Phận nữ nhi hành nghề cầm cờ-lê, mỏ-lết...

14:17, Thứ hai 03/10/2011

( PHUNUTODAY ) - Hơn chục phụ nữ chân yếu tay mềm, tuổi đời từ20 đến 60, theo cái nghiệp đàn ông: nghề sửa xe đạp, xe máy. Đằng sau cái nghề khá “nghịch đời” ấy là cả những nỗi niềm …

(Phunutoday) - Ở xã Hòa An, huyện Phú Hòa (tỉnh Phú Yên) có hơn chục phụ nữ chân yếu tay mềm, tuổi đời từ hơn 20 đến 60, theo cái nghiệp đàn ông: nghề sửa xe đạp, xe máy. Đằng sau cái nghề khá “nghịch đời” ấy là cả những nỗi niềm …           

Chồng mải nhậu thì tôi làm?

“Con ngựa sắt” đang bon bon trên đường bất ngờ  đảo qua đảo lại như muốn ngã. Chúng  tôi  vội  liếc  xuống,  thì  ra  bánh  sau  đã  xẹp  lép.  Hỏi thăm mãi, chúng tôi tìm đến tiệm sửa xe của bà Phạm Thị Nhị có hơn 20 năm làm nghề sửa xe (ở thôn Phú Ân, xã Hòa An, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên). Đến nơi chúng tôi thấy một người đàn bà tóc điểm bạc trên 60 tuổi đang ngồi vá xe đạp trên một cái hiên nhà che tạm bằng  tấm bạt cũ kỹ. Thấy khách, bà đon đả mời: “Xe hư phải không, vào đây để tui làm cho”. Và rồi bà bắt đầu lôi ra cái thùng đồ nghề đầy đủ dụng cụ như một thợ sửa xe chính hiệu và cũng dằn ngửa cái xe ra, cũng sẵn sàng cạy lốp. 

Bà Nhị hành nghề như một thợ chuyên nghiệp

Đôi tay già nhăn nheo lại kiêm cái nghiệp đàn ông nên cũng phải loay hoay đến hơn mười phút, ruột xe mới được lấy ra khỏi lốp, nhưng bà lại nhanh chóng dò tìm lỗ thủng, rút ra một chiếc đinh nhọn hoắt, rồi vá lại cẩn thận.

Theo tìm hiểu, biết được ở thôn Phú Ân và Ân Niên (xã Hòa An, huyện Phú Hòa) này,  còn  có  hơn  chục  phụ  nữ  khác  cũng  “đang  làm  cái  nghề  của  đàn  ông”  như bà  Nhị.  Giống  như  nhiều  phụ  nữ  nghèo  ở  nông  thôn,  họ  cũng  từng  bôn  ba  khắp  nơi kiếm việc, làm phụ hồ, bán xôi, chè, đậu non... nhưng cuối cùng lại gắn bó với nghiệp cầm cờ-lê, mỏ-lết. Tiệm sửa xe của họ hầu hết đều rất đơn sơ, diện tích  khoảng 6m2. Trong đó, 3m2  đặt tủ đồ nghề, còn lại vừa đủ để vá hoặc sửa các chiếc xe. Ngay cả tủ đồ nghề cũng rất nhỏ bé, được bao quanh bởi mảnh lưới sắt cọng nhỏ vá víu, bên trong, treo lủng lẳng mấy bọc xích xe đạp, vè, lốp…    

Trung bình mỗi ngày, mỗi chị em sửa được  khoảng 10 chiếc cả xe đạp lẫn xe máy. Với giá vá xe đạp là 2.000 đồng/lỗ, bơm xe : 500  đồng/bánh,  xe  máy  khoảng  5.000  đồng/lỗ,  bơm  xe  1.000  đồng/bánh,  bình  quân mỗi  người  thu  nhập  khoảng  35.000  –  40.000  đồng.  Tuy  tiền  ít    với  người  thành  phố
nhưng  với  người  dân  quê  thì  đây  cũng  là  một  khoản  thu  nhập  khá.

Theo chị Trương Thị Nhã, 47 tuổi, lý do mà nhiều chị em ở xã Hòa An theo nghề cờ- lê, mỏ-lết bắt nguồn từ một chuyện khá khôi hài. Bà Nhã kể, cách đây mấy năm, chị Trần Thị Phi (hiện đã chuyển vào miền Nam sinh sống) có chồng làm nghề sửa xe nhưng thường xuyên rượu chè, say xỉn. Một lần bị vợ rầy la, ông chồng thách thức "  “Đàn bà biết gì mà cứ ra rả cái miệng, có giỏi làm thay  thử coi?”. 

Chị Trương Thị Nhã đang kiểm tra độ căng bánh xe cho một học sinh

Tức khí, chị Phi tuyên bố thẳng thừng: “Được rồi, để mai tui mần cho ông thấy.” Nhiều người nghe vậy, cứ tưởng chị nói cho đỡ tức, ngờ đâu hôm sau lại thấy chị xắn tay áo thực hiện lời hứa của mình. Thì ra lâu nay quan sát chồng sửa xe, chị Phi đã nhanh trí học được “vài chiêu” lận lưng. Khi chồng bận bù khú, ở nhà một mình thấy buồn, chị lại lôi đồ nghề ra thực hành, làm riết rồi thành thục.

Thấy nghề sửa xe của chị Phi mang lại hiệu quả, lại kiếm được tiền hơn những nghề khác nên nhiều chị em phụ nữ ở Phú Ân  và Ân Niên làm theo rồi thành thạo nghề sửa xe lúc nào chẳng biết.     

Ế chồng, chồng chê vì cái nghề đàn ông...

Chị Lê  Thị Thư,  (35  tuổi, cũng trú tại thôn Phú Ân) đã có thâm niên trên 10 năm làm nghề này, nhớ  lại:  -  Làm nghề này,  đàn  ông  cực  một  thì  đàn  bà cực  ba,  cực  bốn.  Bởi  ngoài  kỹ năng  sửa  chữa  cho ngon, phụ nữ tụi tui còn phải có  sức khỏe, chịu đựng dầu mỡ, mùi hôi và cả những ánh mắt dị nghị, coi thường của người xung quanh. Thời gian đầu học nghề, nhiều lần tôi cạy lốp xe máy, do cầm không vững nên bị thanh kẹp văng ra, bị chảy máu sứt sẹo là chuyện thường. Có lần cân niềng, sơ ý để tăm đâm thủng lốp xe của khách. Vậy là, phải đền cho họ chiếc lốp mới có giá đến 50.000 đồng. Vậy là, công sức lao động một ngày tiêu tan, đêm ngủ, chỉ biết khóc rấm rức. Nhưng tất cả cũng không khổ tâm bằng chuyện đứa con nhỏ không chịu ngủ với tui vì “người của mẹ hôi dầu quá”!. 

Chị Lê Thị Thư : "Sợ nhất là con chê mẹ hôi dầu...!"

Cũng vì làm nghề này mà em T. T. M. H (29 tuổi, xin giấu tên) đã quá tuổi “cập kê” vẫn chưa lấy được chồng. Em H cho biết: “Do nối nghiệp ông già nên em theo học nghề sửa chữa cơ khí. Sau khi tốt nghiệp, em về nhà mở tiệm. Đến nay được gần 6 năm, dù đã mấy lần “bật đèn xanh” nhưng vẫn chưa có chàng nào “chịu tới”. Trước đây em có nghe phụ nữ làm nghề này khó lấy được chồng nhưng không tin. Giờ mới thấy thấm thía”.

Khi thấy các chị học nghề, lúc đầu các ông chồng cũng ra chiều cổ vũ. Về sau, nghe lời “bàn ra tán vào” của bà con dòng họ và mọi người xung quanh chê “thiếu nữ tính” nên cũng không muốn để vợ theo cái nghề dính toàn dầu mỡ . Để ngăn vợ, họ làm đủ mọi cách từ việc tỏ vẻ khó chịu, “đá thúng đập niêu” đến “sử dụng chân tay” để dạy vợ.

Nhắc đến điều này, một số người còn nhớ trường hợp cay đắng của Chị Dương Thị T.  một  nữ  vá  xe  –  đã  xảy  ra  hơn  5  năm  trước.  Do  tuổi  ngoài  đôi  mươi,  lại  xinh xắn, thùy mị, đoan trang nên kể từ khi chị vào làm, tiệm sửa xe vợ chồng chị thu hút rất đông khách hàng nam ghé đến. Thấy nhiều vị khách “tỏ ý quan tâm” đến vợ, đã không chịu lấy lại tiền thừa mà còn buông lời chọc ghẹo, ông chồng “ghen không chịu nổi” nên cấm không cho chị làm chung. Tuy nhiên do muốn đỡ đần chồng nuôi  con ăn học, chị phớt lờ lời ngăn cấm của chồng.

Hậu quả, là chị Thủy đã phải chịu một trận đòn nhừ tử và bị chồng đuổi ra khỏi nhà. Sau đó, ông chồng khóa cửa rao bán nhà rồi dẫn con đi mất. Suốt mấy năm nay, từ khi xảy ra sự việc người dân trong làng không ai thấy mặt chị Thủy nữa.

Riêng chung hai gánh vẹn tròn

Vượt qua những lời thị phi, những nữ nhi làm nghề cờ-lê, mỏ-lết ở Phú Ân và Ân Niên đã trở thành trụ cột kinh tế trong nhà. Bà Phạm Thị Nhị cho biết: “Tui hành nghề này từ trước khi lấy chồng, đến nay đã được 38 năm. Hai vợ chồng cùng làm nhưng dịp Tết năm ngoái, ổng bất ngờ ngã bệnh, không còn đủ sức lao động. Vậy là chỉ còn lại mình tui. Cực thì có cực nhưng quen rồi”. Được biết, sau khi chồng ngã bệnh, bà Nhị cáng đáng mọi chuyện lớn nhỏ trong gia đình như người đàn ông thực thụ vì “Tui phải tiếp tục ráng thôi để còn kiếm tiền nuôi mình và ổng nữa chớ”. 

 

 

Khi tìm đến những tiệm sửa xe của các bà, các chị ai cũng có cảm giác yên tâm không bị lừa

Nhưng một thời gian sau, hai vợ chồng người trai út dọn về sống chung. Anh con trai làm thuê cuốc mướn, quanh năm đi biền biệt, còn con dâu ở nhà hết đau bệnh lại lo dưỡng đẻ nên không giúp gì được cho mẹ chồng. Đã vậy, đứa cháu gái 2 tuổi lại mang trong mình căn bệnh tim bẩm sinh từ khi mới lọt lòng. Để có thêm thu nhập ngoài việc sửa xe, bà Nhị phải mở quán bán tạp hóa, bán bánh mì. Bà Nhị tâm sự: Hiện nghề sửa xe không còn “thịnh” như  hồi trước. Có ngày tui  ế chỏng ế chơ bởi thi thoảng mới có mấy đứa học sinh tiểu bị thủng lốp, đứt sên đem xe vào vá, sửa”. Bình quân, mỗi ngày bà Nhị vá được 3 chiếc xe, bơm lốp 4 chiếc, bán khoảng mươi ổ bánh mì, dăm ba món hàng tạp phẩm với số tiền lời khoảng 40.000 đồng. Toàn bộ số tiền này cũng chỉ tạm đủ ngày ba bữa cơm cho cả nhà và mua thuốc cho đứa cháu.     

Cả  nhà bà Trương Thị Nhã cũng  sống  nhờ  vào  tiệm  sửa  xe  nhỏ  bé  của  mình. Vậy mà, ba đứa con  lần lượt “rủ nhau”  vào đại học. Bà kể: Hồi thằng  đầu đang học, nghe tin đứa con gái kế thi đậu đại học, nhà tui mừng ít mà lo nhiều. Nhắm không thể kham nổi, vợ chồng tính cho con  thôi học để theo nghề sửa xe. Nhưng rồi sắp nhỏ năn nỉ dữ  quá,  không  đành  đoạn,  hai  vợ  chồng  phải  chạy  vay  mượn  tiền  chu  cấp  cho  con.  Khi thằng út “trúng” đại học, nỗi lo lại chồng lên, vợ chồng phải làm thêm nhiều việc khác để tích cóp gởi tiền cho con hàng tháng. Những khó nhọc của bà Nhã cuối cùng cũng được  đền  đáp.  Anh  con  trai  đầu  và  cô  em   gái  kế  vừa  tốt  nghiệp  Đại  học  Bách  khoa TP.HCM và Đại học Sư phạm Quy Nhơn, đã có việc làm ổn định. 

Bị chê bôi đủ điều nhưng không muốn bỏ nghề

Còn cậu út hiện đang học năm thứ ba khoa Công nghệ Thông tin, trường Đại học Bách khoa TP.HCM, vừa học  vừa  tranh  thủ  làm  thêm  phụ  cha  mẹ  ở  quê…  Hiện  nay,  chồng  bà  muốn  “an hưởng tuổi già” chuyển sang nuôi gà, đá dế nên một mình bà tiếp tục cái nghề “bất đắc dĩ” ấy.

Điều  đáng  nói  là  những  phận nữ  nhi  cờ-lê,  mỏ-lết  ở  Phú  Ân  và  Ân  Niên  không  chăm chăm  sửa  xe  vì  tiền  bởi  họ  rất  có  trách  nhiệm  với  nghề  đã  chọn.  Anh  Lê  Lưu,  một người dân ở thôn Vĩnh Phú, xã Hòa An, cho biết: “Thường cánh đàn ông hay sửa qua  loa, đại khái, làm dối để tranh thủ làm được cho càng nhiều khách càng tốt. Còn những chị em sửa xe ở Phú Ân thì hành nghề rất cẩn thận, không bày vẽ lung tung để  moi thêm tiền, lại hay bớt cho khách nghèo khó. Vì thế, mỗi khi đem xe đến cho các chị sửa, tôi rất an tâm”. Cách đây hai năm, vợ chồng anh Nguyễn Thanh Hoàng (xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa, Phú Yên) chở con xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên ở TP Tuy Hòa chữa bệnh. Khi gần đến tiệm của bà Nhị, bất ngờ xe máy bị nổ lốp, phải thay cái mới. Do vội đi nên anh Hoàng mang không đủ tiền để trả cho sự cố  bất ngờ. Bà Nhị không những thay lốp xe miễn phí mà còn cho thêm tiền để vợ chồng anh đóng viện phí cho con.

Sau khi đứa bé khỏi bệnh, vợ chồng anh Hoàng mang quà cáp, tiền bạc đến nhà bà tạ ơn. Bà Nhị kiên quyết không nhận bởi “có điều kiện giúp đỡ được người khác là tui vui rồi, mấy chú ơi!”… - bà Nhị vừa cười hóm vừa nói vui. 

Bà  Phạm Thị Ngọc Vân, Chủ  tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa An, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên:

“Các  chị   em  làm  nghề sửa  xe  máy,  xe  đạp  ở thôn  Phú Ân  rất  chịu  thương,  chịu khó, không chỉ  khẳng định được bản thân mà còn đỡ đần rất nhiều cho kinh tế gia đình. Đồng thời, còn biết đùm bọc, cưu mang người khác. Sắp tới, hội phụ nữ sẽ vận động các chị  thành lập câu lạc bộ phụ nữ vá sửa xe để có nơi sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm cũng như giúp đỡ nhau trong cuộc sống hàng ngày”.

  • Lưu Tình (Thực hiện) 

 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc