Khi kết hôn, bất cứ người vợ, chồng nào cũng muốn hạnh phúc, đối phương chung thủy. Nhưng trải qua nhiều chuyện, tình yêu không còn như trước nữa, cảm xúc cũng đổi thay.
Chung thủy tức là trước sau như một, khi nói đến một cuộc tình chung thủy, một hôn nhân chung thủy là nói đến một cuộc tình, một hôn nhân mà từ ngày đầu đến khi kết thúc hai người vẫn có nhau, vẫn giữ trọn lời hứa “yêu nhau” ban đầu của họ.
Chung thủy là nền tảng của hôn nhân, hôn nhân có lâu bền hay không chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố này. Nhưng ngày nay, ngày càng nhiều những cuộc hôn nhân đổ vỡ, ngoại tình. Dưới đây là một số nguyên do.
Do cuộc sống quá đơn điệu, nhàm chán. Chẳng hạn như ngày nào vợ chồng cũng ăn sáng tại gia, đi làm, tôi về nói vài ba câu chuyện rồi đi ngủ. Ngày qua ngày, mọi thứ lặp đi lặp lại đến cũ mèm. Lâu dần cảm xúc chai sạn, người ta không còn biết trân quý, cũng không còn cảm động với những điều như thế nữa.
“Buông” sau khi đã “sở hữu” được nhau. Khi yêu, ai cũng cố sức thể hiện mặt tốt của mình để hấp dẫn “nửa kia”. Song, khi về sống với nhau, họ cho phép mình “thư giãn”, thản nhiên phô diễn bản chất trần trụi. Vậy là thất vọng, trách cứ nhau và... chán nhau.
Do tình yêu thương mong manh, chẳng đủ sâu đậm. Bởi có những cặp vợ chồng quen nhau một thời gian quá ngắn, không có thời gian tìm hiểu, yêu thương hời hợt. Sau đó, khi gặp người khác, thấy thương hơn, yêu hơn thì “thay lòng đổi dạ” với người cũ.
Hoặc cũng có trường hợp, do người vợ không biết yêu bản thân mình. Lúc nào cũng xộc xệch, hôi hám, đầu tóc rối bời khiến chồng nhìn thôi đã chán. Trong khi ngoài kia, biết bao cô mặt xinh dáng chuẩn sẵn sàng dang tay ôm họ vào lòng.
Cũng có nguyên nhân do chồng hoặc vợ đa tình, lẳng lơ. Mình có vợ/chồng rồi, nhưng khi gặp người nào đẹp trai/xinh gái, khéo ăn nói, là siêu lòng. Theo lời Phật dạy thì đây là một cái Nghiệp trong tâm. Nếu ai lỡ mắc phải bệnh này thì nên lạy Phật sám hối để hết nghiệp đa tình.
Cũng có cuộc hôn nhân đổ vỡ là do "tình cũ không rủ cũng đến". Một trong hai người có duyên tình ái với nhiều người trong kiếp xưa, bây giờ lần lượt gặp lại. Ví như người chồng ngày xưa làm vua hoặc làm quan có “năm thê bảy thiếp”. Kiếp này gặp lại những người vợ cũ thì cũng thương, cũng yêu, không nỡ bỏ. Đây là nguyên nhân khiến người ta không chung thủy với nhau mà rất khó trách.
Trong năm giới Phật dạy người tại gia phải giữ thì vấn đề này nằm ở giới thứ ba, tuy nhiên khác với những giới kia, khi ta phạm giới tà dâm cùng lúc ta cũng phạm luôn bốn giới còn lại. Tại sao lại như thế? Khi có mối quan hệ với người khác ngoài vợ hoặc chồng là ta đã phạm thêm giới thứ hai vì trộm tình cảm, trộm vợ trộm chồng người khác. Ta phạm giới thứ nhất vì đã giết chết niềm tin của vợ, chồng mình, làm cho người ấy chết dần chết mòn trong ghen tuông và đau khổ.
Tất cả đều khởi lên từ ý, thân sẽ thực hiện, chẳng thế mà Đức Phật đã dạy “Không được sanh tâm tà vạy”, tức chỉ mới là ý nghĩ cũng vậy, xét trên cơ sở đạo đức thì một khi đã có vợ hoặc chồng còn tơ tưởng đến người khác, thế gian hay gọi là “ngoại tình tư tưởng” đã là có tội rồi. Không khác gì như rượu chè, ma túy hay các chất gây nghiện khác, tất cả cũng chỉ bắt đầu từ ý nghĩ rồi đến hành động, từ nếm thử một, hai lần rồi lún sâu vào nghiện ngập và thành tội lỗi lúc nào không biết.
Chân lý hạnh phúc không chờ đợi ở kiếp sau, và cũng không cần tìm kiếm một nơi nào khác, chân lý có thể hiện hữu ngay bây giờ và ở đây. Trong tất cả mỗi người ai cũng có một nguồn hạnh phúc chân thật, nhưng con người không biết nhìn nhận hạnh phúc này, mà đi tìm cầu cái hạnh phúc giả tạm kia.