Con người sinh ra ai cũng đều lương thiện cả, thế nhưng khi lớn lên, bị tác động bởi dòng đời trôi nổi người ta dễ nhiễm phải thói hư tật xấu.
Dưới đây là một câu chuyện cổ
Trước đây, vào những năm Chính Thống, đời vua Anh Tông triều nhà Minh, có một người đứng đầu nhóm thổ phỉ tên là Đặng Mậu Thất. Ông ta lôi kéo người tạo phản ở vùng Phúc Kiến. Rất nhiều người trí thức và nông dân đều nghe theo ông ta nổi lên tạo phản. Hoàng đế liền cử quan Đô Ngự sử, người huyện Ngân là Trương Gian đi tìm kiếm và tiêu diệt bọn chúng.
Trương Đô Hiến (Đô Ngự sử họ Trương) dùng kế sách bắt sống được Đặng Mậu Thất. Về sau Trương Đô Hiến lại phái vị quan Bố Chính tỉnh Phúc Kiến là Tạ Đô Sự đi tìm bắt những tên thổ phỉ còn lại. Ông còn chỉ thị rằng, hễ bắt được kẻ nào là giết ngay. Nhưng Tạ Đô Sự không chịu giết người bừa bãi vì sợ giết lầm người.
Tạ Đô Sự liền đến các nơi tìm kiếm danh sách những người theo giặc. Khi tra ra được những ai không theo giặc, không có tên trong danh sách thì ông ngầm phát cho họ một lá cờ vải trắng nhỏ và giao ước rằng khi quân đi truy tìm bọn giặc đến vào ngày ấy thì họ phải đem lá cờ vải trắng ấy cắm ở nhà họ, để ra dấu hiệu rằng đây là nhà người dân trong sạch.
Hơn nữa, ông còn ra lệnh cấm quan binh không được giết bừa bãi. Do có biện pháp này của ông mà cuối cùng số người tránh khỏi bị giết lầm đợt ấy tính ra đến hơn một vạn.
Về sau con trai của Tạ Đô Sự là Tạ Thiên thi đỗ Trạng Nguyên, làm quan đến chức Tể tướng. Cháu nội của ông là Tạ Phi cũng thi đỗ Thám Hoa (học vị dưới trạng nguyên và bảng nhãn thời xưa), cũng chính là Tiến sĩ đệ tam danh.
Người ta thường băn khoăn, liệu rằng làm việc tốt có luôn được hưởng may mắn và phúc báo hay không. Khi mà xã hội này, người tốt toàn chịu thiệt. Đó chỉ là chúng ta không biết, không cảm nhận thấy mà thôi! Có một đôi mắt to luôn luôn nhìn chăm chú vào chúng ta ở cõi hồng trần này, ghi chép lại một cách tỉ mỉ hết thảy từng ý từng niệm, từng hành vi thiện và ác của chúng ta, tuyệt đối không sai một điểm nào.
Phàm làm việc lành mà người ngoài biết được là dương thiện, làm việc lành mà người ngoài không biết được là âm đức. Âm đức được phúc báo, dương thiện hưởng danh thơm. Tuy nhiên, danh thơm thường là điều đáng húy kỵ vì xưa nay biết bao nhiêu người vì háo danh thành thử bị danh làm hại, lâm vào cảnh tai họa, ngược lại những người không tội lỗi mà cứ bị thiên hạ chê oan, thì lắm lúc con cháu họ được phát đạt.
Người làm việc thiện là đáng quý, nhưng hành thiện cũng cần đúng cách tránh tạo nghiệp. Một vị hòa thượng từng nói: "Người phàm tâm tính chưa được tẩy sạch, chưa được thanh tịnh, tuệ nhãn chưa khai, thường nhận thiện làm ác, cho ác là thiện; người như vậy không phải là hiếm có, đã tự mình lẫn lộn phải trái cho ác là thiện, cho thiện là ác, điên đảo đảo điên mà không hay lại còn oán trách trời cho báo ứng là sai, là không công bằng ư“.
Hoà thượng Trung Phong chỉ dạy rằng: “Giúp ích cho người gọi là thiện, chỉ vì có ích cho mình gọi là ác. Vì giúp ích cho người cho nên dù có đánh mắng cũng vẫn là thiện, trái lại chỉ vì mang ích lợi đến cho mình nên dù có kính trọng người cũng vẫn là ác.
Vì vậy người làm thiện đem lại ích lợi cho người là công, mà công tức là chân, còn vì lợi cho mình ấy là tư, mà tư tức là giả. Lại nói thêm, việc thiện tự lòng phát ra là chân, đua đòi học theo là giả…
Lại nữa làm việc thiện mà xuất phát từ tấm lòng thành là chân thiện, còn hời hợt chiếu lệ mà làm là giả thiện. Hơn nữa hành thiện mà không nghĩ đến một sự báo đáp nào cả là chân thiện, trái lại còn hy vọng có sự đền đáp là giả thiện, đó là những điều tự mình cần khảo sát kỹ lưỡng”.
Người phương đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, đặc biệt đặt hy vọng vào đời con đời cháu, mong muốn để lại cho con, cho cháu nhiều của cải vật chất thì mới yên lòng ra đi. Nhưng, kỳ thực, điều lưu lại tốt nhất cho con cháu chính là làm nhiều việc tốt, tích đức làm việc thiện. Bởi vì chúng ta nhìn không thấy, nhưng ông Trời lại nhìn thấy rõ mọi điều. Người nào làm việc tốt, ông Trời nhất định sẽ ban những thứ tốt nhất cho người ấy.