngày ở Sài Gòn sắp lên đường sang Thái, Phúc gọi điện thoại về nhà một cách bất thường. Ở đầu dây bên kia, em nói với mẹ bằng giọng run run như tiên đoán chuyến đi lành ít dữ nhiều. Nhận được cú điện thoại của con, chị Hồng nghe máy và đến bây giờ vẫn còn nhớ rõ những lời con trẻ: “Mẹ ơi con đi làm nha”.

Quá đỗi ngạc nhiên vì từ trước đến nay Phúc vẫn đang ở Sài Gòn để làm và cách nói chuyện khác lạ so với mọi lần. Chị Hồng gặn hỏi: “Con đi làm gì, ở đâu?”. Phúc cầm máy, nghe rõ lời mẹ hỏi nhưng không đáp. Những tiếng nấc từ bên trong điện thoại khiến chị Hồng mường tượng Phúc đang dấu chị điều gì đó. Em im lặng hồi lâu và cúp máy.

Sau 2 tháng kể từ lúc nhận được cuộc điện thoại của con gọi về, chị Hồng mới vỡ lẽ Phúc đã sang Thái Lan để làm thuê. Ở nhà, trong một bữa cơm chiều chị Hồng cứ nhắc mãi về Phúc, bé Mi hồn nhiên kể lại tận tường cho chị Hồng hay cái ngày Phúc đi làm hồ sơ để ra nước ngoài. Nói đến đây, đôi mắt người mẹ bổng đỏ hoe. Và, cái Tết vừa rồi cũng là lần đầu tiên mà con gái chị ăn Tết xa nhà. Chứ mọi năm, Tết nào đứa con gái thân yêu cũng đoàn tụ sum họp bên gia đình.

 

Mô tả ảnh.
Thạch Xê Ra và chị Trần Thị Hồng sốt ruột trông đợi tin con. (Ảnh tư liệu)


Lấy tay quệt vội hàng nước mắt đang chực chảy xuống, chị Hồng buồn bã: “Đến bây giờ vẫn chưa nhận được tin tức của đứa con gái. Nếu biết con ra nước ngoài làm ăn, gia đình tui đâu có ai đồng ý cho nó đi”. Trong thâm tâm chị dù không nói ra nhưng không bao giờ muốn con gái đi làm ăn xa như vậy nữa.
   
Những cô gái đi biệt tăm

Như trường hợp cô gái Nguyễn Ánh Tuyết (25 tuổi, ngụ ấp 4, TT Giá Rai). Sinh ra trong một gia đình khá nghèo, mẹ của Tuyết là chị Phạm Thị Dương (53 tuổi) sức khỏe kém, đau ốm thường xuyên.

Hôm chúng tôi đến thăm gia đình chị Dương cũng là lúc chị vừa dứt cơn bệnh. Nhưng cái nghèo khó như không buôn tha gia đình, cha chồng chị Dương (ông nội Tuyết) lại tiếp tục lâm bệnh nặng và đang được điều trị tại nhà. Những lúc khỏe mạnh chị Dương tranh thủ kiếm tiền phụ giúp chồng. Trời vừa tờ mờ sáng, chị tranh thủ đến các gia đình khá giả trong Thị  trấn để giúp dọn dẹp nhà cửa. Mỗi lần như vậy, chủ nhà thường trả 30 ngàn đồng. Số tiền đủ để chị lo cho gia đình bữa ăn trong ngày.

Chồng chị anh Nguyễn Văn Sơn (58 tuổi) hành nghề khoan giếng và được trả tiền công theo thời vụ.

May mắn hơn những hộ gia đình khác, các con chị Dương không thuộc diện mù chữ. Cách đây hơn 2 năm, cả gia đình chị Dương sống vật vờ dưới mé sông. Kiếm tiền chạy ăn đã khó, kiếm tiền xây nhà lại càng khó hơn.

Cách đây 5 năm, ở cái tuổi đôi mươi, người con gái lớn của chị là Nguyễn Ánh Tuyết (25 tuổi) nhanh chóng bị xiêu lòng bởi một chàng trai trong làng. Ở vùng quê nghèo, chuyện con gái lớn tính đường gả chồng là coi như cha mẹ hết trách nhiệm. Tuyết được gia đình đôi bên chấp nhận cưới. Sống với chồng được gần năm, cả hai không hợp nhau rồi… đường ai nấy đi.

Không cám cảnh nghèo, Tuyết rời quê để đến TP HCM lập nghiệp. Cuộc đời người mẹ già ở quê chỉ phất lên khi cô con gái sang đất Thái để… giúp việc. Nghe lời bạn tỉ tê, chỉ cần qua Thái Lan du lịch kết hợp giữ trẻ sẽ có nhiều tiền. Thấy bùi tai, Tuyết đi ngay mà chẳng phân vân hay có một chút đắn đo.

 

Mô tả ảnh.
Một trong số 15 nạn nhân được phát hiện trong đường dây đẻ thuê tại Thái Lan.
(Ảnh tư liệu)


Hơn 1 năm trước, Tuyết có về nhà chơi và mang theo khá nhiều tiền để phụ giúp cha mẹ xây lại nhà. Cha mẹ Tuyết xây được căn nhà tương đối khang trang so với xóm làng. Nhờ đó cả gia đình không còn lâm vào cảnh lọt xuống sông như trước.

Từ hồi dạo về nhà cho tiền, Tuyết lại tiếp tục bặt tăm. Người ta vẫn không biết cô gái hàng xóm đi đâu và làm gì. Ngay cả cha mẹ Tuyết cũng chẳng biết cô con gái đang làm gì, ở đâu?

Từ ngày dư luận dấy lên thông tin về đường dây để thuê tại Thái Lan, mà nhất là ở Bạc Liêu phát hiện có đến 8 trường hợp. Trong nhà ngoài xóm, những gia đình nào có con đi nước ngoài cũng đều dè chừng trước ánh mắt soi mói của người đời.

Cũng từ dạo ấy, chị Dương không còn dám la cà trong xóm và kể về cô con gái với giọng tự hào như trước. Không cần phải nói ra, nhiều người trong xóm bắt đầu có sự hoài nghi về sự giàu có bất thường của một cô gái. Mà nhất là, đối với những gia đình có con đang ở Thái Lan phụ giúp việc. Bởi họ tin, đa số các cô gái qua đó chỉ hành nghề “để thuê”.

Con đường hoàn lương không bằng phẳng


Ở xóm nghèo tại TT Giá Rai, nhắc đến nghề đẻ thuê, ai cũng nhớ đến cô gái Dương Thị Thu Lan (20 tuổi, ngụ ấp 2) hiện đã “giải nghệ” và về quê sống bên cạnh gia đình.

Chỉ một lần mang nặng đẻ đau dùm người khác, trông Lan già đi nhiều so với tuổi tác của mình. Lúc đầu, ngay chính bản thân Lan cũng không nghĩ sẽ bị cuốn vào cái nghề được cho là lắm nhục nhã. Bi kịch nghèo như vây lấy gia đình để rồi Lan sa chân vào đường dây đẻ thuê không biết tự lúc nào.

Sinh ra trong một gia đình đông con, cha Lan là anh Dương Văn Hoàng (42 tuổi, ngụ ấp 2, TT Giá Rai). Vợ anh là chị Trần Thị Tuyền (41 tuổi) đang từng ngày né tránh những lời xì xầm về chuyện người con gái từng đi nước ngoài “làm ăn”. Anh Hoàng và chị Tuyền sống với nhau hơn hai chục năm. Lúc trước, cả 2 ở chung với nhà chồng. Đến khi cha mẹ chồng lần lượt qua đời, anh chị phải dọn ra ngoài sống riêng. Cuốc sống anh chị rày đây mai đó như tán lục bình trôi trên dòng sông giữa dòng nước cuốn.

Hai người ở với nhau có tất cả 5 người con. Đứa lớn nhất 22 tuổi, đứa nhỏ nhất chỉ mới 11 tuổi. Cái cảnh làm mướn, đào đất, xâu mương đã là một công việc thường xuyên của anh Hoàng. Công việc làm thuê cuốc mướn cũng chỉ đổi lại cho anh 70 ngàn mỗi ngày.

Phụ giúp anh Hoàng một phần, chị Tuyền thường xuyên bán bánh dạo trên khắp các con phố, ngõ hẻm của thị trấn nghèo. Mỗi ngày lãi được vài chục ngàn để có tiền đi chợ hằng ngày lo cho con cháu. Trong 5 người con, có lẽ cậu con út là người có “trình độ” học vấn cao nhất nhà.

Trong căn nhà thuê dột nát rộng chỉ 27 mét vuông chứa tất cả 7 con người. Căn buồng của anh Hoàng và chị Tuyền là tấm vải mong manh được vây lại một góc nhà.

Hơn 1 năm trước, người con thứ 2 là Dương Thị Thu Lan đi nước ngoài làm ăn chỉ 1 năm rồi về. Từ khi con đi về, cuộc sống gia đình có phần khởi sắc hơn. Những món nợ chồng chất trước đó đã được trả. Anh Hoàng và chị Tuyền đã xóa được một phần nợ trước đó gia đình mắc phải.

Khi đặt câu hỏi: “Người con gái đi nước nào để làm việc. Anh Hoàng tâm sự : “Nói thực chứ nó đi đâu và làm gì ở nước ngoài tôi không biết nhưng để có được chỗ làm ổn định phải có người giới thiệu qua bên đó”.

Hồi trước Lan đi nước ngoài, em ở TP HCM một thời gian. Tai đây, Lan được bạn bè giới thiệu và dìu dắt sang Thái Lan giữ trẻ. Hình thức của em đi theo dạng du lịch. Cứ 6 tháng phải lên máy bay để trở về Việt Nam 1 lần hoặc đi bằng xe bus sang Malaysia để đóng dấu passpost rồi quay trở lại Thái Lan.

Ở nước sở tại quy định, người nước ngoài chỉ được lưu trú không quá 6 tháng liên tục nên các cô gái, chủ môi giới phải dùng mọi cách để lách luật. Anh Hoàng và chị Tuyền cho biết, sau lần con gái đi nước ngoài làm việc, sức khỏe con có vẻ sa sút, gia đình quyết định bảo con ở lại Việt Nam làm cho đỡ vất vả. Dù nghèo nhưng sống cạnh cha mẹ vẫn vui hơn.

Kể từ ngày về nước, Lan đi lột vỏ tôm cho một xí nghiệp tại Bạc Liêu. Em chỉ mới là nhân viên thời vụ chứ chưa phải là lao động chính thức. Lương mỗi tháng khoảng được 1,5 triệu đồng. Đối với gia đình Lan, số tiền trên cũng quá đủ để chi tiêu hằng ngày. Hơn hết, anh Hoàng và chị Tuyền mong muốn có con cái bên cạnh lúc tuổi già.

 

Các cô gái người Việt chỉ được nhận 5.000 USD (tương đương với 100 triệu đồng tiền Việt)

Vụ việc chỉ bị phát hiện khi cơ quan đại sứ Việt Nam ở Thái Lan nhận được những cú điện thoại giải cứu của một cô gái. Từ manh mối trên, giới chức trách nhanh chóng giải cứu các cô gái khỏi động của bọn buôn người.

Trong một ngôi nhà hẻo lánh nơi vùng ngoại ô của Bangkok, 15 cô gái miền Tây nhanh chóng được giải thoát khỏi động của bọn buôn người. Trong số đó, 7 cô gái đang mang bầu, 2 cô đã sinh em bé và 6 cô còn lại chưa mang bầu. Tuổi đời các cô rất trẻ (từ 19 đến 26 tuổi)
 
 Sau khi hứa hẹn sang Thái Lan có công việc tốt và thu nhập cao. Lần lượt, từng cô gái trẻ sa chân vào “bẫy” của bọn buôn người. Đến khi bước chân sang đất Thái, các cô thực sự vỡ mộng.
Nhiều cô bị đánh đập dã man để thực hiện phi vụ để thuê, còn ai không chấp nhận sẽ bị bọn chúng đánh đập và bỏ đói.

Trong số 15 cô gái bị phát hiện, có một số cô vẫn còn “con gái” và nhất quyết không chịu mang bầu. Để các cô có thể buông xuôi số phận, bọn chúng cho người cưỡng hiếp để cướp đi đời con gái và để các cô phải chấp nhận mang bầu.

Khi các cô gái đạt được thỏa thuận, đường dây đẻ thuê cấy tinh trùng của người cần có con vào trứng của các cô gái. Mỗi hợp đồng, bọn chúng thu về của người cần có con là 32.000 USD.

Vụ việc được phát hiện khi một trong số các cô gái Việt Nam không đồng ý đẻ mướn đã liên lạc đến Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan để cầu cứu. Và, đường dây đẻ thuê tại Thái Lan được cảnh sát nước này triệt phá. Băng nhóm đẻ thuê lập công ty Baby 101, bọn chúng có văn phòng tại Bangkok, Phnom Penh và Việt Nam.

Theo thông tin mới nhất tại Thái Lan, thời gian để các cô gái Việt hồi hương vẫn chưa được định đoạt. Hiện, sức khỏe của 15 cô gái Việt Nam đã tạm ổn và được chăm sóc chu đáo trong nhà tạm lánh của Thái Lan. Phía cơ quan chức năng Việt Nam đang tích cực phối hợp với Thái Lan để nhanh chóng đưa các cô gái hồi hương trong thời gian sớm nhất.

 

  •   Như Quỳnh

 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc