Phí ATM đắt quá người dùng sẽ tẩy chay?

( PHUNUTODAY ) - Đó là phân tích của LS Trần Đình Triển (nguyên trưởng ban Ban Pháp luật và Phát triển nghiệp vụ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam).



Trao đổi trên báo Bee.net ông Triển cho biết: Thanh toán bằng thẻ là  một chính sách tiền tệ cần được phát triển mạnh mẽ trong xã hội. Việc thanh toán và sử dụng thẻ đảm bảo cho chính sách tiền tệ quốc gia, giảm bớt lượng tiền nhàn rỗi trong dân để đưa vào ngân hàng... Lúc này thì ngân hàng có lợi vì đương nhiên huy động được tiền trong dân để kinh doanh.
 
Bản chất của ngân hàng là vay để cho vay, thế mà với tài khoản ATM thì ngân hàng không phải vay, vẫn có tiền để cho vay. Đương nhiên, anh được sử dụng một nguồn vốn không kỳ hạn thành có kỳ hạn để cho vay. Phân tích dưới các góc độ thì thanh toán bằng thẻ, sử dụng thẻ ATM có lợi cho người dân, cho ngân hàng, cho chính sách tiền tệ của đất nước. Vậy tại sao ngân hàng phải tăng phí?

yt
Nếu tăng phí ATM thì người dùng sẽ  tẩy chay ngân hàng. Trường hợp buộc phải dùng đến dịch vụ ngân hàng như trả lương, thì cứ  có lương là họ đến ngân hàng rút hết tiền chứ không dùng thẻ ATM nữa.(Ảnh: bee.net)

Có một điều không ai quản lý đối với các ngân hàng là việc nhập khẩu máy ATM. Các ngân hàng có quyền chủ động nhập máy, nhưng theo tìm hiểu của tôi thì đa phần số máy nhập này đều lạc hậu và có giá thành cao. Ví dụ, năm 2008 tôi có khảo sát ở Thái Lan, 1 chiếc máy ATM của họ có giá 20.000USD. Những chiếc máy này thuộc thế hệ mới hơn máy của ta đến 3 - 4 thế hệ. Trong khi đó giá thành chúng ta mua là 35.000USD/chiếc. Việc nhập máy ATM kỹ thuật có tiên tiến hay không là do các ngân hàng quyết định chứ Nhà nước không quản lý. Nhập máy cũ, đắt, lạc hậu, hay hỏng, phí sửa sang lớn, tuổi thọ thấp... khiến chi phí của ngân hàng tăng lên.

Việc sản xuất các loại thẻ thanh toán hiện vẫn mạnh ai nấy làm. Trong khi chúng ta có đủ khả năng để sản xuất thì lại vẫn mua của nước ngoài, đặt hàng sản xuất ở nước ngoài. Đáng lẽ các ngân hàng phải bắt tay nhau thành lập một đơn vị sản xuất thẻ, trước mắt phục vụ nhu cầu của ngân hàng, sau đó là sản xuất các loại thẻ khác có thể thu hồi vốn được.
 
Việc đặt hàng sản xuất ở nước ngoài làm cho tính rủi ro của thẻ cao và độ an toàn không lớn, dẫn đến nhiều tranh chấp đã xảy ra. Việc này cũng đổ dồn lên chi phí thanh toán thẻ. Rồi việc phải thuê địa điểm đặt máy, thuê nhân viên bảo vệ... cũng tốn khá nhiều tiền, trong khi ở góc độ quản lý Nhà nước, đáng lẽ phải có quy định bắt buộc trong thiết kế các công trình xây dựng, trường học, bệnh viện khu chung cư, khu công nghiệp... phải dành diện tích bắt buộc dành cho nơi đặt máy ATM. Ngân hàng nào đứng ra thực hiện là do sự chỉ định của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng phải tìm cách giảm những chi phí đó để tiết kiệm mới  đúng. Nếu tăng phí ATM thì người dùng sẽ  tẩy chay ngân hàng. Trường hợp buộc phải dùng đến dịch vụ ngân hàng như trả lương, thì cứ  có lương là họ đến ngân hàng rút hết tiền chứ không dùng thẻ ATM nữa. Khi đó, lợi ích của ngân hàng mất. Đây là bài toán kém hiệu quả của các ngân hàng. Người ta sẽ hạn chế dùng thẻ và trở lại thanh toán bằng tiền mặt, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ quốc gia. Người dân phải chịu nhiều rủi ro hơn, hệ thống ngân hàng không thu hút được lượng tiền nhàn rỗi trong dân.

Bà Nguyễn Thu Hà (chủ tịch Hiệp hội Thẻ ngân hàng Việt Nam) cho biết: Phí ATM hay bất kỳ các khoản phí nào khác đều được niêm yết công khai. Người tiêu dùng có quyền lựa chọn có hoặc không sử dụng dịch vụ của ngân hàng nếu thấy không hợp lý. Việc trả lương qua tài khoản ATM không có nghĩa bắt buộc phải rút tiền qua thẻ ATM mà bạn có thể trực tiếp đến ngân hàng để rút tiền, nếu không muốn sử dụng dịch vụ thẻ của ngân hàng đó. Khách hàng chính là người có quyền quyết định, nếu thấy việc thu phí không tương xứng với chất lượng dịch vụ thì có thể tẩy chay dịch vụ này của ngân hàng. Vì thế, việc tăng phí ATM cũng phụ thuộc vào khách hàng rất nhiều.

Trước đó, vào đầu tháng 5 này, Hiệp hội Thẻ đã đề xuất  tăng mức thu phí qua thẻ ATM lên 5.500 đồng. Nếu những đề xuất này của Hội Thẻ được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, thì mức phí 5.500 đồng/lần rút có thể hiểu là mức thấp nhất mà các chủ thẻ phải chịu và rất có thể còn nhiều khoản phí nữa mà khách hàng sẽ phải thanh toán với ngân hàng để phát huy hết tác dụng của tấm thẻ ATM.

Lý giải cho việc tăng phí này bà Thu Hà - Chủ tịch Hội Thẻ cho biết: Việc đề xuất nâng mức thu phí liên mạng (dùng thẻ ATM của ngân hàng này rút tại ATM của ngân hàng khác) và tính thêm phí là để nâng cấp dịch vụ, bù đắp chi phí.

Bảo vệ cho người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: Tại khoản 2 Điều 9 Luật Cạnh tranh nêu rõ “Cấm các tổ chức, cá nhân kinh doanh thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp” khi hàng hóa, dịch vụ họ kinh doanh là độc quyền. Việc các ngân hàng dưới sự chủ trì của Hội Thẻ cùng nhau bàn thảo và đưa ra một mức phí rút tiền là tạo sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các ngân hàng, gây thiệt hại cho người sử dụng thẻ .".
  • Tổng hợp)
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn