Phật dạy: Chết là nỗi khổ lớn lao nên ai cũng sợ

( PHUNUTODAY ) - Trong cái tình yêu thương giữa vợ chồng, con cái, anh em đang mặn nồng, thắm thiết mà bị chia ly thì thật không có gì đau đớn hơn.

Như chúng ta thấy, người thân khi sắp lâm chung đau đớn, quằn quại rất thống khổ. Đó là chưa kể thần thức hôn mê, người sắp chết thấy những cảnh giới gì đó hiện ra, lòng họ hoảng sợ, kêu gào, than khóc thật thảm thương.

Ai cũng tham sống sợ chết, muốn sống dai, sống già, sống thọ, cho nên nhiều người tìm cách để luyện trường sanh bất tử nhưng cuối cùng rồi ai cũng phải chết. Và chết là một sự thật không tha bất cứ một ai, dù là đức Phật cũng phải xả thọ mạng này khi hết duyên đời. Mình muốn sống hoài mà không được nên ai không biết tu gần chết rất khổ sở vì không biết mình sẽ đi về đâu.

phat-6

Ảnh minh họa. 

Mọi người đều muốn sống an vui, chết nhẹ nhàng, nhưng việc ấy rất khó toại nguyện, mà phần nhiều thân thể con người luôn bị bệnh khổ hành hạ đau đớn cho đến khi chết. Thân đã bị bệnh khổ như thế, tâm lại càng hãi hùng, lo sợ, tham tiếc tài sản của cải mình tạo ra, luyến tiếc vợ con trước khi nhắm mắt lìa đời nên lại càng khốn khổ hơn. Chết quả thật là rất khổ nên ai cũng sợ.

Chết khổ có 2 loại:

Cơn bệnh kéo lâu dài, mạng sống hết nên phải chết.

Chết do duyên bên ngoài đưa đến, còn gọi là chết bất đắc kỳ tử như gặp chuyện không may, bị người giết hại, bị tai nạn mà chết, bị chết nước hoặc lửa thiêu, hay vì chiến tranh loạn lạc mà chết.

Khi đi ra 4 cửa thành, thái tử thấy một người chết, ngài liền nhìn lại và nhận ra rằng, người ấy chết rồi thì cũng đến lúc mình cũng sẽ chết. Ngài càng thấy rõ sự tạm bợ của kiếp người, chí xuất trần càng nung nấu mãnh liệt hơn.

Mới ngày nào đây còn liệt liệt, oanh oanh, sao bây giờ chỉ còn lại một tấm thân tàn ma dại nằm bất động, ai làm gì cũng không biết. Chúng ta bây giờ tận mắt chứng kiến cảnh người chết thì mới thấy tấm thân này quá mỏng manh, kiếp người quá ngắn ngủi, cõi đời thật phù du, giả tạm.

Nếu chúng ta thấy rõ được sự mong manh của kiếp sống con người, thấy được khoảng thời gian sống và chết kề cận một bên thì chúng ta sẽ tỉnh giác mạnh hơn, không bao giờ có sự tranh cãi nhau nữa. Tranh cãi, giận dữ là do người kia không tự làm chủ được chính họ. Chính khi đang giận dữ họ cũng rất khổ sở chứ không sung sướng gì. Mình là người tỉnh táo làm chủ được cảm xúc mới thấy rõ nên thông cảm và thương họ, tội nghiệp cho người ta. Thấy được như vậy thì chúng ta sẽ thương được người hại mình mà không tạo nghiệp khổ đau.

Phật nói thân hiện tại của chúng ta đây mang tính chất đau khổ từ lúc mới sinh cho đến khi trưởng thành rồi già bệnh chết, tất cả đều phải trải qua nhiều thống khổ. Đó là một lẽ thật. Mới nghe người ta thấy đạo Phật như bi quan, nhưng thực tế đạo Phật rất lạc quan và yêu đời. Tại vì đạo Phật nói rõ lẽ thật của cuộc đời để mọi người không lầm lẫn mà biết cách làm chủ bản thân trên những khổ vui đó.

Như một ai đó đang gánh một gánh nặng suốt một chặng đường dài nên cảm thấy mỏi mệt, đuối sức, nếu lúc đó để gánh nặng xuống thì họ vui hay khổ? Chắc chắn là vui! Còn gánh nặng trên vai thì còn khổ, để xuống hết nặng rồi nên vui, sau khi biết khổ rồi mới thấy vui chớ cái vui ấy không ngoài sự khổ. Cũng chính vì thế, đạo Phật nói rõ nguyên nhân của sự khổ đau để chúng ta biết cách chuyển hóa, tiêu trừ, khi đó khổ hết thì vui đến.

Khổ trong đời sống. Về phương diện vật chất hay tinh thần, đời sống đều có nhiều khổ sở. Về vật chất, con người đòi hỏi những nhu cầu thiết yếu như món ăn, thức uống, đồ mặc, nhà ở, thuốc men.

Để có được những nhu cầu cần thiết ấy, con người phải siêng năng làm việc vất vả nhọc nhằn, đổ mồi hôi, sôi nước mắt, mới mua được chén gạo, bát cơm, manh quần, tấm áo và các phương tiện sống khác. Về phương diện nhà ở, thì có những gia đình phải thuê phòng trọ ở tạm qua ngày, vì không có khả năng tạo dựng được một ngôi nhà nho nhỏ.

Cuộc sống của con người chẳng phải đợi đến cảnh đói khát mới gọi khổ, ăn uống thất thường, thiếu thốn đủ mọi thứ cũng đã là khổ rồi. Đâu phải chỉ có những người nghèo hèn thiếu thốn khó khăn mới khổ đâu? Người giàu có sang trọng cũng vẫn khổ như thường. Muốn có tiền bạc vật chất dồi dào, tất nhiên họ phải thức khuya dậy sớm, buôn tảo bán tần, đầu tắt mặt tối trong công việc, đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có được.

Về phương diện tinh thần, đời người cũng có nhiều điều khổ tâm, có nhiều khi còn đau khổ hơn cả những thiếu thốn vật chất. Tóm lại, về vật chất hay tinh thần, sự sống mang theo nhiều cái khổ. Sinh khổ là như thế bởi vì có nó sự tiếp nối theo quy luật nhân quả, nên đời người khổ là lẽ đương nhiên.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn